1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Nghệ sĩ tranh cãi quyết liệt chuyện "hài Bắc nhạt, hài Nam hấp dẫn"

(Dân trí) - Trước những ý kiến trái chiều về chuyện hài Bắc nhạt nên không “hút” được khán giả tới rạp, còn hài Nam hấp dẫn nên lúc nào cũng chật kín khán giả, các nghệ sĩ Quang Thắng, Minh Hằng, Hiệp Gà và Trường Giang đã có những chia sẻ của riêng mình.

Trong buổi họp báo giới thiệu đĩa hài Tết “Chôn nhời”, “Enter” và “Bờm” vào chiều 16/12, khi được hỏi về những ồn ào của chuyện hài Bắc – hài Nam các nghệ sĩ đã bày tỏ nhiều quan điểm khác nhau.

NSƯT Quang Thắng cho rằng: “Vừa rồi có rất nhiều người thắc mắc về chuyện hài Bắc và hài Nam. Nhưng theo tôi là đừng chia sẽ giữa miền Nam và miền Bắc. Đừng nên để các nghệ sĩ giữa hai miền có sự bất hoà với nhau. Tôi khẳng định rằng, một khi đã là nghệ sĩ thì ai cũng muốn làm tốt nhất phần việc của mình trên sân khấu.

Tuy nhiên, khán giả miền Nam thì hiền hơn, họ không đòi hỏi cao, cứ thấy vui thì họ cười. Còn khán giả miền Bắc dù sao cũng là “kẻ sĩ Bắc Hà” nên đòi hỏi cao hơn, trong một tiểu phẩm lúc nào cũng phải có “mở bài, thân bài”, kết luận”.

Quang Thắng trong hình ảnh Quan Bợm của hài Tết Chôn nhời.
Quang Thắng trong hình ảnh Quan Bợm của hài Tết "Chôn nhời".

Riêng miền Nam đôi khi họ đến rạp không đơn thuần chỉ để xem hài mà có thể đến vì nghệ sĩ và nhiều lúc chưa cần diễn hài họ cũng đã cười rồi. Tôi đã từng làm việc chung với các nghệ sĩ hài miền Nam và thấy được sức sáng tạo của các anh chị trong đó rất lớn. Có thể họ vừa diễn thế này nhưng sau khi đạo diễn yêu cầu hoặc khán giả chưa vừa lòng là họ ngay lập tức có thể làm lại kiểu khác được ngay. Sự sáng tạo đó của nghệ sĩ hài miền Bắc còn chậm hơn so với các anh chị miền Nam.

Nói tóm lại, phàm là nghệ sĩ họ đều muốn cống hiến hết mình. Còn thị hiếu, “gu” thẩm mỹ… của khán giả mỗi nơi khác nhau nên các nghệ sĩ cũng sẽ có cái khác. Chúng ta không nên so sánh làm gì mà đâm ra mất lòng nhau”.

Diễn viên Hiệp "gà" bày tỏ: “Tôi nghĩ vấn đề này hơi “cộm”. Quan điểm này hơi cá nhân. Nhưng tôi xin nói rằng, nghệ sĩ thì mỗi người có một màu sắc riêng. Tôi mang đến tiếng cười khác kiểu anh Quang Thắng hoặc khác anh Chí Trung… miễn sao họ vẫn được khán giả đón nhận thì họ vẫn cứ sống với nghề. Ông trời phú cho mỗi người một con đường đi và khán giả cho họ một chỗ đứng.

Hiệp gà trong vai Thầy Lang đa cấp của phim hài Tết.
Hiệp "gà" trong vai Thầy Lang đa cấp của phim hài Tết.

Tôi thấy rằng, nghệ sĩ phía Nam có được nhiều cơ hội va chạm với khán giả hơn, môi trường va chạm tốt hơn và có thể được khán giả yêu mến hơn nhưng chưa hẳn họ đã được khán giả miền Bắc yêu mến. Hoặc cũng có nhiều nghệ sĩ miền Bắc được nhiều khán giả yêu mến nhưng khi vào Nam lại không lấy được tiếng cười của khán giả trong đó. Thực ra, vấn đề này thuộc về phạm trù văn hoá và thị hiếu vùng miền. Chính văn hoá vùng miền khiến nghệ sĩ có những khoảng cách nhất định với khán giả”.

NSƯT Minh Hằng chia sẻ: “Là nghệ sĩ sáng tạo trên sân khấu hoặc trong điện ảnh, đương nhiên chúng tôi không bao giờ phân biệt người miền Nam hay người miền Bắc. Nghệ sĩ miền nào thì cũng đều là công dân sống trong một dải đất hình chữ S.

Tuy nhiên, công bằng mà nói thì nghệ sĩ miền Nam hiện nay có sức sáng tạo rất ghê gớm. Nghệ sĩ miền Bắc đôi khi ngủ quên trong những sự sáng tạo của mình nên thường tự phong cho mình là “danh hài họ”, “nghệ sĩ kia”… Tôi nghĩ rằng, nghệ sĩ hài hay nghệ sĩ không hài, một khi đã làm nghệ thuật thì đều có sự sáng tạo cả. Và hãy để sự yêu mến ấy cho khán giả chứ chúng ta không nên tự phong nọ, phong kia.

