Nghệ sĩ Hà Nội kể về những điều kiêng cữ của Tết phố cổ

(Dân trí) - Phố cổ Hà Nội được xem là nơi duy trì đậm đặc nhất những nét văn hoá truyền thống của xứ kinh kỳ. Nơi đây, vào mỗi dịp Tết vẫn còn giữ được những nét kiêng cử rất riêng và thế hệ này nối tiếp thế hệ kia giữ gìn những nếp văn hoá đó.

NSND Hoàng Dũng kể, nhà anh ở phố Hàng Đường là một trong những phố cổ của Hà Nội nên từ nhỏ anh đã chứng kiến được rất nhiều tập tục đón Tết của cư dân phố cổ.

Nam nghệ sĩ kể, năm anh 15 tuổi thì mẹ anh qua đời. Mẹ anh qua đời vào dịp gần Tết nên cả cái Tết đó không đi đâu được. Thậm chí, không được phép đến nhà ai chơi. Anh toàn phải ra đứng ở cửa xem mọi người đi chơi Tết và hóng bạn bè đến nhà mình chơi. Đó là kỷ niệm nhớ nhất mà mỗi khi nhắc lại anh vẫn còn nguyên cảm giác. Đến bây giờ, tập tục đó vẫn còn trong phố cổ và nhiều vùng quê Việt Nam khác.

Gia đình NSND Hoàng Dũng sum vầy trong ngày Tết.
Gia đình NSND Hoàng Dũng sum vầy trong ngày Tết.

Ngoài ra, bình thường phố cổ rất sầm uất nhưng đến ngày mồng 1, mồng 2… tất cả mọi nhà đều đóng cửa, phố xá sạch sẽ, im ắng, đẹp đẽ. Và nhà nào mở hàng sớm là sẽ rất bị ghét vì làm mất cả giác Tết. Ngày xưa ai cũng muốn Tết kéo dài đến hết ngày mồng 10.

Cho đến nay, khu phố cổ vẫn duy trì tập tục chọn người xông đất hoặc mở hàng lấy may đầu năm. Ngoài ra, trong những ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3… người ta không quét nhà. Nếu nhiều rác quá thì quét vun vào một góc chứ không quét ngay. Tuy nhiên, ngày nay, tập tục đó cũng đã có phần thay đổi vì nếu nhà đông khách khó lòng tránh được lượng rác thải ra.

“Ngày xưa, vào 3 ngày tết, cả vợ cả chồng con cái phải đến thăm ông chú bà cô lớn tuổi trong họ hàng. Nếu không đến là sẽ bị trách mắng vì không biết trên biết dưới. Nhưng ngày nay nếu con cái mình bận thì không nhất thiết đến cùng bộ mẹ mà có thể đến sau miễn vẫn nhớ tới ông bà. Tôi cho đó là một nét văn hoá rất hay, nó cho thấy những giá trị văn hoá truyền thống chưa hề mai một”, NSND Hoàng Dũng nhấn mạnh.

NSƯT Đức Hùng cho biết, nhà anh gốc ở phố Hàng Đậu nên nói đến những điều cấm kỵ của Tết phố cổ Hà Nội thì anh nhớ rất nhiều. Ngày xưa, ông bà, bố mẹ… anh căn dặn sáng mồng 1 Tết không được chặt gà, không được có tiếng động vì như thế sẽ bị động thổ.

Gia đình nghệ sĩ Đức Hùng du xuân đêm giao thừa.
Gia đình nghệ sĩ Đức Hùng du xuân đêm giao thừa.

“Tôi vẫn nhớ, ngày xưa sau khi cúng giao thừa xong, mẹ tôi cầm kéo cắt gà chứ không đặt lên thớt dùng dao chặt. Rồi đêm giao thừa mà đi chơi thì bao giờ trong người cũng phải có một bao diêm để tạo lửa trong người và để cơ thể ấm. Ngoài ra, sáng mồng 1 cố gắng mặc đồ đỏ để cả năm được may mắn, son đỏ. Ba ngày Tết tuyệt nhiên không được quét rác.

Và khi thắp hương phải thắp tay trái chứ không được thắp tay phải. Nén hương phải cắm vào chính giữa bát hương, không được xô lệch, xiên xẹo… Sau đêm giao thừa, mẹ tôi cũng hối thúc chúng tôi khai bút để lấy may đầu năm. Có thể viết một bài thơ hoặc một đoạn văn nào đó theo ý của mình. Rồi tuyệt đối không được cãi nhau, tranh to tiếng trong 3 ngày đầu năm. Đó là những điều kiêng kỵ mà đến bây giờ nhà tôi vẫn duy trì theo nếp đó”, NSƯT Đức Hùng kể.

Theo NSƯT Đức Hùng, cho đến bây giờ, nhiều nhà ở khu phố cổ vẫn chọn người hợp tuổi xông nhà và thường chọn đàn ông.

Nghệ sĩ Đức Hùng vẫn luôn dạy các con thắp hương bằng tay trái như những gì ông cha truyền lại.
Nghệ sĩ Đức Hùng vẫn luôn dạy các con thắp hương bằng tay trái như những gì ông cha truyền lại.

“Nhiều năm qua tôi truyền lại nếp nhà đó cho các con tôi. Nhiều người bảo các con tôi bị già trước tuổi và các bạn ấy cũng nhận mình như thế. Đặc biệt, vào ngày Tết, hai cô ấy thích lễ bái và thắp hương bao giờ cũng thắp tay trái. Đi đâu các cô ấy cũng khấn bái rất chuyên nghiệp và biết lễ tạ nếu lời khấn nguyện của mình thành sự thật. Tôi không hiểu sao các bạn ấy lại có thể ngấm được những điều đó một cách sâu sắc đến vậy”, NSƯT Đức Hùng bày tỏ thêm.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm