1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Những cuốn tiểu thuyết gây tranh cãi vì “dung tục hóa” nhân vật lịch sử

(Dân trí) - Không riêng gì cuốn tiểu thuyết lịch sử “Chim ưng và chàng đan sọt” bị phản ứng vì cảnh sex bị cho là suồng sã, dung tục. Trước đó, cuốn tiểu thuyết “Hội thề”, “Tây Sơn bi hùng truyện”, truyện ngắn “Trở về Lệ Chi Viên”… cũng vấp phải ý kiến trái chiều khi hư cấu nhân vật lịch sử.

Tiểu thuyết lịch sử bị phản ứng vì miêu tả dung tục

Ngay khi đoạt giải C hạng mục sách hay trong lễ trao giải Sách quốc gia 2018, cuốn “Chim ưng và chàng đan sọt” của nhà văn Bùi Việt Sỹ lập tức gây sự chú ý. Cuốn tiểu thuyết lịch sử này viết về nhân vật chính Phạm Ngũ Lão, người xuất thân nông dân trở thành anh hùng. Bên cạnh đó, cuốn tiểu thuyết còn khắc họa chân dung của Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông.

Tuy nhiên, không ít độc giả, nhà chuyên môn lại thể hiện sự lo ngại về đoạn văn miêu tả cảnh ân ái giữa nhân vật Trần Khánh Dư và công chúa Thiên Thụy, vợ của Hưng Võ Vương Trần Quốc Nghiễm (con trai cả Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn). Đoạn tả cảnh quan hệ tình dục này bị cho rằng đã dùng nhiều từ ngữ miêu tả trần trụi, dung tục.

“Cách thể hiện của tác phẩm này có chút gì đó quá hiện đại và hơi suồng sã… Hình ảnh và câu chữ trong phân đoạn miêu tả hình ảnh tình dục trong này hoàn toàn không phù hợp với trẻ nhỏ”, chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương bày tỏ.

Cuốn tiểu thuyết lịch sử đang gây tranh cãi vì đoạn văn miêu tả cảnh ái ân của nhân vật lịch sử Trần Khánh Dư.
Cuốn tiểu thuyết lịch sử đang gây tranh cãi vì đoạn văn miêu tả cảnh ái ân của nhân vật lịch sử Trần Khánh Dư.

Trước "Chim ưng và chàng đan sọt", nhiều tiểu thuyết lịch sử khi ra mắt độc giả cũng vấp phải những ý kiến trái chiều từ dư luận. Truyện ngắn "Trở về Lệ Chi viên" của Nguyễn Thúy Ái cũng bị một số ý kiến cho là xúc phạm danh nhân Nguyễn Trãi và bà nữ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ vì những đoạn miêu tả tình dục trần trụi. Tác phẩm còn bị “soi” là sai lệch thời gian và tình tiết cốt truyện so với những điều được ghi trong sử sách.

Hay cuốn "Tây Sơn bi hùng truyện" của Lê Đình Danh từng bị dư luận phản ứng vì những hư cấu bị cho là "làm méo mó" hình ảnh vị tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân…

Những cuốn như tiểu thuyết "Hội thề" của nhà văn Nguyễn Quang Thân đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010, "Rồng đá" (Vũ Ngọc Tiến và Lê Mai), "Sóng chìm" (Đình Kính), "Minh sư" (Thái Bá Lợi) và "Dị hương" (Sương Nguyệt Minh)… cũng vấp phải những ý kiến trái chiều khi chạm đến mối quan hệ giữa sự thật và hư cấu…

Hư cấu nhân vật lịch sử, đâu là giới hạn?

Chia sẻ với phóng viên Dân trí xoay quanh những ồn ào về cuốn “Chim ưng và chàng đan sọt”, chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương bày tỏ: “… Với một tác phẩm lịch sử, nên chăng chúng ta nên sử dụng cách thể hiện gợi mở, đóng nhưng mà mở, dung dị nhưng không dung tục, hấp dẫn nhưng không phô bày. Như vậy, cách miêu tả sẽ sát với hiện thực thời đại của lịch sử dân tộc vốn rất kín đáo và ý nhị…”.

Tây Sơn bi hùng truyện của Lê Đình Danh từng bị dư luận phản ứng vì những hư cấu làm méo mó hình ảnh vị tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân…
"Tây Sơn bi hùng truyện" của Lê Đình Danh từng bị dư luận phản ứng vì những hư cấu "làm méo mó" hình ảnh vị tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân…

Còn một nhà văn chuyên viết tiểu thuyết lịch sử thì cho rằng, không nên hư cấu nhân vật lịch sử. “Ta không có quyền bịa về một con người, nhất là những con người vẫn còn đang được thờ phụng hương khói. Nhà văn phải giữ thái độ trân trọng với văn chương, với lịch sử. Tôi vẫn nghĩ ta phải có sự nghiêm túc khi cầm bút thì những nhân vật lịch sử mới đến với mình. Điều quan trọng là người viết tiểu thuyết lịch sử phải có trách nhiệm với nhân vật. Tôi không chấp nhận sự thoải mái hư cấu, không thể bịa chi tiết thêm thắt vào một nhân vật có thật", ông nói.

Bày tỏ ý kiến riêng về nhân vật Trần Khánh Dư, nhà văn này cho rằng nhân vật này “có đủ thói hư tật xấu, có ngang ngược nhưng cũng đầy tài hoa…”

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, cảnh ái ân trong tiểu thuyết lịch sử vô cùng cần thiết nhưng vấn đề viết như thế nào để được mọi người công nhận là nghệ thuật hoặc phi nghệ thuật, thẩm mỹ hoặc phản thẩm mỹ thì còn… tùy thuộc vào người viết!

TS Đỗ Hải Ninh, Viện Văn học thì cho rằng, văn xuôi hư cấu lịch sử là một trong những khu vực tạo nên sóng gió dư luận nhiều nhất. Những cuộc tranh luận thường xuất phát từ 2 điểm cơ bản, đó là mức độ chân thực so với sự thật lịch sử (chính sử) và sự vênh lệch so với nhận thức, quan điểm chung của cộng đồng.

Không chỉ bị mổ xẻ mức độ chính xác của chi tiết, sự kiện lịch sử, và chủ đề tư tưởng trong các tác phẩm; các nhà văn còn gặp rất nhiều “sóng gió” khi hư cấu các nhân vật lịch sử với những chi tiết con người trần tục, bản năng. Theo TS Đỗ Hải Ninh, ở thời điểm hiện tại, trong văn học, sự thể hiện con người tự nhiên, bản năng là điều bình thường nhưng đối với lịch sử và nhân vật lịch sử thì vẫn rất "nhạy cảm"!

Nguyễn Hằng