Khi cuộc thi Hoa hậu trở thành “đấu trường” nhan sắc
(Dân trí) - Cuộc thi Hoa hậu trở thành “đấu trường” nhan sắc và Hoa hậu được xem là một “nghề” để tiến thân đang khiến cho các cuộc thi nhan sắc ngày càng vướng phải những lùm xùm không đáng có.
“Nghề” Hoa hậu!
Chưa năm nào, Việt Nam lại có nhiều cuộc thi Hoa hậu như năm 2016. Với 3 cuộc thi lớn là Hoa hậu Biển, Hoa hậu Việt Nam và Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu đã thu hút hàng nghìn thiếu nữ trong và ngoài nước đăng ký tham gia.
Tất cả những điều này một phần cũng là bởi ngày nay Hoa hậu không còn đơn thuần là sân chơi của những người trẻ, nơi họ có thể phô diễn sắc đẹp và tài năng một cách hồn nhiên nhất của lứa tuổi đôi mươi.
Nhiếp ảnh gia Tô Thanh Tân - người đã từng gắn bó với một số cuộc thi sắc đẹp trong vai trò nhiếp ảnh cho rằng, ngày trước khi nhắc đến cuộc thi Hoa hậu người ta luôn cảm thấy hào hứng bởi đó là nơi người đẹp từ các vùng miền khoe sắc. Khi đọc tên người đoạt vương miện, cả sân vận động cùng vỗ tay tán thưởng, mọi người đều thấy vui mừng vì sự xứng đáng. Tuy nhiên, ngày nay Hoa hậu đã bị xem là một “nghề” để tiến thân của nhiều cô gái trẻ.
“Ngày nay, có những bạn sinh ra đã được định hướng thi Hoa hậu rồi, như bản thân vợ chồng một người bạn của tôi đang lên kế hoạch đẻ con gái để 18 năm sau sẽ cho đi thi Hoa hậu”, nhiếp ảnh họ Tô kể.
Nhiếp ảnh gia họ Tô lý giải rằng, khoảng 8 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của truyền thông thì những người đẹp có danh hiệu trong một cuộc thi nhan sắc có tiếng thường được sự quan tâm của số đông công chúng, đặc biệt là các thương hiệu trong và ngoài nước. Và chính điều này đã giúp cuộc đời của các bạn trẻ một bước “vụt sáng” như một ngôi sao mà không mất nhiều thời gian khổ luyện. Tiền bạc họ kiếm được từ việc “bán” hình ảnh và tên tuổi là một con số không nhỏ. Chính “yếu tố” này đã khiến cho nhiều người xem Hoa hậu là “nghề” hái ra tiền và họ phải bằng mọi cách chen chân vào các cuộc thi nhan sắc trong và ngoài nước.
Hoa hậu Dương Thuỳ Linh cho rằng, chuyện các thiếu nữ tìm đến với các cuộc thi Hoa hậu ngày càng nhiều và sự cạnh tranh trong cuộc thi ngày càng trở nên khốc liệt là minh chứng của sự thành công qua các cuộc thi trước. Nếu Hoa hậu của những cuộc thi trước có cuộc sống quá tệ thì không ai muốn thi Hoa hậu nữa. “Thi Hoa hậu giống như tấm bằng thông hành để giúp các cô gái tuổi đôi mươi tăng xác suất thay đổi cuộc sống theo hướng tích cực. Thế nên nó trở thành “nghề”, thành “đấu trường nhan sắc” âu cũng là lẽ “dĩ, ngẫu, tất… nhiên”, Hoa hậu họ Dương nói.
“Cha đẻ” của Hoa hậu Việt Nam - nhà báo Dương Kỳ Anh lại tâm sự rằng, ông thực sự rất xót xa khi các bạn trẻ ngày nay tìm đến với các cuộc thi Hoa hậu không phải để tìm một định hướng thẩm mỹ mà chủ yếu vì muốn có một cơ hội để gia nhập showbiz và kiếm tiền.
“Mục đích ban đầu của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1988 là tạo ra một sinh hoạt văn hoá mới để định hướng thẩm mỹ cho các bạn trẻ chứ không phải như bây giờ. Bây giờ, các bạn trẻ xem Hoa hậu là một “nghề” có thể giúp họ được tung hô, kiếm tiền một cách dễ dàng. Xã hội bây giờ xuống cấp quá. Đồng tiền tác oai, tác quái và làm đảo lộn mọi giá trị. Người ta đi thi không phải vì đề cao cái đẹp như xưa nữa mà có nhiều mục đích thực dụng hơn. Tôi thấy buồn, thấy đau vì điều này!”, nhà báo Dương Kỳ Anh nói.
“Đấu trường nhan sắc”
“Cha đẻ” Hoa hậu Việt Nam cho biết, vì ngày xưa Hoa hậu chưa bị xem là “nghề” nên việc tố cáo lẫn nhau hoặc các đơn thư khiếu nại rất ít. “Các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam trước đây vẫn có tố cáo, có cả thư nặc danh lẫn thư chính danh được gửi đến cho BTC hoặc BGK. Các vấn đề tố cáo đa phần là có thật và chủ yếu là để đòi sự công bằng hoặc vạch rõ những điều tiêu cực… chứ không phải chủ yếu để “dìm” nhau như bây giờ. Bây giờ cuộc thi đã bị biến thành một đấu trường nhan sắc thật sự, nơi đó, các thí sinh luôn ngấm ngầm tìm cơ hội để “hạ bệ” nhau hòng loại bớt đối thủ thì mình sẽ dễ dàng tiến thân hơn là giúp đỡ nhau cùng tiến”.
