Hoàng thành Thăng Long có “màu áo mới” là hoạt động bảo quản thường niên!
(Dân trí) - Ông Trần Việt Anh - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long cho biết, hàng năm, Hoàng thành Thăng Long vẫn tổ chức các hoạt động bảo quản mang tính thường niên ở các hạng mục trong quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long.
Chỉ là bảo quản thường niên
Mới đây, người dân Thủ đô đã hết sức bất ngờ khi Hoàng thành Thăng Long, nhất là cổng Đoan Môn - một biểu tượng của Di tích Quốc gia đặc biệt này được khoác lên mình màu “áo mới”. Trước những sự việc “ầm ĩ” gần đây của Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Bia Quốc học Huế đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về hoạt động làm mới di tích này.
Trao đổi với báo chí chiều 16/1, ông Trần Việt Anh - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long cho biết, hàng năm, Hoàng thành Thăng Long vẫn tổ chức các hoạt động bảo quản mang tính thường niên ở các hạng mục trong quần thể di tích. Việc bảo quản ở Hoàng thành Thăng Long được bắt đầu từ đầu tháng 12/2016 và dự kiến cuối tuần này sẽ kết thúc. Phương thức tiến hành là bảo quản nội cung trước rồi mới làm ngoài bề mặt. Và hoạt động bảo quản này không gây ảnh hưởng gì đến quá trình tham quan của du khách khi đến đây.
Riêng Đoan Môn, các bộ phận như: bề mặt tường, chân tường, gạch gồ, cửa, mái… cũng được bảo quản trong đợt này. Ngay cả hố khai quật khảo cổ sát Đoan Môn cũng vừa tiến hành làm sạch bề mặt, ngăn chặn nước xâm thực, lắp ại hệ thống điện…
Ông Việt Anh cho biết, toàn bộ hệ thống cửa của di tích Đoan Môn vào thời Pháp đã từng bị lại để sử dụng làm chỗ ở. Năm 2000, nhân dịp 990 năm Thăng Long - Hà Nội, Ban quản lý đã cho sửa sang lại như hiện trạng bây giờ. Năm 2010, Ban quản lý lại cho tu sửa, quét vôi. Những năm gần đây, năm không quét vôi ở tường thành, năm chỉ đánh véc ni ở cửa gỗ.
“Những tường thành ở đây đa phần xây bằng gạch nung trát vữa nên có nhiều chỗ vội bị bong ra nên phải bảo quản lại. Chúng tôi bảo quản bằng phương pháp truyền thống, vá những mảng tường bị bong khiến lõi gạch lộ ra ngoài, loại bỏ rễ cây bám sâu vào tường, cạo chỗ rêu mọc… Từ trước đến nay, mỗi khi quét vôi đều pha với ve mà ve chỉ có màu vàng, không thể chọn màu xanh. Thời điểm năm 1998 - 2000 cũng quét màu vàng như thế. Hôm trước khi quét xong, tường có màu thâm, bây giờ nắng lên thì màu có thể tươi hơn một chút”, ông Việt Anh nói.
Đại diện Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long cũng nhấn mạnh rằng, đây là Di tích Quốc gia đặc biệt nên không thể để rêu bám đen hết cả tường như thế được. Và ông Việt Anh khẳng định đây là hoạt động bảo quản, không phải trùng tu, bảo tồn.
Đề cập đến màu ve vừa “phủ” lên Đoan Môn và một số hạng mục trong khuôn viên Hoàng thành Thăng Long, ông Việt Anh cho biết, ve vàng vì chỉ có màu vàng là duy nhất, không có màu ve khác, dùng sơn sẽ có nhiều màu sắc để lựa chọn nhưng không được phép. Loại vôi để pha với ve quét lên Hoàng thành Thăng Long đã được ủ rất lâu. Đơn vị thi công là đơn vị uy tín, từng bảo quản thành công công trình ở số 40 phố Lãn Ông (Hà Nội).Hoàng thành Thăng Long vẫn tiến hành bảo quản các hạng mục vào cuối năm là làm, không làm mùa hè.
Ông Việt Anh chắc nịch, chỉ khoảng 3 tháng nữa màu sắc của Hoàng thành Thăng Long sẽ trở lại màu cũ.
Di sản đã xếp hạng không thể tự tiện làm gì thì làm
GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia chia sẻ, ông chưa có thời gian đến tận Hoàng thành Thăng Long để tận mắt chứng kiến màu “áo mới” của di tích này. Nhưng qua vụ Văn Miếu - Quốc Tử Giám vừa rồi có thể nói, hoạt động quét vôi lên bề mặt tường để xử lí nấm mốc là hoạt động nghiệp vụ cần thiết trong bảo quản di tích. Tuy nhiên, dù là hoạt động nghiệp vụ bình thường nhưng Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng làm theo quy trình, cũng có báo cáo và nhờ đơn vị có kỹ thuật - chuyên môn trực tiếp thực hiện.
Theo GS Vũ Minh Giang, nếu bên Hoàng thành Thăng Long cũng thực hiện hoạt động nghiệp vụ như Văn Miếu - Quốc Tử Giám thì cũng phải làm theo quy trình và có ý kiến tư vấn của các chuyên gia.
“Một di sản đã được xếp hạng thì không thể tự tiện làm được đâu”, GS Vũ Minh Giang nhấn mạnh.
Giáo sư Hà Minh Đức cũng cho rằng, chúng ta đang thiếu kinh nghiệm trong việc trùng tu di sản. Bởi thế nhiều công trình di tích đã vô tình bị làm mất nét nguyên bản. Nhà nghiên cứu này viện dẫn câu chuyện về việc trùng tu đền Vua Lê ở Thanh Hóa trong nhiều năm trước. Ông cho rằng, nguyên tắc của việc bảo quản hay trùng tu là phải tôn trọng cái cũ. Tuy nhiên, điều cơ bản này đã bị nhiều nhà quản lý bỏ qua.
Hà Tùng Long