Lưu Quang Vũ và những “bí mật” giờ mới được hé lộ

(Dân trí) - “Hoàng tử Pơ Liêm” của vở chèo kinh điển “Nàng Sita”, NSND Quốc Chiêm đã chia sẻ nhiều câu chuyện cảm động và giản dị về nhà thơ, nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ trong những năm tháng làm việc và gắn bó nhân dịp kỷ niệm 69 năm ngày sinh của ông.

“Tôi học hỏi nhiều từ sự sáng tạo của Lưu Quang Vũ”

NSND Quốc Chiêm, người từng khiến trái tim của biết bao khán giả nữ mê chèo thập niên 80-90 chao đảo vì những vai ông vua, hoàng tử với dung mạo tuấn tú, chất giọng đẫm tình giờ đã là Phó Giám đốc Sở Văn hoa, Thể thao Hà Nội. Nhớ lại giai đoạn hoàng kim của chiếu chèo, nhớ lại những năm tháng cùng “Nàng Sita” khi đó sớm trở thành hiện tượng “tung hoành” khắp cả nước, nhớ lại một thời tuổi trẻ gắn bó công việc với nghệ sĩ Lâm Bằng, kịch gia Lưu Quang Vũ, nghệ sĩ Quốc Chiêm lại dạt dào cảm xúc...

“Nàng Sita” Lâm Bằng và hoàng tử Pơ Liêm Quốc Chiêm đã lấy đi không biết bao nước mắt của khán giả mê chèo thập niên 80- 90.
“Nàng Sita” Lâm Bằng và "hoàng tử Pơ Liêm" Quốc Chiêm đã lấy đi không biết bao nước mắt của khán giả mê chèo thập niên 80- 90.

“Ngày đó, nhà anh Lưu Quang Vũ ở phố Huế, sát với rạp Đại Nam. Khi sửa sang những vở viết cho đoàn chèo Hà Nội (giờ là Nhà hát chèo Hà Nội) anh sửa sang trực tiếp cùng đạo diễn, diễn viên. Khi đó, tôi và Lâm Bằng là cặp đào kép chính của vở “Nàng Sita” nên rất gắn bó với anh Lưu Quang Vũ.

Cái hay của Vũ là sửa lời ngay trên sàn tập với diễn viên. Quá trình tập luyện vở, thấy lời thoại chưa thuận hay diễn viên có thắc mắc, đề xuất là anh sáng tác ngay tại đó. Vũ biết sở trường sở đoản của diễn viên nữa. Cần yêu cầu diễn thêm hay lời thoại nhân vật chưa đạt thì anh sửa, rồi viết lên mảnh giấy nhỏ kẹp đưa diễn viên. Bây giờ rất ít tác giả chịu ngồi nghe diễn viên thoại…”, nghệ sĩ Quốc Chiêm nhớ lại.

Không ít lần sau vở diễn, nhà thơ Lưu Quang Vũ, đạo diễn Doãn Hoàng Giang lại rủ Lâm Bằng, Quốc Chiêm đi ăn phở. Quốc Chiêm cho biết, qua những lần trò chuyện gần gũi như thế nên anh và Lâm Bằng biết thêm nhiều thứ, diễn ngày càng tốt hơn. “Người diễn viên đêm nào cũng diễn như đêm nào là… hỏng. Phải đêm nay diễn khác ngày mai, ngày mai khác ngày kia, không được diễn lặp lại. Lời thoại vẫn thế, nhưng diễn trên sân khấu, chúng tôi còn phải lĩnh hội xem khán giả thích cái gì để mình chau chuốt lời diễn đó, nhấn mạnh thêm, diễn sâu hơn đoạn đó, hoặc lời đó chỉ cần lướt qua thôi. Từ trên sân khấu, tôi quan sát, khán giả tập trung, chảy nước mắt vậy thì mình càng diễn hết mình, còn khán giả nói chuyện thì mình cũng diễn nhanh qua đoạn đó”, anh nói.