Thực tế thì đại diện BTC Hoa hậu Việt Nam đã từng thừa nhận, những cuộc thi Hoa hậu Việt Nam gần đây, họ nhận được rất nhiều đơn thư tố cáo, khiếu nại… Trong đó, đơn thư nặc danh chiếm một số lượng không hề nhỏ. BTC Hoa hậu mặc dù đã phân công một bộ phận chuyên tiếp nhận và xử lý những vấn đề này nhưng nhiều khi phải tăng cường nhân sự bởi số lượng đơn tố quá lớn.
“Tiêu chí của Hoa hậu Việt Nam là BTC luôn tiếp nhận mọi thông tin phản ánh về các thí sinh đang tham gia cuộc thi vì lẽ đó mà không chỉ mở rộng phương tiện tiếp nhận phản ánh bằng hòm thư tay, số đường dây nóng, trang Fanpage, hộp thư điện tử, trang web… mà còn bằng những kênh thông tin riêng. Và BTC cũng không phân biệt đơn thư tố là nặc danh hay chính danh mà cứ tiếp nhận thông tin là sẽ cho tiến hành xác minh ngay. Nếu thông tin phản ánh là đúng thì sẽ họp bàn để xử lý và nếu không đúng thì cũng yên tâm hơn khi chọn thí sinh để trao ngôi vị. Chỉ tiếc, những cuộc thi gần đây, số lượng thông tin phản ánh thì tăng lên mà chất lượng thông tin lại toàn là những điều không có cơ sở. Điều này khiến cho nhiều người có cảm giác cuộc thi sắc đẹp đang bị biến thành một “đấu trường” và các thí sinh cùng đồng hành trong một cuộc thi là đối thủ của nhau”, vị đại diện này nói.
Thực tế là mới đây, đã không ít người phải tiếc nuối cho “nàng thơ xứ Huế” Lê Trần Ngọc Trân khi cô vì lòng tự trọng của một thiếu nữ mà xin rút lui khỏi vòng Chung kết Hoa hậu Việt Nam vì những lời tố cáo không đúng sự thật. Theo nhà báo Dương Xuân Nam, trong các cuộc Hoa hậu Việt Nam trước đây, chưa bao giờ có tình huống nào đáng tiếc như của Lê Trần Ngọc Trân vừa qua.
Tương tự, ở Hoa hậu Việt Nam 2014 thí sinh Phạm Mỹ Linh cũng bị tố sửa mũi nhưng sau khi được đưa đi chụp X-quang để kiểm chứng thì điều này lại hoàn toàn không đúng, thí sinh được tạo điều kiện đi tiếp. Tuy nhiên, do không chịu được áp lực, người đẹp tự xin rút lui và “ở ẩn” một thời gian sau cuộc thi.
Rồi ngay khi vòng Chung khảo phía Bắc Hoa hậu Việt Nam 2016 vừa kết thúc thì lại dấy lên tin đồn tố cáo thí sinh Huỳnh Thúy Vy rớt chung khảo ở phía Nam nhưng lại đậu ở phía Bắc trong khi chuyện này lại hoàn toàn không có thật.
Nhiếp ảnh gia Tô Thanh Tân cho rằng, bây giờ ai đi thi cũng muốn mình trở thành Hoa hậu mà ngôi vị này lại chỉ có 1, Á hậu chỉ có 2, giải phụ cũng là những con số đếm được… Cho nên nhiều người buộc phải “chiến thắng” bằng mọi giá, trong đó không từ thủ đoạn hạ bệ người khác để mình nhẹ bước hơn.
Theo Hoa hậu Dương Thuỳ Linh thì nếu muốn các cuộc thi Hoa hậu vẫn thuần khiết như ngày xưa thì chúng ta cần ngừng tung hô Hoa hậu, ngừng quan tâm tới họ, ngừng trả cát -sê cao cho họ. Nhưng rõ ràng điều đó bây giờ… là không thể.
“Và các cuộc thi Hoa hậu sẽ tiếp tục là đấu trường cho tới khi dân trí lên cao tới điểm không còn mấy ai quan tâm tới các cuộc thi sắc đẹp nữa như các nước Bắc Âu thì các cuộc thi chắc sẽ đỡ căng thẳng bon chen hơn”, Dương Thuỳ Linh nhấn mạnh.
Ông Lê Xuân Sơn - Trưởng BTC Hoa hậu Việt Nam cũng đã từng phải thốt lên rằng, các thông tin được tung ra từ mạng xã hội hiện nay đều là những nguồn thông tin không thể kiểm soát và họ thường xoáy vào những điều chưa tốt, còn những điều tốt lại không nhắc đến. Điều này khiến cho Hoa hậu Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ.
“Cứ mỗi sáng dậy, chúng tôi luôn luôn đối mặt với những điều hoặc là không có thật hoặc là có một chút sự thật nhưng bị thổi phồng hoặc là những điều không đáng đến như vậy. Và đa phần những điều đó liên quan đến các thí sinh đang tham gia cuộc thi. Đây là điều khiến chúng tôi phiền lòng nhất”, ông Sơn nói.
Bài 2: Phát hiện “gian dối” ở các cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam như thế nào?
Hà Tùng Long