NSƯT Trung Anh, Xuân Bắc được xem xét phong tặng danh hiệu NSND

(Dân trí) - NSƯT Trung Anh, Xuân Bắc là 2 trong số 4 nghệ sĩ nằm trong diện được xét hồ sơ phong tặng danh hiệu NSND của Nhà hát Kịch Việt Nam dịp này.

NSND Anh Tú - Quyền Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho rằng, theo quy định trước đây, các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSƯT phải đủ 3 năm mới được xem xét để xét tặng danh hiệu NSND. Tuy nhiên, theo Nghị định 89 mới đây, việc xét tặng danh hiệu NSND không nhất thiết phải đủ 3 năm nữa mà chỉ cần đủ số huy chương theo quy định và một số điều kiện khác.

Sự thông thoáng của Nghị định 89 đã giúp cho Nhà hát Kịch Việt Nam năm nay có tới 4 nghệ sĩ nằm trong diện được làm hồ sơ xét tặng NSND và 8 nghệ sĩ trong diện được làm hồ sơ xét tặng NSƯT. Theo đó, danh sách nghệ sĩ đủ điều kiện xét tặng NSND do Nhà hát trình lên bao gồm: NSƯT Trung Anh, NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Việt Thắng, NSƯT Lê Sơn; NSƯT bao gồm: Minh Hiếu, Mai Quyên, Tạ Minh, Phương Nga, Thuỳ Phương, Phú Đôn, Việt Thắng, Dũng Nam.

NSƯT Trung Anh chỉ làm hồ sơ xin xét tặng danh hiệu NSND sau khi được nhiều người tác động.
NSƯT Trung Anh chỉ làm hồ sơ xin xét tặng danh hiệu NSND sau khi được nhiều người tác động.

“Đây là danh sách ở cấp cơ sở thôi, còn Hội đồng cấp Bộ và Hội đồng cấp Nhà nước xét như thế nào chúng tôi chưa biết được. Tuy nhiên, tôi vẫn rất mong tất cả các trường hợp đủ làm hồ sơ xin xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần này đều đạt số phiếu bình chọn của tất cả các thành viên hội đồng. Nếu được thế thì quả là một niềm tự hào rất lớn của Nhà hát Kịch Việt Nam”, NSND Anh Tú chia sẻ.

Nói về trường hợp của NSƯT Trung Anh, NSND Anh Tú cho biết: “Tôi không biết lịch sử trước đây thế nào nhưng bây giờ NSƯT Trung Anh mới chịu làm hồ sơ và Hội đồng cấp cơ sở thông qua rất nhanh. Cả 4 trường hợp nằm trong diện làm hồ sơ xin xét tặng danh hiệu NSND lần này đều thông qua nhanh như thế cả dù ứng viên nào cũng được Hội đồng cấp cơ sở đưa ra phân tích, xem xét kỹ càng. Kể cả 8 trường hợp nằm trong diện được xét tặng danh hiệu NSƯT cũng được Hội đồng cấp cơ sở đồng thuận rất nhanh”, NSND Anh Tú bày tỏ thêm.

NSND Trung Anh chia sẻ rằng, thực ra lúc đầu anh định không làm hồ sơ xin xét tặng danh hiệu NSND nhưng vì có nhiều người tác động nên cuối cùng anh quyết định làm.

“Lần trước tôi không làm nên lần này tôi cũng không muốn làm. Nhưng anh Hoàng Dũng, rồi Anh Tú và anh chị em trong Nhà hát cũng tác động rất nhiều. Và người tác động nhiều nhất là bà xã của tôi. Tôi nhận thấy những điều mọi người phân tích cũng chí lí nên tôi mới quyết định làm hồ sơ”, NSƯT Trung Anh cho biết.

Theo nhân vật Lương Bổng của phim “Người phán xử” thì từ khi được phong tặng danh hiệu NSƯT đến nay đã 11 năm và anh đã gặt hái thêm được 2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc.

“Tôi phải nói thật là thế hệ các cô, các chú tronh Nhà hát Kịch Việt Nam của chúng tôi rất giỏi nên khi làm hồ sơ xin xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT chúng tôi cũng có chút tự ti. Các nhà hát khác họ làm hồ sơ xin xét tặng danh hiệu từ rất sớm, khi còn ít tuổi nhưng chúng tôi lại có những cái lấn cấn. Đây không phải là một sự thiệt thòi mà nhiều khi mình cũng cần phải biết mình là ai”, NSƯT Trung Anh nói thêm.

NSƯT Xuân Bắc cho biết: “Tôi cho rằng, nếu làm nghệ thuật để được danh hiệu, để săn giải thưởng hoặc để được điều này điều kia thì cần phải xem lại. Nhưng nếu làm nghệ thuật mà được mọi người ghi nhận và đánh giá cao thì điều đó rất đáng tự hào.

Xuân Bắc cho rằng, đích đến của anh trong nghệ thuật không phải là danh hiệu.
Xuân Bắc cho rằng, đích đến của anh trong nghệ thuật không phải là danh hiệu.

Phải nói rằng, việc Bộ VHTT&DL đưa ra việc phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT rất là hợp lí để cùng đánh giá, vinh danh những người thực sự có cống hiến cho nghệ thuật. Trong mỗi kỳ xét tặng danh hiệu có thể có những lùm xùm này nọ nhưng quan trọng hơn hết với mỗi nghệ sĩ chính là tác phẩm để lại cho đời, sự đánh giá của khán giả như thế nào và giá trị thực sự của nghệ thuật anh đem lại. Tất nhiên, bất kỳ ai được phong danh hiệu tôi cũng chúc mừng họ bởi đó là sự ghi nhận của Nhà nước đối với họ”.

Nam nghệ sĩ này cho rằng, đạt danh hiệu không phải là đích đến cuối cùng trong con đường nghệ thuật của anh. Kể cả được hay chưa được anh vẫn sẽ cống hiến và làm việc hết mình vì nghệ thuật, làm đến mức mình không thể làm được nữa mới thôi.

“Tôi chỉ mong rằng, những ai được phong tặng danh hiệu NSND rồi thì hãy xứng đáng với danh hiệu đó. Hãy tiếp tục dùng tài năng, sức lực, trí tuệ… của mình cống hiến cho nghệ thuật nước nhà, tạo ra những tác phẩm xuất sắc để phục vụ công chúng.

Tôi cũng mong, anh chị em nghệ sĩ, những ai chưa được danh hiệu NSND, NSƯT thì vẫn cứ tiếp tục bằng niềm say mê, bằng nhận thức xã hội và bằng trình độ của mình đem lại những tác phẩm nghệ thuật thật xuất sắc, hướng tới cuộc sống, con người”, NSƯT Xuân Bắc nói.

Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”

Danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” được xét tặng cho đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 2 của Nghị định 89 khi đạt các tiêu chuẩn sau đây:

1. Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương;

2. Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho ngành, nghề nghệ thuật; có uy tín nghề nghiệp; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ;

3. Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 20 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên;

4. Đã được tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Ưu tú” và có ít nhất 02 giải Vàng quốc gia sau khi được tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Ưu tú”.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm