Gia đình họa sĩ Tạ Tỵ chính thức khởi kiện vụ tranh bị mạo danh

(Dân trí) - Đơn khởi kiện đã được con gái họa sĩ Tạ Tỵ, bà Tạ Thùy Châu gửi đến tòa án nhân dân TPHCM vào ngày 3/8 vừa qua.

Sau sự việc triển lãm tranh giả khá ồn ào vừa qua, gia đình họa sĩ Tạ Tỵ - một trong 2 họa sĩ bị mạo danh trong vụ triển lãm “Những bức tranh trở về từ Châu Âu” đã chính thức làm đơn khởi kiện gửi lên tòa án thành phố.

PV Dân trí đã gặp luật sư – thạc sĩ Nguyễn Hữu Đức – con rể của họa sĩ, cũng là người đại diện cho gia đình lên tiếng trong sự việc lần này.

Luật sư Nguyễn Hữu Đức tại phòng làm việc và những tác phẩm của họa sĩ Tạ Tỵ vẫn còn treo tại nhà riêng.
Luật sư Nguyễn Hữu Đức tại phòng làm việc và những tác phẩm của họa sĩ Tạ Tỵ vẫn còn treo tại nhà riêng.

Được biết, phía gia đình của họa sĩ Tạ Tỵ đã quyết định khởi kiện vì tên của họa sĩ Tạ Tỵ bị lợi dụng, xin ông cho biết, vì sao gia đình quyết định khởi kiện?

Chúng tôi làm rõ sự việc lần này để bảo danh, lưu danh được các họa sĩ đời đầu của trường Mỹ thuật Đông Dương của Việt Nam. Sự việc tranh giả cứ như một “vết thương rỉ máu” hoài, nếu không làm rõ ràng, thì “vết thương” này không thể chấm dứt.

Ông có nghe thông tin họa sĩ Thành Chương cũng đã gửi đơn tố cáo, cùng bức tranh với gia đình ông đang muốn kiện?

Tôi có nhận thông tin từ phía ông Thành Chương đã gửi đơn tố cáo sự việc này. Hai bên đều là nạn nhân, một người bị mạo danh, một người bị xóa danh nên chúng tôi sẽ hỗ trợ nhau khi có yêu cầu. Nếu tôi cần thông tin gì ông Chương sẽ cung cấp, và ngược lại. Tôi mong rằng khi 2 gia đình khởi kiện, giới văn nghệ sĩ và nhất là các họa sĩ tiền bối của trường Mỹ thuật Đông Dương còn lại thế sẽ hỗ trợ một tay.

Nếu khởi kiện, ông sẽ khởi kiện ai?

Trong vụ kiện này sẽ có 3 chủ thể liên quan. Một trong 3 chủ thể sẽ là nhà sưu tập Vũ Xuân Chung, người đang là chủ của những bức tranh giả mạo.

Phía ông Chung có giấy tờ có chữ kí của Lãnh sự quán Pháp về ông Hubert?

Tôi có chuẩn bị giấy tờ đầy đủ đây, giấy giám định tranh thật do ông Hubert ký. Nhưng theo tôi được biết, danh tính của ông Hubert được xác nhận theo 3 kiểu khác nhau từ phía công ty Christie’s HongKong.

Khi thì khẳng định Hubert là chuyên viên cao cấp, khi khác nói đã nghỉ làm, và cũng từng xác nhận không là gì cả. Vậy cuối cùng ông Hubert là ai mà dám khẳng định tranh này là thật - một việc mà chính những tác giả, họa sĩ người Việt Nam khi quyết định còn phải suy nghĩ và phải giám định từ sinh hoạt, nét vẽ, tư duy, đặc tính của từng họa sĩ.

Giấy giám định do ông Hubert khẳng định tranh thật để đưa tranh vào bảo tàng triển lãm.
Giấy giám định do ông Hubert khẳng định tranh thật để đưa tranh vào bảo tàng triển lãm.
Bức tranh Trừu tượng chính xác do họa sĩ Tạ Tỵ vẽ vào năm 1951
Bức tranh Trừu tượng chính xác do họa sĩ Tạ Tỵ vẽ vào năm 1951
Gia đình họa sĩ Tạ Tỵ chính thức khởi kiện vụ tranh bị mạo danh - 4
Những thông tin về cuộc triễn lãm của bức tranh Trừu tượng đã được gia đình lưu giữ sẽ là một chứng cứ cụ thể trong vụ khởi kiện lần này.
Những thông tin về cuộc triễn lãm của bức tranh "Trừu tượng" đã được gia đình lưu giữ sẽ là một chứng cứ cụ thể trong vụ khởi kiện lần này.

Với tư cách làm một luật sư, ông cũng có tham gia vào ngày họp hội đồng thẩm định. Theo ông, vì sao hội đồng thẩm định đã xác định là tranh giả nhưng vẫn được phép mang ra khỏi bảo tàng?

Ngoài nghị định 158/2013, NĐ-CP ban hành ngày 12/11, chúng ta còn nghị định 131/NĐ-CP ban hành ngày 16/10 về quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Với những quy định này, ngày họp hội đồng thẩm định, tôi có đề xuất có thể mời thanh tra văn hóa vào cuộc. Nhưng cơ quan nhà nước nói bảo tàng không yêu cầu và ngược lại.

