Khi tác phẩm nghệ thuật bị "đổ đống" ngoài công viên

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, các trại điêu khắc trong nước và quốc tế chứng kiến câu chuyện buồn khi nhà nước đầu tư tiền tỷ mời các nghệ sỹ có tiếng tham dự nhưng tượng làm ra không tìm được không gian trưng bày, đành chất đống trong công viên…

Thế nhưng, dù không có nơi trưng bày thì các trại sáng tác điêu khắc trong nước và quốc tế vẫn được đều đặn tổ chức hàng năm, đặt ra một dấu hỏi lớn về sự lãng phí lớn công sức và tiền bạc của Nhà nước và tâm huyết của người nghệ sỹ.


Tác phẩm “Niềm vui” của nhà điêu khắc Trần Mai Hữu Quý bị gãy đổ tại công viên Lịch sử-Văn hóa-Dân tộc quận 9-TP.HCM

Tác phẩm “Niềm vui” của nhà điêu khắc Trần Mai Hữu Quý bị gãy đổ tại công viên Lịch sử-Văn hóa-Dân tộc quận 9-TP.HCM

Tổn thương nghệ sĩ

Trại sáng tác điêu khắc quốc tế được tổ chức năm 2005, tức là tới nay đã 12 năm nhưng các tác phẩm thu về vẫn đang được xếp thành góc với mật độ dày đặc tại công viên Tao Đàn - TP.HCM. Cũng trong tình trạng này, trại sáng tác điêu khắc quốc tế 2015 thu hút các nhà điêu khắc nổi tiếng thế giới và trong nước với 50 tác phẩm được đánh giá cao nhưng cho đến nay, các tác phẩm chất lượng tốt vẫn không biết đặt ở đâu nên tạm thời, BTC đành xếp tại công viên Lịch sử-Văn hóa-Dân tộc.

Tại An Giang, hai trại sáng tác 2003 và 2005 thậm chí còn không di dời được tượng đi chỗ khác mà để nguyên tại nơi các nghệ sỹ đã đục đẽo, cắt gọt. Do vậy, xen lẫn trong các tác phẩm là những mẩu vụn của đá, bụi của bê tông, những mảnh nhựa của vật liệu polymer...

Nhìn số tượng bị gãy rụng, hư hỏng do chịu tác động của thời tiết và việc “đổ đống”, không ít nghệ sỹ đã tỏ ra ngao ngán và cảm thấy bị tổn thương cho công sức sáng tạo của mình. Đặc biệt, với các bức tượng làm bằng polymer để chờ đúc đồng, sự tàn phá của thời gian và thời tiết mới thật khủng khiếp.

Các tác phẩm này đang bị hủy hoại và sẽ có nguy cơ biến mất khi chủ nhân của nó (các nhà điêu khắc quốc tế) đã trở về. Với một khoản kinh phí nhất định, Việt Nam mới mời được các nhà điêu khắc quốc tế tới trại sáng tác, nhưng không dễ gì để có thể mời họ lần thứ hai tới Việt Nam để làm lại tác phẩm. Mà thực tế là cũng không biết làm lại tác phẩm để… làm gì.

Tượng của nhà điêu khắc Romania vẫn đang chờ cơ hội được đúc đồng dù trại sáng tác đã kết thúc từ hơn hai năm trước (2015)
Tượng của nhà điêu khắc Romania vẫn đang chờ cơ hội được đúc đồng dù trại sáng tác đã kết thúc từ hơn hai năm trước (2015)

Để tư nhân cùng vào cuộc

Các trại sáng tác điêu khắc hiện nay đang chạy theo số lượng mà quên đi việc tác phẩm sẽ được sử dụng như thế nào. Đáng lý, trước khi tổ chức, BTC cần có được không gian trưng bày rồi mới tính đến chuyện mời các nghệ sỹ để làm đẹp cho không gian ấy. Còn như hiện nay là tổ chức sáng tác trước rồi mới tìm kiếm không gian phù hợp, rõ ràng đang tạo nên những chuyện buồn trong giới điêu khắc.

Trong mớ hỗn độn của việc nên tiếp tục hay dừng tổ chức các trại điêu khắc, ở Hà Nội đang xuất hiện một xu hướng mới trong việc mở các trại sáng tác điêu khắc. Bằng cách kết hợp với du lịch, các trại điêu khắc được mở ra để làm đẹp cho một khu nghỉ dưỡng, một resort xứng tầm. Và cũng bằng cách kết hợp với xã hội hóa, các trại điêu khắc này hiếm khi xuất hiện các chuyện đáng tiếc kể trên.

Do vậy, theo nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, để các trại điêu khắc tránh được sự lãng phí và các hiện tượng bất cập như hiện nay, các nhà tổ chức cần thay đổi tư duy, đưa các trại sáng tác trở về đúng với mục đích ban đầu là nơi trưng bày, ra mắt tác phẩm của người nghệ sỹ. Bên cạnh đó, nguồn vốn nhà nước không nên được sử dụng cho việc tổ chức các trại sáng tác điêu khắc, thay vào đó, sẽ là các nguồn vốn xã hội hóa.

Hãy để tư nhân vào cuộc cùng nghệ thuật mới mong sự lãng phí được giải quyết triệt để, bởi một khi đồng tiền được kiểm soát chặt chẽ thì việc tượng làm ra rồi phơi sương gió cả chục năm cho hư hỏng chắc sẽ không thể có. Đồng thời, sự tổn thương của người nghệ sỹ khi nhìn đứa con tinh thần bị ghẻ lạnh cũng sẽ giảm xuống, thúc đẩy nghệ thuật song hành cùng đời sống của người dân và hòa nhập cơ chế thị trường.

Theo Phạm Thị Hương

An Ninh Thủ Đô