Nghệ sĩ Ưu tú Minh Hằng.
Nghệ sĩ Ưu tú Minh Hằng.

Tất nhiên, tôi thừa nhận, có một số người vì được đạo diễn ưu ái nên không rành nghề nhưng vẫn “nhảy” được vào nghề. Nói một cách hơi bỗ bả là “ngồi xồm” trong nghề. Họ không hiểu được ngôn ngữ sân khấu, kỹ thuật biểu diễn, nói ngọng líu ngọng lô… thì làm sao mà diễn hay được. Ví dụ, cùng một lời thoại nhưng họ không hiểu đang thoại cái gì. Nói thậm chí còn sai chính tả, nói ngọng và đặc sệt địa phương thì làm sao mà làm được nghề. Tôi cực kỳ ác cảm với các diễn viên đi ra quay mà không thuộc lời.

Trong khi đó, các bạn nghệ sĩ miền Nam lại cực kỳ nghiêm túc trong chuyện này. Tôi đi diễn miền Nam rất nhiều lần. Tôi cũng từng ngồi dưới hàng ghế khán giả để xem các bạn của mình diễn. Và tôi ngưỡng mộ các nghệ sĩ miền Nam như chị Hồng Vân, anh Hoài Linh, anh Thành Lộc. Đấy là những người bạn của tôi.

Và giá như nghệ sĩ miền Bắc như chúng tôi cũng được khán giả yêu mến như các bạn ấy thì tốt biết mấy. Rõ ràng, các nghệ sĩ miền Nam thuận lợi hơn nghệ sĩ miền Bắc rất nhiều.

Ngoài ra, có một yếu tố nữa là các nghệ sĩ miền Nam được sống trong một môi trường thuận lợi. Ví dụ như buổi tối đi diễn, các nghệ sĩ không bị mưa, không bị lạnh. Các bạn ấy có thể diện một cái áo lộng lẫy, tinh thần phấn khởi đến rạp diễn, khán giả cũng hồ hởi kéo nhau đến rạp xem nghệ sĩ diễn.

Còn ở miền Bắc có 4 mùa, đôi khi rét cắt da cắt thịt chẳng ai muốn đến rạp, ở nhà xem vô tuyến còn thích hơn. Tức là nghệ sĩ miền Bắc còn gặp nhiều khó khăn hơn các bạn miền Nam.

Riêng về diễn xuất thì miền Bắc không thua kém gì miền Nam cả. Tôi đã xem rất nhiều hài kịch và phim hài của miền Nam và dĩ nhiên tôi vẫn thích cái hài, câu chuyện của phía Bắc hơn. Các đạo diễn miền Bắc thường xây dựng những câu chuyện có mở bài, thân bài, kết luận đầy đủ. Và các câu chuyện ấy sự sâu sắc, có sự hàn lâm và thâm thuý. Trong khi miền Nam thì tôi chẳng thấy hay gì cả mà rõ ràng tôi rất yêu quý nghệ sĩ phía Nam. Các nghệ sĩ phía Nam cũng diễn rất giỏi nhưng chẳng mang lại cho tôi sự thú vị nào.

Còn nói diễn viên miền Bắc diễn gồng mình, không cứng… đó là cái nhìn phiến diện. Tôi khẳng định, có thể có một số người không phải là nghệ sĩ chuyên nghiệp mà nhờ có hình thể đẹp nên được các đạo diễn cho vào phim. Tôi đến là khổ khi đi diễn gặp phải những diễn viên “xe bò bánh vuông”. Diễn đi diễn lại mà mãi không diễn được. Vì thế, khán giả có chê là có lý do cả đấy! Chúng ta phải đón nhận cái chê đấy và nhìn lại mình thì mới tiến lên được”.

Diễn viên Trường Giang phát biểu: “Nhiều người có nhận xét là hài miền Nam xàm, xem xong rồi thôi, hài miền Bắc thâm thúy, sâu cay… nhưng tôi không quan tâm điều đó. Với tôi, chỉ cần lên sân khấu, biểu diễn hết mình, khán giả thấy vui, vỗ tay tán thưởng, vậy là đủ. Hài miền nào cũng vậy, nếu bạn dành thời gian cho nó, hiểu thì sẽ thấy hay và yêu mến. Tại sao Xuân Bắc, Tự Long lại thành công? Tại sao anh Hoài Linh lại có một chỗ đứng trong lòng khán giả không thể thay thế? Là bởi họ tài năng và sống tốt. Cái tài và cái đức của họ là chất liệu xây dựng nên thành công bền vững. Và những điều đó được đông đảo khán giả công nhận.

Trường Giang và Hoài Linh trong một vở kịch.
Trường Giang và Hoài Linh trong một vở kịch.

Bản thân tôi đã ra miền Bắc biểu diễn nhiều lần và nhận được sự đón nhận nhiệt tình của khán giả. Họ đã vỗ tay không ngớt và chia sẻ những ý kiến tâm đắc của mình. Tôi nghĩ rằng, chỉ cần mình diễn hết sức, đặt cái tâm vào từng tác phẩm thì người xem sẽ đón nhận. Vì khán giả ngày nay rất tinh tế, người ta sẽ chọn và yêu mến những tác phẩm có giá trị, đem niềm vui và cảm xúc đến với họ”.

Hà Tùng Long