Những bộ phim khiến người xem… thông minh hơn

(Dân trí) - Mục đích đầu tiên của điện ảnh là để giải trí, nhưng có những bộ phim không chỉ giúp bạn giải trí mà còn giúp bạn… thông minh hơn.

Đó là những bộ phim giúp bạn hiểu biết được nhiều điều thú vị trong những lĩnh vực khoa học tự nhiên & xã hội, theo một cách hấp dẫn, mà bình thường có thể bạn sẽ không muốn động tới.

Âm nhạc - Phim “Amadeus” (Sự đố kỵ của thiên tài - 1984)

Nhà soạn nhạc người Áo Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791) là một thiên tài. Có rất nhiều giai thoại truyền tụng về tài năng âm nhạc của Mozart. Ông là một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất, quan trọng nhất, có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong âm nhạc cổ điển châu Âu.

Các tác phẩm của ông được xem là đỉnh cao trong âm nhạc thính phòng, nhạc giao hưởng, nhạc tôn giáo và opera. Nhà soạn nhạc người Áo sống cùng thời với Mozart - Joseph Haydn - đã từng viết rằng: “Hậu thế sẽ không thể nhìn thấy một tài năng như vậy trong vòng 100 năm tới”. Có lẽ 100 năm vẫn còn là con số khiêm tốn để nói về Mozart.

Những bộ phim khiến người xem… thông minh hơn


Trong phim “Sự đố kỵ của thiên tài”, có một tình tiết kể rằng đối thủ truyền kiếp của Mozart - nhà soạn nhạc người Ý Antonio Salieri - đã soạn bản “Hành khúc chào mừng” với mục đích “dằn mặt” Mozart ngay trong buổi đầu gặp gỡ trong hoàng cung nước Áo.

Nhưng điều Salieri không thể ngờ là ngay trước mặt hoàng đế, Mozart đã không ngần ngại chê bai bản nhạc, coi đó là một tác phẩm hạng xoàng và ngay lập tức dựa trên trí nhớ của mình, Mozart chơi lại bản nhạc vừa mới được nghe duy nhất một lần. Mozart có những biến tấu khiến bản nhạc mà Salieri phải vất vả lắm mới soạn được ra, bỗng trở nên hay hơn hẳn.


Bản nhạc Salieri soạn ở cung Đô trưởng, tiết tấu chậm rãi, nhưng Mozart đã chơi lại theo cách ngẫu hứng với tiết tấu nhanh, khiến bản nhạc bớt đi sự nhàm tẻ. Cách Mozart kết cấu lại những hợp âm đã khiến bản nhạc hay hơn hẳn. Xem phim, khán giả sẽ có thêm những khái niệm về âm nhạc cổ điển và những bí quyết để chơi đàn hấp dẫn.

Văn học - Phim “Finding Forrester” (Đi tìm Forrester - 2000)

Dù bộ phim mang nhiều tính hư cấu nhưng nhân vật nhà văn sống ẩn dật William Forrester lại được xây dựng dựa trên một nhà văn có thật - tác giả của cuốn “Bắt trẻ đồng xanh” - J.D. Salinger (1919-2010).

Trong phim, nhà văn Forrester đã đưa ra nhiều lời khuyên cho nhân vật nam chính - một cây bút trẻ đang tập tành viết lách. Forrester đã khuyên rằng bản thảo đầu tiên phải được bằng trái tim, bản thảo thứ hai phải được viết lại bằng cái đầu.

Những bộ phim khiến người xem… thông minh hơn


Forrester cũng nói rằng chiếc chìa khóa đầu tiên mở ra cánh cửa của việc viết lách chính là hãy cứ viết và đừng suy nghĩ gì nhiều; hay, kỷ luật của người viết văn là phải luôn không ngừng mở rộng tâm trí… Những lời khuyên mà nhân vật nhà văn ẩn dật William Forrester đưa ra luôn mang nhiều ẩn ý.