Về quyền tài sản của bức tranh này, tất cả mọi người ở đây không ai có. Bức tranh là quyền tài sản của họ, mình không có quyền giữ nhưng mình có quyền yêu cầu giữ nguyên hiện trạng để thực hiện quyền nhân thân. Họ không được dịch chuyển, mua bán cho đến khi vụ việc sáng rõ. Tuy nhiên, không ai làm và mọi người đều nghĩ phải có công an mới giải quyết được.

Đây là một vụ việc dân sự, thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ, vấn đề ở đây là mạo danh, cần phải giải quyết vấn đề này trước. Công an là một vấn đề sâu hơn.

Khi tác phẩm ra khỏi Viện bảo tàng rồi thì viện còn chịu trách nhiệm không?

Một tác phẩm có 2 quyền: Quyền nhân thân và quyền tài sản. Một bảo tàng nghệ thuật phải là một người làm nghệ thuật, am hiểu nghệ thuật, phải hiểu cấu trúc bức tranh, tập quán, sinh hoạt, cá tính của họa sĩ để xác định được tranh thật hay giả. Ví dụ như họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ trên vải, giấy, bảng gỗ, thậm chí cả trên vỏ bao thuốc lá, giấy báo khi không có đủ nguyên liệu; Những bức tranh của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, có nét đằm thắm của tâm hồn Việt Nam vẽ theo lối rất sâu sắc, những nét gọn, nhanh vừa đồng thời hiện đại, lại vừa rất cổ điển... Nếu là nhà nghiên cứu làm việc tại bảo tàng sẽ hiểu đặc tính, phải hiểu từ chân tơ, kẽ tóc của từng họa sĩ. Nhưng bảo tàng đã quên đi điều đó.

Hội đồng thành lập chỉ để xác định tranh giả, có cả những nhà lãnh đạo cấp cao của quản lý văn hóa, tuy nhiên ngoài việc xác định tranh giả, hội đồng không có quyền gì khác? Điều này là đúng hay sai thưa ông?

Trong cuộc họp hội đồng thẩm định, ý kiến của ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm có nói, buổi họp và biên bản của buổi họp là văn bản chính thức để triển khai các bước tiếp theo. Ông ủng hộ việc phải xử lý triệt để vấn đề này. Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân của ông Vi Kiến Thành, không thành lập hội đồng, mục đích tổ chức buổi họp là nhờ những nhà chuyên môn tham vấn về chuyên môn, cũng như hướng xử lý vụ việc. Biên bản cuộc họp về mặt pháp lý chưa đảm bảo.

Tuy nhiên, trong kết luận của buổi họp cũng đã khẳng định được 15 bức tranh là giả, và 02 bức tranh bị mạo danh, đây chính là cơ sở để khởi kiện việc này ra tòa án.

Theo tôi, hội đồng là cơ sở để người khác tiếp tục làm. Hội đồng phải có tính pháp lí, sau đó những giấy tờ xác nhận sẽ đưa qua cơ quan thanh tra, tòa án để họ tiếp tục xử lí. Còn bây giờ, vấn đề pháp lí của hội đồng không có.

Là một luật sư, ông nghĩ luật pháp Việt Nam hiện tại có thể bảo vệ được quyền lợi của những họa sĩ không khi vấn nạn tranh giả đã có từ nhiều năm qua nhưng chưa có biện pháp xử lý?

Theo tôi, bất kỳ đơn vị nào hoạt động cũng có một đội ngũ kỹ thuật, tạo ra một phòng tổ chức kiểm định, giám định chất lượng sản phẩm mà mình đang chịu trách nhiệm và quản lý. Không cần trả tiền lương, khi nào có giám định thì triệu tập, trả lương theo công việc. Phía bảo tàng hoàn toàn có thể thành lập hội đồng này, những người giám định sẽ là những họa sĩ, những nhà chuyên môn có uy tín được cơ quan có thẩm quyền công nhận và có được thẩm quyền về việc quyết định tranh giả hay thật.

Quyết định của hội đồng này sẽ có cơ sở pháp lý. Đây sẽ là một trong những biện pháp cần phải làm để xử lý vấn nạn tranh giả đang ngang nhiên tồn tại mà không ai có thể có thẩm quyền xử lý vì thiếu tính quyết liệt.

Như vậy, trong sự việc lần này phía gia đình không kiện vì quyền lợi, chỉ muốn làm rõ sự việc tranh giả?

Đúng, ở đây, chúng tôi yêu cầu ông Vũ Xuân Chung phải xóa tên họa sĩ Tạ Tỵ ra khỏi bức tranh mà ông ta (hay ông Hubert) đặt tên “Trừu tượng” vì bức tranh này không phải do họa sĩ Tạ Tỵ vẽ. Công khai xin lỗi gia đình tôi và vong linh họa sĩ Tạ Tỵ.

Xin cảm ơn ông đã chia sẻ những thông tin này.

Bài & ảnh: Băng Châu

Gia đình họa sĩ Tạ Tỵ chính thức khởi kiện vụ tranh bị mạo danh - 6

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm