Lương Nguyệt Anh: “Nếu không vướng bận tôi đã đi tu rồi!”

(Dân trí) - “Tôi biết, cuộc sống này rất hỗn độn, xung quanh mình luôn có những điều đố kỵ, ghen ghét, ghanh đua… nên tôi luôn bình tâm mình theo hướng tích cực… Tôi hay nói vui với mọi người là nếu không vướng bận tôi đã đi tu rồi”, Giải nhất Sao Mai dòng nhạc dân gian 2011 tâm sự.

Lâu lắm rồi không thấy bạn xuất hiện trên truyền thông. Có người nói bạn dạo này không đi hát nữa. Sự thực của việc này là…?

Ôi, tôi vẫn đi diễn đều đặn đấy chứ, làm gì có chuyện bỏ hát. Tôi vừa có chuyến biểu diễn giao lưu cùng các đoàn nghệ thuật của 4 quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar trong chương trình “4 quốc gia - Một điểm đến” cùng đoàn của Thủ tướng Chính phủ về đấy chứ. Ngoài ra, đợt này là mùa Vu Lan nên tôi cũng đi diễn công đức ở các chùa rất nhiều. Dường như đại lễ Vu Lan ở các chùa, nếu không vướng bận việc học tôi đều tham gia biểu diễn cúng dường hết.

Tôi cũng đang trong thời gian hoàn thành sản phẩm âm nhạc mới. Dịp này tôi sẽ ra mắt cùng một lúc 2 album, một album về nhạc Phật giáo và một về dòng nhạc dân gian. Nhạc sĩ Trọng Phương – em trai ca sĩ Trọng Tấn là người sẽ đảm nhận phần phối khí cho tôi ở cả 2 sản phẩm âm nhạc này.

Tôi với anh Trọng Phương cùng có suy nghĩ giống nhau, đó là album Phật giáo sau khi phát hành sẽ dành toàn bộ số tiền thu được để làm từ thiện, tôi sẽ không bỏ túi một đồng nào.

Lương Nguyệt Anh vừa trở thành giảng viên khoa Thanh Nhạc của ĐH Văn hóa - Nghệ thuật quân đội.
Lương Nguyệt Anh vừa trở thành giảng viên khoa Thanh Nhạc của ĐH Văn hóa - Nghệ thuật quân đội.

Bạn nghĩ sao nếu có người nói ca sĩ dòng dân gian ít tốn tiền đầu tư cho sản phẩm mà thu lợi lại nhiều và bền?

Nếu nói ca sĩ dòng dân gian đầu tư ít thu lợi nhiều là hoàn toàn không phải đâu. Một ca sĩ dòng dân gian nói riêng hoặc dòng nhạc chính thống nói chung phải trải qua một quá trình đào tạo cực kỳ khổ luyện mới thành danh. Không có ca sĩ nào bỗng dưng một bước thành sao, có thể đi hát kiếm được bộn tiền mà toàn phải từ trường lớp đào tạo bài bản ra. Bản thân tôi cũng phải mất 8 năm miệt mài học tập ở Học viện Âm nhạc Quốc gia mới có được giọng hát như ngày hôm nay. Vừa xong hệ Đại học, sắp tới đây tôi lại tiếp tục thi Cao học. Cả một quá trình dài với bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, sự nỗ lực của bản thân… mới có được như ngày hôm nay.

Còn nói về việc đầu tư cho âm nhạc. Tôi chỉ nói thế này, cá nhân tôi, một tháng cũng phải đầu tư tới 3 bộ áo dài, ngoài áo dài phải đi kèm với các phụ kiện khác. Việc phối khí các ca khúc dân gian cũng rất kỳ công vì toàn liên quan đến các nhạc cụ như: tranh, bầu, sáo, nhị… chứ không phải chỉ cần có nhạc điện tử không thôi.

Đã thế, việc chọn bài rồi thu âm của dòng nhạc dân gian cũng cực kỳ kỳ công. Không phải cứ thu xong là ổn, có những bản làm xong rồi, tốn rất nhiều tiền nhưng thấy chưa ổn vẫn phải “cắn răng” bỏ ra và thu bản mới với số tiền đầu tư không kém. Thực hiện một bản MV thôi cũng đã có thể phải đi tới hàng chục tỉnh thành để tìm bối cảnh khác nhau. Việc tái đầu tư cho sản phẩm âm nhạc mới cũng “thai nghén” cả một quá trình dài với bao nhiêu con người cùng chung tay thực hiện.

Có một điều đó là chúng tôi rất trân quý những đồng tiền mình làm ra bởi đó là mồ hôi, công sức, chất xám... Và thêm nữa là những ca sĩ dòng dân gian một khi đã có chỗ đứng thì không bao giờ phải lo nghĩ nhiều về chuyện đi diễn hôm nay, ngày mai cả.