Anh chia sẻ thêm, mình và bạn diễn Lâm Bằng cố gắng diễn “không thoát vai”: “Ví dụ, nếu là vở bi kịch, hết vở rồi, ra chào khán giả nhưng chúng tôi vẫn giữ vẻ mặt, tâm trạng của nhân vật. Khi cánh màn sân khấu dần khép lại, tôi chầm chậm dìu Lâm Bằng đi vào cánh gà, vừa đi vừa chấm nước mắt cho cô ấy. Chúng tôi làm thế để “nuôi” tiếp cảm xúc cho khán giả. Chứ vừa dứt vở đã cười toe toét, nhận hoa, thoăn thoắt bước vào trong cánh gà thì làm mất cảm xúc của khán giả. Điều này, cũng giúp chúng tôi nhận được sự khen ngợi từ khán giả”.

“Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh sống gần gũi và giản dị”

Theo lời kể của NSND Quốc Chiêm, Lưu Quang Vũ có cái xe đạp Liên Xô và thường xuyên đạp xe tới khu tập thể ở phố Nguyễn Công Trứ, “vứt” ở gốc cây bàng rồi lên chơi với diễn viên, trò chuyện về vở diễn. Mãi sau này, Lưu Quang Vũ mới có tiền mua xe 103 của Pháp, loại xe gần giống xe đạp điện bây giờ.

Từ trái qua: đạo diễn Doãn Hoàng Giang, Quốc Chiêm, Lâm Bằng và Lưu Quang Vũ.
Từ trái qua: đạo diễn Doãn Hoàng Giang, Quốc Chiêm, Lâm Bằng và Lưu Quang Vũ.

Sự thân thiết, gần gũi giữa cặp đào kép Lâm Bằng- Quốc Chiêm với đạo diễn Doãn Hoàng Giang và kịch gia Lưu Quang Vũ được các nghệ sĩ lưu giữ.
Sự thân thiết, gần gũi giữa cặp đào kép Lâm Bằng- Quốc Chiêm với đạo diễn Doãn Hoàng Giang và kịch gia Lưu Quang Vũ được các nghệ sĩ lưu giữ.

“Không chỉ đến chỗ chúng tôi chơi, khi có kịch bản mới là Vũ lại mời tôi, Lâm Bằng và mấy người thân quen đến nhà anh, nghe đọc kịch bản trước để cảm nhận. Ngoài sự thông minh mà nhiều người đã ca ngợi, tôi đánh giá Vũ là tác giả quá khôn ngoan. Anh luôn nhận phản hồi từ diễn viên ngay từ đề cương, từ đó sửa sang thêm cho kịch bản hấp dẫn hơn”, Quốc Chiêm nói.

Anh kể, gia đình Lưu Quang Vũ, từ mẹ, anh em của Lưu Quang Vũ cho đến Xuân Quỳnh, bé Mí (tên thật là Quỳnh Thơ) đều quý diễn viên Quốc Chiêm và Lâm Bằng. Xuân Quỳnh và con trai cũng thường xuyên đi xem họ diễn và chia sẻ thêm.

Ấn tượng của Quốc Chiêm về căn hộ nơi Xuân Quỳnh- Lưu Quang Vũ ở được chia thành nhiều phòng nhỏ, căn phòng nhiều sách trước đây là phòng nhà soạn kịch Lưu Quang Thuận- bố của Lưu Quang Vũ, giờ là phòng anh viết lách, tiếp khách. “Anh Lưu Quang Vũ đọc kịch bản cho chúng tôi nghe. Anh có thói quen hút thuốc lào. Khi anh đọc, chị Xuân Quỳnh cũng ở đó. Tôi nhớ chị hay cười, nụ cười của chị rất đẹp. Mặc dù tuổi tác chênh lệch nhưng anh Vũ và Xuân Quỳnh rất gần gũi. Cuộc sống ngày đó còn khó khăn, khu tập thể cũng hay mất nước, anh kể có lần phải xách từng xô nước leo mấy tường cho vợ tắm.

Mỗi khi đến, anh chị hay giữ ở lại ăn cơm. Lưu Quang Vũ có sở trường món bún giả cầy, tôi thì thích mấy món cá nấu canh chua”, Quốc Chiêm nhớ lại.

“Vở của Lưu Quang Vũ có đời sống rất dài”

Hào hứng nhớ về thời vở chèo “Nàng sita” lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của khán giả, một thời Quốc Chiêm- Lâm Bằng được khán giả say mê, ngưỡng mộ nhưng khi nhắc đến sự ra đi mãi mãi của kịch gia Lưu Quang Vũ, giọng “Hòa tử Pơ Liêm” ngày nào chùng hẳn xuống: “Vào một buổi chiều, khi tôi chuẩn bị đi diễn thì nhận được tin sét đánh từ người nhà Lưu Quang Vũ rằng anh, chị Xuân Quỳnh và bé Mí đã mất. Hôm đó, buổi biểu diễn hoãn lại, tôi thẫn thờ đi dưới đường chờ Lâm Bằng từ quê lên rồi hai anh em đạp xe đến Hội nghệ sĩ sân khấu ở 51 Trần Hưng Đạo. Tất cả các nghệ sĩ đều tập trung ở đó.

Quốc Chiêm- Lâm Bằng tái hợp trong vở Nàng Sita năm 2012, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Nhà hát chèo Hà Nội.
Quốc Chiêm- Lâm Bằng tái hợp trong vở "Nàng Sita" năm 2012, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Nhà hát chèo Hà Nội.

Đây là lần đầu tiên tôi chia sẻ về chi tiết này, lúc đó chỉ có tôi và Lâm Bằng được vào nhà lạnh nhìn mặt anh chị và cháu Mí lần cuối. Người gác nhà lạnh biết tôi và Lâm Bằng và yêu thích vai diễn của chúng tôi nên để chúng tôi vào. Vừa nhìn thấy anh Vũ nằm đó, Lâm Bằng bật khóc nức nở, còn tôi nghẹn ở cổ họng…

Sau này, chúng tôi nghe nghệ sĩ Doãn Châu kể nạn về tai nạn mà tiếc thương vô hạn! Sau khi nhà thơ Lưu Quang Vũ mất, nhiều trích đoạn vở Lưu Quang Vũ, chúng tôi cũng thực hiện lại nhân kỷ niệm dịp nào đó”.

Theo Quốc Chiêm, vở của Lưu Quang Vũ có đời sống công chúng rất dài. Nhiều đất diễn để các nghệ sĩ sáng tạo. Sau này vở “Nàng Sita” hay “Ngọc Hân công chúa” đều được dựng lại với lớp diễn viên trẻ. Các thế hệ diễn viên sau này cũng rất thích.

Sau khi Lưu Quang Vũ mất vào mùa thu năm 1988, năm 94 nghệ sĩ Lâm Bằng cũng nghỉ diễn chuyển sang công việc ở lĩnh vực khác. Còn nghệ sĩ Quốc Chiêm vẫn là kép chính ở đoàn chèo Hà Nội, được bồi dưỡng làm quản lý, trở thành Giám đốc đầu tiên khi đoàn chèo Hà Nội lên Nhà hát chèo Hà Nội. Làm giám đốc Nhà hát chèo Hà Nội được nửa năm, năm 2004 Quốc Chiêm được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội đến bây giờ.

Năm 2012, Nhà hát chèo Hà Nội kỷ niệm 60 năm ngày thành lập, Quốc Chiêm và Lâm Bằng đã tái hợp trong vở “Nàng Sita”. Nhiều khán giả nghe tin đã bay từ miền Nam ra Hà Nội để xem cặp nghệ sĩ nổi tiếng của làng chèo một thời diễn như thế nào. Một lần nữa, “Nàng Sita” lại gây xôn xao dư luận, “sốt vé”…

“Ở cái tuổi không còn trẻ, cũng không diễn thường xuyên nữa, nhất là Lâm Bằng nhưng chúng tôi vẫn thuộc văn diễn, từng động tác. Lần tái hợp này, những nghệ sĩ cùng thế hệ người còn người mất, gặp lại người xưa, ôn lại chuyện cũ, ai cũng xúc động…”, NSND Quốc Chiêm bồi hồi chia sẻ.

Nguyễn Hằng