NSƯT Trần Lực: “Tôi nhận được nhiều bức thư hỏi sao không cưới Lê Khanh?”
(Dân trí) - Trần Lực chia sẻ, nghệ sĩ Lê Khanh chính là người đã “lôi kéo” anh đi đóng phim sau khi anh học ngành Sân khấu từ Bulgari về năm 1991. Và đóng cặp với nhau trong nhiều bộ phim nên có thời điểm, một ngày anh nhận hàng trăm bức thư hỏi vì sao anh và Lê Khanh không cưới nhau?
Từng bị hỏi vì sao không cưới Lê Khanh
Đạo diễn, NSƯT Trần Lực được biết đến với những vai diễn ấn tượng trong các phim: Người đi tìm dĩ vãng , Mẹ chồng tôi , Hoa ban đỏ , Đời hát rong , Giải hạn , Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông , Chuyện thầy tôi… Anh cũng từng gây tiếng vang trong vai trò đạo diễn với các bộ phim truyền hình để đời: Chuyện nhà Mộc, Tết này ai đến xông nhà, Tivi về làng, Cocktail cho tình yêu, chàng trai đa cảm, Tìm lại chính mình… Trần Lực từng được ví như một chàng công tử rất đỗi đào hoa và lịch lãm của điện ảnh Việt thời đó.
Trần Lực tâm sự, anh đến với điện ảnh hoàn toàn là duyên nghiệp: “Năm ấy, tôi đi học về sân khấu ở Liên Xô mới về nước. Tôi đến đoàn làm phim cùng bạn bè, nhưng ở đó, người ta thấy tôi trắng trẻo quá, thư sinh quá, cứ mời đi đóng phim. Rồi sau đó, những lời mời cứ đến liên tục…”.
Thời đó, Trần Lực là một “kép đẹp” của hàng loạt “mỹ nhân” sáng giá như: Lê Khanh, Chiều Xuân, Thu Hà... Vì lẽ đó mà mới đây, khi Trần Lực cùng Lê Khanh dành cho nhau những lời “có cánh” trong buổi giới thiệu vở kịch “Quẫn” do anh đạo diễn đã có không ít câu hỏi dành cho hai người.
Trước thắc mắc “Lê Khanh - Trần Lực từng là cặp đôi đẹp của điện ảnh, liệu anh chị có một dự án sân khấu nào chung sắp tới?”, Trần Lực vui vẻ chia sẻ, Lê Khanh chính là người đã “lôi kéo” anh đi đóng phim sau khi anh học ngành Sân khấu từ Bulgari về năm 1991. “Đóng cặp với nhau trong nhiều bộ phim, có thời điểm, một ngày tôi nhận hàng trăm bức thư hỏi vì sao chúng tôi không cưới nhau? (cười). Với sân khấu, chúng tôi có niềm đam mê chung. Hiện nay, nơi tôi công tác (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh) và Nhà hát Tuổi trẻ (nơi Lê Khanh công tác) vừa ký kết hợp tác đào tạo, diễn xuất cho các em sinh viên. Sắp tới, tôi cũng hy vọng sẽ có dự án hợp tác giữa hai chúng tôi”, Trần Lực nói.
Trước đó, khi chia sẻ cảm xúc về vở “Quẫn”, NSND Lê Khanh cho biết, chị đã “sốc” khi xem vở diễn và bất ngờ với tài năng đạo diễn của NSƯT Trần Lực. Theo Lê Khanh, chị đã từng xem vở này nhiều năm trước, thậm chí đã xem phiên bản dàn dựng do cha mình là NSND Trần Tiến đảm nhận vai chính (ông Đại Cát) nhưng khi xem lại “Quẫn” qua bàn tay dàn dựng tài tình, sáng tạo của NSƯT Trần Lực, chị đã vỡ òa cảm xúc vì sung sướng.
Trần Lực cũng “tếu táo” rằng, lời khen của Lê Khanh khiến anh run lắm. Run vì vui sướng nhưng cũng run bởi không biết có phải là bạn động viên mình không.
“Nhưng nhận được sự đánh giá của Ban Giám khảo của Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm ngoái, tôi hiểu bạn không chỉ động viên mà thực sự chúng tôi đã làm được”, Trần Lực thật thà thú nhận.
Hơn 30 năm tốt nghiệp mới dựng vở đầu tay
Ít ai biết rằng, dù nổi tiếng ở lĩnh vực điện ảnh nhưng Trần Lực lại xuất thân từ sân khấu. Cha của anh là GS.NSND Trần Bảng - đạo diễn, soạn giả, nhà nghiên cứu chèo, còn mẹ anh là cố nghệ sĩ chèo Trần Thị Xuân. Anh từng theo học ngành Đạo diễn sân khấu của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh những năm cuối thập niên 80, sau đó anh được cử đi đào tạo chuyên ngành Sân khấu tại Bulgari. Và sau hơn 30 năm tốt nghiệp, Trần Lực mới có vở diễn sân khấu đầu tay để ra mắt khán giả.