Đối với những cây bút trẻ, xem “Finding Forrester”, họ sẽ nhận được nhiều lời khuyên đầy gợi mở. Bài học lớn nhất, đó là mỗi cây bút đều có sức mạnh riêng, là một giọng văn độc đáo riêng, được nói lên từ trái tim và khối óc của tác giả. Những tên tuổi lớn trong văn học suy cho cùng cũng là những tiếng nói cá nhân, đã được thế giới biết tới, lắng nghe và ngưỡng mộ.


Vật lý - “The Theory Of Everything” (Thuyết yêu thương - 2014)

Toàn bộ vũ trụ này đã được hình thành như thế nào? Nhà vật lý lý thuyết, nhà vũ trụ học Stephen Hawking (sinh năm 1942) đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để trả lời cho câu hỏi đó. “Thuyết yêu thương” đã đề cập đến nhiều mảng nội dung mà Hawking nghiên cứu, như thuyết Big Bang, lỗ đen vũ trụ, lý thuyết siêu dây…

Những bộ phim khiến người xem… thông minh hơn


Khi xem phim, khán giả sẽ thấy trở đi trở lại câu hỏi về sự hình thành của vũ trụ, về những lý thuyết lý giải cho sự hình thành kỳ diệu đó, về ý tưởng quay ngược dòng thời gian tuyến tính để tìm về một “điểm kỳ dị không - thời gian” của vũ trụ, tại đó, vũ trụ bắt đầu hình thành…

Những ý tưởng cao siêu về vũ trụ học của Hawking sẽ được diễn đạt một cách dễ hiểu hơn thông qua nội dung bộ phim, xem xong, có thể khán giả sẽ muốn tìm đọc cuốn “Lược sử thời gian” nổi tiếng của ông - một cuốn sách khoa học thường thức xoay quanh chủ đề vũ trụ học rất nổi tiếng và từng lọt vào danh sách “bestseller” của Anh trong kỷ lục 237 tuần.


Như một định mệnh, Stephen Hawking cũng phải chịu lời nguyền của những “thiên tài bị hành hạ” khi ông mắc phải căn bệnh về thần kinh vận động, gây ra hiện tượng teo cơ, khiến ông gần như liệt toàn thân và phải giao tiếp thông qua một thiết bị hỗ trợ phát ra giọng nói. Trong cuộc đời, ông đã kết hôn 2 lần và có 3 người con.

Kinh tế học - “A Beautiful Mind” (Một tâm hồn đẹp - 2001)

Nhà toán học John Nash (1928-2015) là một thiên tài toán học, nhưng chính những lý thuyết áp dụng trong lĩnh vực kinh tế mới khiến John Nash trở thành huyền thoại. Giờ đây, lý thuyết trò chơi của ông đã được ứng dụng trong vô số lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, trở thành công cụ đắc lực để phân tích tình thế kinh tế trong cạnh tranh và đàm phán thương mại. Năm 1994, John Nash đã nhận giải Nobel Kinh tế.

Những bộ phim khiến người xem… thông minh hơn


Lý thuyết trò chơi được gợi mở từ một hoạt cảnh trong quán bar, khi một cô gái tóc vàng xinh đẹp bước vào quán, thu hút mọi ánh nhìn, mọi chàng trai đều muốn trở thành người được sánh bước bên cô ra khỏi quán. Chính cô gái này đã trở thành mấu chốt “kích hoạt” lý thuyết của John Nash.

Ứng dụng tư duy logic, John Nash đã nhận định tình huống với các cậu bạn của mình rằng nếu tất cả họ đều tiến về phía cô gái tóc vàng, sẽ không ai trong nhóm có được cô gái. Khi đó, nếu họ tiếp tục quay sang tiếp cận các cô bạn của cô gái tóc vàng, những cô gái này cũng sẽ bỏ đi bởi họ đều cảm thấy bị sỉ nhục khi không đủ hấp dẫn để là lựa chọn đầu tiên.

