1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Hát Xoan Phú Thọ hết bảo vệ khẩn cấp, trở thành Di sản nhân loại

(Dân trí) - Hát Xoan Phú Thọ đã chính thức được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Vào hồi 8h52 (giờ Việt Nam) ngày 8/12, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, Hát Xoan Phú Thọ đã chính thức được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Là di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn, Hát Xoan của tỉnh Phú Thọ bao gồm hát, múa, gõ trống và phách. Hát Xoan gắn liền với việc thờ cúng Hùng Vương, một tín ngưỡng bắt nguồn từ việc thực hành thờ cúng tổ tiên của người Việt. Là một nghệ thuật trình diễn cộng đồng, Hát Xoan nuôi dưỡng sự hiểu biết văn hoá, sự gắn kết cộng đồng và tôn trọng lẫn nhau.

Hình thức diễn Hát Xoan gắn liền với việc thờ cúng Hùng Vương, một tín ngưỡng bắt nguồn từ việc thực hành thờ cúng tổ tiên của người Việt. Ảnh: PT.
Hình thức diễn Hát Xoan gắn liền với việc thờ cúng Hùng Vương, một tín ngưỡng bắt nguồn từ việc thực hành thờ cúng tổ tiên của người Việt. Ảnh: PT.

Dựa vào kết quả Báo cáo định kỳ quốc gia (năm 2016) về tình trạng của Hát Xoan Phú Thọ và theo đánh giá việc thực hiện kế hoạch bảo vệ di sản, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã kết luận di sản Hát Xoan Phú Thọ đã không còn nằm trong Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Hát Xoan không còn cần được bảo vệ khẩn cấp nữa vì những nỗ lực gần đây của cộng đồng địa phương và Chính phủ đã khôi phục đáng kể khả năng tồn tại của nó kể từ khi được ghi danh tại Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp năm 2011. Ví dụ, năm 2009, bốn phường Xoan có khoảng 100 người hát và nhạc công hoạt động không thường xuyên, với hơn phân nửa là trên 60 tuổi.

Ngày nay, các phường có gần 200 thành viên với độ tuổi trung bình là 35. Năm 2009, trong số 31 nghệ nhân cao tuổi nhất (tuổi từ 80 đến 104), chỉ có 7 người có khả năng trình diễn và truyền dạy các bài bản cổ của Hát Xoan.

Ngày nay, tổng số 62 người kế nhiệm đã được đào tạo và đều được trang bị đầy đủ để dạy các bài bản của Hát Xoan. Số lượng thanh thiếu niên tham gia phát triển nhanh. Có thể đạt được một số kết quả bảo vệ tốt hơn thông qua sự phối kết hợp với các dự án quốc gia về phát triển bền vững.

Tuy nhiên, một số thách thức vẫn còn tồn tại như sự đe dọa từ việc đồng nhất các buổi biểu diễn; những người trẻ tuổi vẫn rời bỏ làng nghề để tìm kiếm việc làm và học tập nên mất đi cơ hội để thực hành.

Đoàn Việt Nam tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc. Ảnh: Phạm Cao Quý.
Đoàn Việt Nam tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc. Ảnh: Phạm Cao Quý.

Dự án bảo vệ và phát huy Hát Xoan được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã thực hiện từ năm 2013 và sẽ được tiếp tục cho đến năm 2020, đóng một vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ và phục hồi di sản với sự hỗ trợ đầy đủ của cộng đồng.

Các biện pháp bảo vệ kết hợp truyền dạy Hát Xoan, đào tạo về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể, phục hồi không gian cần thiết để thực hành di sản, sưu tập các tài liệu văn học trên thực tế và công bố cho các mục đích giáo dục và giới thiệu di sản trong trường học.

Bốn phường của những người thực hành Hát Xoan đã có những đóng góp to lớn cho việc bảo vệ Hát Xoan từ những năm 1980 cho đến nay. Kiến thức và việc thực hành liên tục của họ đã giúp khôi phục loại hình nghệ thuật này.

Các phường Xoan và cộng đồng, các học viên và các tổ chức có liên quan đã tham gia tích cực vào việc chuẩn bị Báo cáo định kỳ quốc gia, nhiệt tình tham gia vào các cuộc phỏng vấn, thảo luận và hội thảo. Hơn nữa, di sản này đã được kiểm kê rộng rãi với sự tham gia của cộng đồng từ năm 2012 đến năm 2015, với các thông tin được cập nhật hàng năm. Việc kiểm kê bài bản của Hát Xoan cũng được thực hiện bởi Viện Âm nhạc Việt Nam thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Vì những lý do trên, Uỷ ban Liên Chính phủ đã ghi nhận đề nghị của Việt Nam về việc đưa Hát Xoan Phú Thọ, Việt Nam ra khỏi Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Cùng với đó, theo Uỷ ban Liên Chính phủ, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan Phú Thọ vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Khoảnh khắc vui sướng của đoàn Việt Nam sau khi Hát Xoan Phú Thọ được Unesco công nhận là Di sản đại diện của nhân loại. Ảnh: Phạm Cao Quý.
Khoảnh khắc vui sướng của đoàn Việt Nam sau khi Hát Xoan Phú Thọ được Unesco công nhận là Di sản đại diện của nhân loại. Ảnh: Phạm Cao Quý.

Đây là lần đầu tiên, Ủy ban Liên Chính phủ quyết định rút một di sản ra khỏi Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp để chuyển sang Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dựa trên kinh nghiệm thu được trong quá trình xem xét của Uỷ ban về đề nghị này của Việt Nam, Ủy ban sẽ tiếp tục thảo luận về dự thảo hướng dẫn và xác định các thủ tục rõ ràng để rút một di sản ra khỏi danh sách và đưa một di sản từ danh sách này sang danh sách khác.

Bên cạnh việc ghi danh Hát Xoan Phú Thọ vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Ủy ban Liên Chính phủ cũng lưu ý Việt Nam không chỉ thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy di sản như trong Hồ sơ đề cử vào Danh sách đại diện mà cần tiếp tục hoàn thành việc thực hiện kế hoạch bảo vệ di sản như đã được đề cập trong Hồ sơ đề cử vào Danh sách khẩn cấp năm 2011 và Báo cáo định kỳ quốc gia năm 2016.

Hà Tùng Long