Gameshow âm nhạc: Bất bình khi “thảm hoạ” lên ngôi
(Dân trí) - Việc gameshow âm nhạc đưa những giọng hát chưa thật sự xứng đáng lên ngôi quán quân đã tạo nên những sự bất bình, náo loạn… Thực tế này đã và đang khiến thị trường âm nhạc xuất hiện nhiều “thảm hoạ”, lòng tin của khán giả đối với gameshow cũng bị giảm sút.
Vừa lên ngôi đã bị xem “thảm hoạ”
Chung kết cuộc thi “Thần tượng Bolero 2017” vừa khép lại với chiến thắng thuộc về Hellen Thủy. Cô nhận được số lượng bình chọn cao nhất từ khán giả là 32,94%, vượt qua Phương Liên (team Ngọc Sơn), Ngọc Sơn (team Quang Lê) và Triều Quân (team Lệ Quyên).
Tuy nhiên, ngay khi vừa đăng quang, tân quán quân “Thần tượng Bolero 2017” đã vấp phải làn sóng phải đối dữ dội của cư dân mạng. Thậm chí, rất nhiều người đã vào fanpage của cuộc thi này để bày tỏ sự bức xúc của mình, họ không ngại gọi Hellen Thủy là “thảm họa” Bolero.
Còn nhớ, năm 2016, khi trở thành quán quân của “Sing My Song”, Cao Bá Hưng cũng đã vấp phải sự phản ứng khá mạnh từ cả công chúng và giới phê bình.
Nhiều cư dân mạng đã bày tỏ thái độ bằng cách “dislike” (không thích) tiết mục trong đêm chung kết của giọng ca 18 tuổi này. Rốt cuộc, ca khúc “Có vấn đề” của quán quân “Sing My Song 2016” phải nhận tới hơn 22 ngàn lượt dislike, gấp 3 lần lượng khán giả like (thích).
Đây không phải lần đầu tiên kết quả của một gameshow ca nhạc bị khán giả phản ứng. Vẫn có những ý kiến trái chiều trước mỗi lần có thí sinh đăng quang trong các cuộc thi âm nhạc nhưng lượng khán giả thể hiện sự phản đối bằng việc dislike đối với tiết mục của một quán quân thì có lẽ là lần đầu tiên.
Trước đó, trong chương trình “Ngôi sao Việt 2014”, phần trình diễn của Diệu Linh trong đêm top 4 cũng khiến khán giả được một phen dậy sóng. Mất gần 2 tháng tập luyện ở Hàn Quốc nhưng thí sinh này đã khiến cả giám khảo lẫn khán giả thất vọng nặng nề bởi giọng hát vô cùng yếu, kém và dở tệ. Nhiều người bình luận giọng hát của cô như: “đấm vào tai”, “thảm họa”, “hỏng cả tác phẩm”, “nên đổi biệt danh thành Chaien”…
Tương tự, ở “Cặp đôi hoàn hảo 2014”, giọng hát của Jennifer Phạm cũng gây náo loạn khi “không thể dở hơn được nữa”. Giọng hát dở của người đẹp này cứ lặp đi lặp lại trong các đêm thi mà không hề có sự tiến bộ nào. Và khi cô cùng Đức Tuấn đăng quang giải Đồng của chương trình thì ngay lập tức trên mạng xã hội cũng nổ ra những cuộc tranh cãi nảy lửa. Đa phần phản đối giọng hát “thảm hoạ” của cô và cho rằng cặp đôi này không xứng đáng được nhận giải thưởng đó.
“Thảm hoạ” lên ngôi sẽ làm âm nhạc biến tướng, lạc dòng…
Chuyện giọng hát “thảm hoạ” lên ngôi trong các gameshow truyền hình nghe có vẻ phi lý nhưng thực tế đang xảy ra khá phổ biến. Điều mà mọi người thắc mắc là tại sao tình trạng này lại cứ tái diễn trong nhiều gameshow.
Ca sỹ Hồ Quang 8 cho rằng, nâng những giọng ca không có tiềm năng lên ngôi quán quân của một cuộc thi hát là “tội” rất lớn của nhà sản xuất và giám khảo.
“Lâu nay, cứ thỉnh thoảng chúng ta lại giật mình thon thót bởi một giọng ca dở tệ nào đó giành chiến thắng ở một gameshow âm nhạc mà không chịu lý giải xem ai đã tạo ra sự náo loạn đó.
Tôi cho rằng, giám khảo phải là người có lỗi đầu tiên. Vì nhiều vị giám khảo, dù được mời ngồi “ghế nóng” để “cầm cân nảy mực” nhưng chưa chắc đã “cầm cân nảy mực” mà vì động cơ nào đó. Giám khảo cũng có người chấm rất cảm tính, có người chấm vì mục đích riêng của mình, cũng có người phải chấm theo ý đồ nhà sản xuất... Ngay cả, khán giả từng được nhiều người ví là “vị giám khảo công tâm nhất” nhưng đến thời buổi này cũng có thể “o bế” được. Bản thân nhà sản xuất thì chạy theo lợi nhuận nên đòi hỏi ở họ một sự công bằng e là hơi khó. Nhưng không vì thế mà chúng ta không phản ứng trước những gameshow được cho là dàn xếp kết quả”, ca sĩ Hồ Quang 8 nói.
Theo nam ca sỹ này, việc nâng giọng hát “thảm hoạ” lên ngôi vị quán quân sẽ làm cho bức tranh gameshow ngày càng trở nên tệ hại hơn, nhất là các cuộc thi ở dòng nhạc Bolero. Và những giọng hát “thảm hoạ” đó cũng sẽ khiến dòng chảy âm nhạc bị biến tướng, lạc dòng…
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long lại cho rằng, giọng hát là thứ phô diễn trực tiếp trước đám đông vì thế hay, dở, tệ… đều khó lòng che đậy được. Chuyện khán giả phản ứng gay gắt trước việc một “thảm họa lên ngôi” phần nào phản ánh chất lượng của giọng hát đó hoặc tiết mục biểu diễn đó.
“Từng có nhiều người mất lòng tin vào kết quả gameshow bởi ngày nay nhiều nhà sản xuất can thiệp thô bạo vào kết quả chung cuộc. Với các gameshow âm nhạc thì việc làm này chỉ thêm làm khán giả bất bình hơn thôi. Đã gọi là sân chơi thì nên công bằng và đã gọi là quán quân thì phải xứng đáng. Việc tạo ra những “quán quân thảm hoạ” chẳng khác nào đang khiến âm nhạc xuống dốc, làm cho sức hút của gameshow đó giảm xuống”, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long nói.
Thực tế, từng có nhiều nghệ sĩ sau khi được mời ngồi ghế giám khảo đã vội “bỏ của chạy lấy người” vì phát hiện ra những “tảng băng chìm” phía sau những con số được công bố công khai trên truyền hình liên quan đến kết quả của các thí sinh. Và chính “bàn tay ma thuật” của nhà sản xuất lẫn giám khảo đã khiến cho tỉ lệ náo loạn, bất bình, phản ứng… của khán giả tăng lên sau mỗi mùa gameshow kết thúc.
Tuy nhiên, chỉ tiếc là thực trạng quản lý gameshow ở Việt Nam hiện vẫn đang được xem nhẹ. Các cơ quan quản lý chỉ giám sát nội dụng gameshow mà ngó lơ kết quả. Vì lẽ đó, tình trạng “thảm họa lên ngôi” vẫn tồn tại và câu chuyện lùm xùm sau những kết quả chưa xứng đáng vẫn tiếp tục kéo dài.
Điều này không chỉ làm xói mòn lòng tin của khán giả đối với gameshow mà còn tạo ra những “thảm hoạ” mới đối với thị trường âm nhạc. Tất nhiên, nói như diva Thanh Lam là “nếu anh trở thành quán quân nhưng anh không có giọng hát thì sớm hay muộn thị trường cũng lãng quên anh, khán giả cũng bỏ rơi anh”. Điều cốt lõi trong âm nhạc là “thanh” rồi đến “sắc” rồi mới đến các yếu tố: duyên nghề, may mắn, công nghệ lăng xê… Nếu khán giả cứ thỏa hiệp với “thảm hoạ” là đang tiếp tay cho “thảm hoạ” khuấy đảo thị trường âm nhạc.
Hà Tùng Long