Vậy có bao giờ một tháng 30 ngày, ngày nào bạn cũng có show?

Chuyện một tháng 30 ngày, ngày nào cũng có lời mời đi hát thì hơi hiếm nhưng một ngày có tới 3 show thì có thể có. Tất nhiên, không phải lúc nào cũng được đắt show như thế. Trong một năm cũng chỉ vài tháng là đều đặn đi diễn như thế thôi. Tôi không biết với mọi người ra sao nhưng bản thân tôi thấy mọi việc đều ổn.

Nghe nói, Lương Nguyệt Anh vội vàng học Cao học rồi ra sản phẩm âm nhạc là để chuẩn bị cho việc lên xe hoa?

Không phải vậy đâu, việc học cao học là nằm trong dự định của tôi từ lâu. Năm ngoái, nếu mà có đợt thi thì sau khi thi tốt nghiệp xong tôi cũng thi cao học luôn chứ không chờ đến năm nay.

Tôi cũng xin chia sẻ một chút là tôi vừa mới chính thức trở thành giảng viên khoa Thanh nhạc của ĐH Văn hóa- Nghệ thuật Quân đội. Tôi rất thích môi trường giáo dục, nhất là giáo dục trong quân đội bởi môi trường này có những yếu tố khắt khe giúp mình tự phải rèn mình và sinh viên cũng rèn mình nữa. Vì việc giảng dạy đây không đơn thuần là truyền con chữ mà là đang đào tạo về âm nhạc cho cả một thế hệ về sau. Nếu chuyên môn không vững, tư chất đạo đức không chỉn chu, chuẩn mực… thì khó lòng mà tồn tại được ở môi trường này. Đó là lý do tôi phải cố gắng thu xếp thời gian của mình để theo tiếp cao học.

Giải nhất Sao Mai dòng nhạc dân gian cho rằng, làm việc trong môi trường giáo dục sẽ giúp cô rèn luyện bản thân.
Giải nhất Sao Mai dòng nhạc dân gian cho rằng, làm việc trong môi trường giáo dục sẽ giúp cô rèn luyện bản thân.

Trong khi những đàn anh như ca sĩ Trọng Tấn muốn rời khỏi môi trường này thì bạn lại muốn bước vào. Phải chăng bạn thích thử thách mình?

Thực ra mỗi người có một hướng đi, một hoài bão, một ước mơ… không ai giống ai. Anh Trọng Tấn là đàn ông nên biết đâu anh ấy lại thích sự tự do theo một kiểu khác.

Còn bản thân tôi, tôi dù sao cũng là con gái nên cần có một chỗ nào đó ổn định để có thể chuyên tâm phát triển. Mà môi trường quân đội là môi trường tôi thích, nó có sự nghiêm túc để mình có thể rèn luyện nhân cách, đạo đức của mình.

Tôi rất đam mê âm nhạc, có thể nói là tôi đam mê từ khi còn trong trứng nước cơ nhưng khi ra đời tôi cũng cảm nhận được là nghề hát cũng đã chọn tôi. Nhờ có nghề này mà tôi mới cân bằng được cuộc sống. Trong cuộc sống bây giờ mọi thứ đều rất hỗn độn và âm nhạc làm cho mình cảm thấy thanh thoát. Khi mình hát là khi mình thả tất cả tâm tư của mình vào đó.

Từng có nhận định rằng, ca sĩ dòng nhạc giải trí mới nhìn cứ ngỡ rất thân thiết với nhau nhưng bên trong lại chẳng hề ưa gì nhau, ca sĩ dân gian thì bên ngoài khá lạnh lùng và bên trong cũng lạnh lùng với nhau nốt. Là một người trong cuộc, bạn nghĩ sao về điều này?

Nếu nói về cuộc sống, con người ta khi sinh ra không phải ai cũng đã hợp nhau. Tôi chơi với người này, người kia đầu tiên là do nhân duyên. Chính vì nhân duyên mới nảy sinh ra mối quan hệ lâu dài hay chóng vánh. Nếu nói cách đơn giản, hợp thì chơi chơi.

Rõ ràng trong giới showbiz có rất nhiều vấn đề tế nhị, riêng dòng chính thống của chúng tôi thì đúng là rất ít khi tỏ ra thân thiết bên ngoài nhưng đã gặp nhau là rất vui. Tôi lấy ví dụ, tôi với chị Anh Thơ là chị em cách xa nhau khá nhiều tuổi, tôi bước vào nghề muộn hơn và có chỗ đứng kém hơn nhưng chị em chúng tôi rất quý mến nhau. Chị Thơ luôn sàng sàng chỉ dạy cho tôi từ chuyên môn đến cuộc sống. Cứ gặp nhau chúng tôi lại không còn khoảng cách gì về nghề mà chỉ có tình cảm chân thành của chị em đối với nhau.

Tất nhiên cũng tùy thuộc dòng nhạc mà tính chất các mối quan hệ cũng khác nhau. Riêng dòng nhạc chính thống vì mang tính cổ điển cao, tính chuẩn mực cao… nên mọi người đối với nhau rất thuần. Dòng nhạc giải trí có vẻ phức tạp hơn một chút vì dòng nhạc này đòi hỏi nhiều sự sôi động và cạnh tranh. Minh chứng rõ nhất chính là sự khác nhau trong quan điểm như ở X-Factor vừa rồi mà mọi người đều thấy.

Giọng ca gốc Bắc Giang tiết lộ, cô thường cân bằng cuộc sống khi tìm về với cửa thiền.
Giọng ca gốc Bắc Giang tiết lộ, cô thường cân bằng cuộc sống khi tìm về với cửa thiền.

Đề cập đến gameshow, theo bạn vì sao các nghệ sĩ chính thống thường ít khi ngồi ghế nóng của các truyền hình thực tế?

Rõ ràng là các ca sĩ dòng nhạc chính thống rất ít khi được mời ngồi ghế nóng gameshow bởi gameshow đòi hỏi phải có yếu tố câu khách nên người ta phải mời những người biết làm trò. Các ca sĩ dòng nhạc chính thống không hẳn không biết làm trò nhưng họ không muốn “bán” hình ảnh của mình để làm như thế.

Ở một khía cạnh nào đó, tôi thấy các gameshow bây giờ quá dễ dãi, để cho nhiều ca sĩ trẻ hát những ca khúc mà tôi không nghe nổi. Ca khúc hát trên truyền hình mà ca từ kiểu như: “không cảm xúc”, “mất trí nhớ”, “em đợi anh, anh không đến em đập đầu vào lan can”… những ca từ đó sẽ tác động đến suy nghĩ của thế hệ trẻ và nó thực sự rất nguy hiểm.

Những gì bạn vừa chia sẻ cũng có nghĩa là bạn ủng hộ quan điểm của ca sĩ Tùng Dương và diva Thanh Lam trong X-Factor vừa rồi?

Nếu đặt tôi là khán giả, tôi sẽ ủng hộ quan điểm của anh Tùng Dương và chị Thanh Lam. Tôi rất nể những phát biểu của anh Tùng Dương trong X-Factor vừa rồi, anh ấy nghĩ rất đúng và dám nói ra.

Thực ra, không chỉ tôi mà nhiều ca sĩ khác khi nghe những ca khúc như vậy đều cảm thấy vô cùng phản cảm. Tôi thấy thẩm mỹ âm nhạc của các ca sĩ trẻ bây giờ rất có vấn đề, đâm ra thiệt thòi cho các ca sĩ được đào tạo bài bản.

Tôi hay nói vui với mọi người là nếu không vướng bận tôi đã đi tu rồi, Lương Nguyệt Anh nói.
"Tôi hay nói vui với mọi người là nếu không vướng bận tôi đã đi tu rồi", Lương Nguyệt Anh nói.

Cách đây không lâu, bạn từng nói bố mẹ là “đại gia” của bạn để bạn bước đi với âm nhạc. Vậy sau ngần đấy năm, “cục diện” đó đã thay đổi?

Nhiều người hỏi tôi là bây giờ đã là “đại gia” trả hiếu cho bố mẹ chưa, tôi bảo, tôi chẳng bao giờ nghĩ mình là “đại gia”, “thiếu gia”… hay gì gì đó cả. Tôi cảm thấy thoải mái với cuộc sống hiện tại bởi những gì tôi có được ngày hôm nay đều bằng sự nỗ lực của chính bản thân mình trong một quá trình. Tôi phải nói rằng, con đường tôi vừa đi qua được đánh đổi bằng rất nhiều mồ hôi, nước mắt và tuổi trẻ nữa.

Là một người theo Phật, bạn thường hóa giải nỗi buồn của mình bằng cách nào?

Theo giáo lý nhà Phật thì con người luôn phải sống tích cực, hoan hỷ trong từng phút giây thực tại. Tôi biết, cuộc sống này rất hỗn độn, xung quanh mình luôn có những điều đố kỵ, ghen ghét, ghanh đua… nên tôi luôn bình tâm mình theo hướng tích cực. Và tìm đến với cửa chùa tôi thấy mình lành hơn rất nhiều. Tôi cảm nhận được nhiều điều về cuộc đời, về con người và tìm thấy niềm vui ở mỗi một cuộc gặp gỡ. Tôi hay nói vui với mọi người là nếu không vướng bận tôi đã đi tu rồi (cười).

Cám ơn bạn đã chia sẻ thông tin.

Hà Tùng Long