Trần Lực chia sẻ, anh sinh ra và lớn lên bên cánh gà sân khấu. Tuổi thơ của anh gắn liền với các vở diễn vì lẽ đó mà sân khấu ngấm vào máu thịt và là thế giới cổ tích của anh. Những ngày đầu, khi mới đi học nước ngoài về, anh cùng vài người bạn lang thang khắp Hà Nội tìm địa điểm để mở một sân khấu tư nhân. Nhưng những năm 90, chưa được phép thực hiện sân khấu tư nhân. Mặc dù, công việc đóng phim cứ cuốn anh đi nhưng trong anh vẫn đau đáu một nỗi niềm với sân khấu, luôn dõi theo và tìm đến sân khấu khi có cơ hội.
Việc anh quyết định dựng lại vở “Quẫn” - một vở kịch kinh điển của cố tác giả Lộng Chương, một phần là để hiện thực hóa nỗi niềm đau đáu bấy lâu, một phần là vì anh hâm mộ vở kịch này từ thuở bé.
“Quẫn” kể câu chuyện hài kịch từ nửa thế kỷ trước. Mục đích lớn nhất của nam nghệ sĩ khi dựng vở kịch này là: “Chúng tôi muốn cho khán giả thấy được chúng ta đã từng trải qua những giai đoạn ấu trĩ như vậy và bây giờ chúng ta hãy nhìn lại giai đoạn ấy đi. Chúng ta không trách móc gì cả nhưng sự ấu trĩ ấy làm chúng ta thấy buồn cười. Chính vì chúng ta thấy ấu trĩ, thấy buồn cười… chúng ta mới lớn lên được, đấy là điều chúng tôi muốn nói”.
Theo Trần Lực, vở kịch này từng được NSND Trần Hoạt dựng cho Nhà hát Kịch Việt Nam nửa thế kỷ trước theo thủ pháp hiện thực tâm lý. Nhưng anh không đi theo lối mòn đó mà dựng theo thủ pháp ước lệ. Ước lệ không gian, thời gian và đặc biệt là ước lệ trong nghệ thuật biểu diễn của diễn viên, từng động tác đều mang ý nghĩa. Sân khấu mở ra tối giản hết mức, có lúc không thấy đạo cụ gì, có lúc chỉ là một chiếc hòm ở trung tâm. Cảnh diễn chính phía trước, đằng sau luôn có lớp người áo đen lột ra “tâm” của nhân vật. Âm thanh, âm nhạc trên sân khấu cũng do diễn viên tạo ra, ánh sáng chỉ màu trắng, vàng với mức độ khác nhau. Toàn bộ vở diễn tập trung vào diễn viên là những bạn trẻ thế hệ 9X, kể câu chuyện hài kịch từ nửa thế kỷ trước.
Lý giải lí do giao vở diễn này cho các sinh viên đang học năm 4 trường Đại học Sân khấu Điện ảnh trình diễn, Trần Lực cho biết, với cá nhân anh, sinh viên năm thứ 4 đã định hình rõ về phong cách nên có thể đảm nhận vai trò diễn viên một cách chủ động.
“Ban đầu, tôi cũng hết sức lo lắng vì dàn diễn viên trẻ không phải ngôi sao và vở kịch được dựng với phong cách bi hài chứ không chỉ thuần hài. Nhưng buổi diễn đầu tiên chật kín khán giả, kết thúc rất lâu mà người xem vẫn nán lại chia sẻ đầy tâm đắc. Hơn cả là với các giải thưởng tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2016 đã chứng minh được tất cả. Ông Đại Cát do Trương Mạnh Đạt đóng (đoạt giải Vàng) hiện rõ bộ mặt “yêu” tiền, yêu của cải đến cả trong mơ cũng thèm thuồng, rồi rũ bỏ hết cả vỏ bọc giả tạo, phát cuồng lên khi hòm vàng cất giấu giữa nhà biến mất. Bà Đại Hưng vai của Ngọc Trâm đành hanh, nanh nọc... Tất cả các vai người xem không tìm thấy sự gượng ép, không cảm giác họ “khoác áo rộng” mà hòa nhập, thăng hoa trong từng nhân vật, Trần Lực chia sẻ.
Nói về kỳ vọng khi đưa vở diễn này ra công diễn ở Nhà hát Tuổi Trẻ vào 18/2 và 25/2 tới đây, Trần Lực cho rằng, với cách làm khác với sân khấu nhiều năm qua, anh hy vọng mọi người sẽ thấy được sân khấu đáng yêu như thế nào, kỳ thú và hấp dẫn ra làm sao. Anh mong muốn mọi người sẽ đến rạp đông như thời “hoàng kim” của sân khấu trước đây. Có như thế sân khấu mới mong khởi sắc và thay đổi diện mạo chìm lắng bấy lâu.
Hà Tùng Long