Phim “Thương nhớ ở ai” xuất sắc “ẵm” cùng lúc 4 giải Cánh diều vàng
(Dân trí) - Tối qua (15/4) tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra lễ trao giải Cánh diều 2017. Phim truyền hình “Thương nhớ ở ai” đã xuất sắc “ẵm” cùng lúc 4 giải thưởng.
Vượt qua nhiều ứng viên sáng giá, Thương nhớ ở ai đã xuất sắc đoạt giải Phim truyền hình xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc phim truyền hình (NSƯT Lưu Trọng Ninh – Bùi Thọ Thịnh), Quay phim xuất sắc phim truyền hình (NSƯT Hoàng Tích Thiện) và Nam diễn viên phụ xuất sắc phim truyền hình (Jimmy Khánh – vai Đột).
Ngoài ra, bộ phim Cô ba Sài Gòn cũng vượt qua “đối thủ nặng ký” Em chưa 18 đoạt giải Cánh diều vàng hạng mục Phim điện ảnh xuất sắc nhất. Trước đó, Cô Ba Sài Gòn đã nhận được nhiều sự ủng hộ không chỉ khán giả trong nước mà còn quốc tế khi tham gia LHP Busan tại Hàn Quốc.
Phim kể về câu chuyện của Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc) trong quá trình tìm kiếm bản ngã của mình thông qua trang phục truyền thống – Áo dài trong hành trình xuyên không. Ngoài ra, Cô Ba Sài Gòn còn có một giải cá nhân được vinh danh là Kịch bản xuất sắc nhất dành cho Kay Nguyễn và nhóm biên kịch A Type Machine.
Đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn nhìn nhận, Cô ba Sài Gòn có cách kể rất hiện đại. Bộ phim đã đi sâu vào khai thác đề tài về văn hoá Việt, ca ngợi tà áo dài, vẻ đẹp rất thuần Việt. Sắc màu Việt trong bộ phim này đã được hiện đại hoá lên đầy sức thuyết phục đối với người xem. Phim hoàn toàn xứng đáng với giải Cánh diều vàng 2017.
Bản thân biên kịch Kay Nguyễn bày tỏ, chị rất bất ngờ và cảm thấy hạnh phúc khi nhận được giải thưởng Cánh diều Vàng cho Biên kịch xuất sắc nhất. Giải thưởng này có ý nghĩa rất lớn với chị. Chị từng có thời gian học tập và làm việc tại nước ngoài nhưng môi trường ở nước ngoài rất khác. Trở về Việt Nam, chị mới cảm thấy được chào đón, được trọng vọng mà ở Nhật hoặc Mỹ không có. Với Kay, giải thưởng này là một động lực để chị tiếp tục có những bước tiến xa hơn trong nghề nghiệp.
Kay Nguyễn cho biết thêm rằng, kịch bản Cô Ba Sài Gòn đã sửa đến 9 lần trước khi bấm máy. May mắn của phim là có được một ê-kíp làm việc chuyên nghiệp và rất tuyệt vời.
“Từ nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch, phụ trách âm thanh, ánh sáng… của phim đã luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, với mục đích mang đến bộ phim hoàn chỉnh, sạch sẽ, khắc họa được văn hóa áo dài lên phim. Cô Ba Sài Gòn đã vượt qua phim giải trí thông thường, hấp dẫn và mang đủ yếu tố văn hóa Việt Nam gửi gắm vào đó. Có lẽ chính bởi điểm này đã may mắn được lòng ban giám khảo của Cánh diều năm nay”, Kay Nguyễn chia sẻ.
Hạng mục Nam/Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất của Phim truyện điện ảnh cũng đã xướng tên Kiều Minh Tuấn (phim Em chưa 18) và Nhã Phương (phim Yêu đi đừng sợ). Nam diễn viên Kiều Minh Tuấn do bận không ra Hà Nội được nên chỉ có Nhã Phương lên sân khấu nhận giải. Nhã Phương đã nghẹn ngào gọi giải thưởng Cánh diều vàng là “phao cứu sinh”.
“Thực sự, ở thời điểm hiện tại, giải thưởng này đối với tôi như phao cứu sinh, cho tôi thêm vững niềm tin để theo đuổi niềm đam mê của mình. Tôi xin được gửi lời cảm ơn tới đoàn làm phim, gia đình và đạo diễn Stephane Gauger”, Nhã Phương nghẹn ngào bày tỏ.
Danh sách cá nhân – tác phẩm đoạt giải Cánh diều vàng tại Cánh diều 2017:
Công trình Nghiên cứu – Lý luận – Phê bình điện ảnh: Giáo trình bậc đại học “Phim tài liệu” - PGS.TS Trần Thanh Hiệp (Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội).
Phim hoạt hình: Người anh hùng áo vải - Đạo diễn Phùng Văn Hà, Công ty CP Hãng phim Hoạt hình Việt Nam.
Đạo diễn xuất sắc phim hoạt hình: Phùng Văn Hà, phim Người hùng áo vải.
Họa sỹ chính xuất sắc phim hoạt hình: Nguyễn Thị Hồng Linh, phim Bí mật những đứa trẻ.
Phim ngắn: Vô diện - Đạo diễn Nguyễn Phan Thảo Đan, Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD).
Phim tài liệu: Ngày về - Đạo diễn Phạm Thanh Hùng, Điện ảnh Quân đội Nhân dân.
Quay phim xuất sắc phim tài liệu: Huỳnh Bá Phúc - Xuân Truyền, phim Đời cò.
Phim truyện truyền hình: Thương nhớ ở ai - Đạo diễn NSƯT Lưu Trọng Ninh - Bùi Thọ Thịnh, Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC).
Biên kịch xuất sắc phim truyện truyền hình: Lê Anh Thúy phim Tử thi lên tiếng.
Đạo diễn xuất sắc phim truyện truyền hình: NSƯT Lưu Trọng Ninh- Bùi Thọ Thịnh phim Thương nhớ ở ai.
Quay phim xuất sắc phim truyện truyền hình: NSƯT Hoàng Tích Thiện, phim Thương nhớ ở ai.
Nam diễn viên chính xuất sắc phim truyện truyền hình: Trương Minh Quốc Thái, vai Dương, phim Tử thi lên tiếng.
Nữ diễn viên chính xuất sắc phim truyện truyền hình: Xuân Văn, vai Di, phim Lẩn khuất một tên người.
Nam diễn viên phụ xuất sắc phim truyện truyền hình (đồng giải): NSƯT Trung Anh, vai Lương Bổng, phim Người phán xử và Jimmy Khánh, vai Đột, phim Thương nhớ ở ai.
Nữ diễn viên phụ xuất sắc phim truyện truyền hình: Thanh Hương, vai Phan Hương, phim Người phán xử.
Phim truyện điện ảnh: Cô Ba Sài Gòn - Đạo diễn: Lộc Trần – Kay Nguyễn, Công ty TNHHMTV Cung cấp Tài năng Việt (VAA) – Công ty TNHH Thời trang Thủy Nguyễn.
Biên kịch xuất sắc phim truyện điện ảnh: Kay Nguyễn và nhóm biên kịch A Type Machine, phim Cô Ba Sài Gòn.
Đạo diễn xuất sắc phim truyện điện ảnh: Lê Thanh Sơn, phim Em chưa 18.
Quay phim xuất sắc phim truyện điện ảnh: NSND Lý Thái Dũng, phim Đảo của dân ngụ cư.
Thiết kế mỹ thuật xuất sắc phim truyện điện ảnh: Trịnh Thiên Thanh, phim Yêu đi đừng sợ.
Âm nhạc xuất sắc phim truyện điện ảnh: Đức Trí, phim Dạ cổ hoài lang.
Âm thanh xuất sắc phim truyện điện ảnh: Võ Trung Nhân – Nguyễn Trọng Thanh, phim Ngày mai Mai cưới.
Nam diễn viên chính xuất sắc phim truyện điện ảnh: Kiều Minh Tuấn, vai Uông Việt Hoàng, phim Em chưa 18.
Nữ diễn viên chính xuất sắc phim truyện điện ảnh: Nhã Phương, vai Phương, phim Yêu đi đừng sợ.
Nam diễn viên phụ xuất sắc phim truyện điện ảnh: Nhan Phúc Vinh, vai Miên, phim Đảo của dân ngụ cư.
Nữ diễn viên phụ xuất sắc phim truyện điện ảnh: Midu, vai mợ Tuyết Mai, phim Mẹ chồng.
Diễn viên triển vọng phim truyện điện ảnh: Hà Mi, vai Tiểu Li, phim Cô gái đến từ hôm qua.
Hà Tùng Long
Ảnh: Toàn Vũ