Tuy vậy, nếu họ đồng tâm nhất trí với nhau để tất cả đều tiếp cận những cô bạn của cô gái tóc vàng, vậy thì tất cả đều sẽ “thắng”, sẽ có cô gái để cùng sánh bước ra khỏi quán. Đó chính là tình huống “huyền thoại” giúp John Nash nảy ra logic của lý thuyết trò chơi.

Tuy vậy, ở buổi đầu sơ khai ấy, John Nash đã không thể thuyết phục được các cậu bạn của mình, bởi họ cho rằng John Nash đang “bẫy” họ, rằng rồi thì cô gái tóc vàng sẽ… về tay ai? Hẳn là sẽ về tay John Nash.

Bên cạnh trí tuệ thiên tài, “Một tâm hồn đẹp” cũng kể về bi kịch lớn nhất trong cuộc đời John Nash. Bắt đầu từ năm 1959, John Nash bắt đầu có những biểu hiện rõ rệt của bệnh tâm thần phân liệt. Biến cố này những tưởng đã hủy hoại sự nghiệp và gia đình ông khi công việc nghiên cứu và giảng dạy phải dừng lại, cuộc hôn nhân cũng đổ vỡ.


Sau năm 1970, tình trạng sức khỏe của John Nash dần hồi phục, ông trở lại công việc vào giữa thập niên 1980. Cuộc đấu tranh chống lại căn bệnh tâm thần phân liệt của ông đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho cuốn tiểu sử “A Beautiful Mind” và sau này là bộ phim điện ảnh nổi tiếng cùng tên - bộ phim đã giành giải Oscar cho Phim hay nhất.

Ngày 23/5/2015, John Nash và vợ - bà Alicia - người phụ nữ tuyệt vời đã cùng ông trải qua mọi sóng gió, đã cùng ông… ly hôn một lần và kết hôn hai lần, cặp đôi “tâm hồn đẹp” ấy đã qua đời bên nhau trong một vụ tai nạn xe hơi.

Khoa học máy tính - “The Imitation Game” (Người giải mã - 2014)

Alan Turing (1912-1954) là một nhà toán học, logic học và mật mã học người Anh thường được xem là cha đẻ của ngành khoa học máy tính. Phép thử Turing là một trong những cống hiến của ông trong ngành trí tuệ nhân tạo, thử thách này đặt ra câu hỏi rằng máy móc có khi nào đạt được ý thức và suy nghĩ hay không.

Những bộ phim khiến người xem… thông minh hơn


Trong Thế chiến II, Alan Turing là một trí tuệ quan trọng, giúp phá mật mã của quân Đức, góp phần đưa thế chiến II nhanh đến hồi kết (nhiều sử gia cho rằng nhờ việc phá được mật mã của máy Enigma mà Thế chiến II đã rút ngắn được 2 năm) và nhờ vậy mà giảm thiểu số người thương vong vì chiến trận.

Alan Turing đã sáng chế ra nhiều kỹ thuật phá mật mã của Đức, trong đó có phương pháp nối các máy giải mã lại với nhau thành một bộ “bombe”, một máy điện-cơ để tìm ra công thức cài đặt của máy Enigma.


Cuộc đời và những cống hiến của Alan Turing đã được kể lại trong phim “Người giải mã”. Alan Turing đã tạo nên những kỳ tích trí tuệ, nhưng ông cũng phải gánh chịu một định mệnh khốn cùng.

Năm 1952, Alan Turing (vốn là một người đồng tính) bị kết án vì có quan hệ đồng giới và phải chấp nhận liệu pháp hoóc-môn nữ thay cho việc phải ngồi tù. Ông mất năm 1954, chỉ 2 tuần sau sinh nhật thứ 42, do ngộ độc hóa chất. Người ta tin rằng ông đã tự tử.

Bích Ngọc
Tổng hợp

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục Văn hóa, quý độc giả có thể gửi đến ban Văn hóa báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email vanhoa@dantri.com.vn. Xin trân trọng cảm ơn!