Điều chưa biết về “ông tổ” khai lập nên làng Mai Dịch xưa

(Dân trí) - Nhà thờ cụ Nguyễn Khả Trạc (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) được xếp hạng Di tích lịch sử, văn hoá năm 1995, đây cũng là nơi gắn liền với thân thế, sự nghiệp lẫy lừng của cụ Nguyễn Khả Trạc, danh nhân văn hóa, một trong những người đầu tiên khai lập nên làng Mai Dịch xưa (nay là phường Mai Dịch).

Trái ngược với vẻ ồn áo, náo nhiệt của phố thị Hà Nội, khu nhà thờ cụ Nguyễn Khả Trạc cổ kính, rêu phong nằm sâu trong con ngõ nhỏ đường Hồ Tùng Mậu (Mai Dịch - Hà Nội). Khu di tích với lối kiến trúc độc đáo đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH, TT & DL) xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa năm 1995. Đây cũng là nơi gắn liền với thân thế, sự nghiệp lẫy lừng của cụ Nguyễn Khả Trạc, danh nhân văn hóa, một trong những người đầu tiên khai lập nên làng Mai Dịch xưa (nay là phường Mai Dịch).

Trước đây, làng Mai Dịch có gốc gác từ làng Dịch Vọng Hậu. Giữa thời Lê, ở đầu Sở Dịch Vọng có đặt một trạm làm nơi nghỉ chân của các quan, nơi các phu dịch chuyển, tiếp nhận công văn giấy tờ trên con đường Thiên lý phía Tây về Kinh đô Thăng Long (nay là Quốc lộ 32). Dân ở các làng Dịch Vọng Hậu, Dịch Vọng Trung lên đây buôn bán, khai khẩn đất đai để sinh sống rồi lập ra làng Mai Dịch.

Nhà thờ cụ Nguyễn Khả Trạc với lối kiến trúc cổ kính truyền thống của làng quê Việt xưa. Ảnh: Phạm Mỹ
Nhà thờ cụ Nguyễn Khả Trạc với lối kiến trúc cổ kính truyền thống của làng quê Việt xưa. Ảnh: Phạm Mỹ

Tuy thành lập muộn, nhưng làng Mai Dịch sớm có truyền thống học hành và khoa bảng. Vào năm Tân Mùi niên hiệu Đức Long đời Vua Lý Thần Tông (1631), làng có cụ Nguyễn Văn Trạc (hay Khả Trạc) đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, sau làm quan đến Công bộ Thượng thư, tước Hầu.

Cụ Trạc nổi tiếng là vị quan thanh liêm với nhiều công tích phục vụ đất nước và nhân dân trải suốt 4 triều vua Lê. Sau này, khi về hưu cụ Nguyễn Khả Trạc mở trường dạy học ở Mai Dịch. Cụ cũng được biết đến như người có công rất lớn trong việc củng cố, phát huy thuần phong mỹ tục, tổ chức xây dựng hương ước của làng cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương thời điểm bấy giờ.

Năm 1672, cụ Nguyễn Khả Trạc qua đời, thọ 75 tuổi. Cụ được đích thân vua Lê Gia Tông ban sắc viếng và gia phong lên bậc Hộ Bộ Thượng Thư. Để ghi nhớ công ơn của cụ, dân làng Mai Dịch cũng lập đền thờ tưởng nhớ, ngoài ra tên của cụ cũng được lấy làm tên đường Nguyễn Khả Trạc và trường tiểu học Nguyễn Khả Trạc.

Sau quá trình tồn tại hàng trăm năm, mới đây công trình này đã được cơ quan chức năng tôn tạo, tu bổ.
Sau quá trình tồn tại hàng trăm năm, mới đây công trình này đã được cơ quan chức năng tôn tạo, tu bổ.

Hiện nay, tại xóm Thị (đường Hồ Tùng Mậu, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) khu nhà thờ cụ Nguyễn Khả Trạc vẫn được giữ gìn, bảo tồn.

Nhà thờ có ba gian được xây dựng theo lối kiến trúc cổ độc đáo. Cụ Nguyễn Khả Trạc và một số người thân trong dòng họ được thờ ở gian trong cùng. Trong nhà thờ vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá như chiếc đòn võng, kiệu ông về làng vinh quy bái tổ, lễ tạ cha mẹ. Đặc biệt là 14 đạo sắc phong chức tước cho ông và bức hoành phi “Liêm Quận công”.

Điều chưa biết về “ông tổ” khai lập nên làng Mai Dịch xưa - 3
Đến nay dù đã sát thời hạn nhưng di tích này vẫn còn khá ngổn ngang, dang dở đặc biệt phần cổng ngõ.
Đến nay dù đã sát thời hạn nhưng di tích này vẫn còn khá ngổn ngang, dang dở đặc biệt phần cổng ngõ.

Theo các cụ cao niên trong dòng họ Nguyễn Khả, khu nhà thờ họ được xây dựng từ năm 1849, cách đây gần 200 năm.

Nhà thờ được làm theo hướng chính tây với địa thế rất đẹp: dựa lưng vào gờ cao của bờ đông sông Thiên Phù xưa (nay là xóm Thị), phía trước là bãi cao có Quán làng nơi thờ tướng quân Lý Phục Man, một vị tướng tài thời Lý Nam Đế.

Di tích nổi bật bởi lối kiến trúc cổ kính được xây dựng theo nguyên mẫu dinh cơ của các vị vua quan ngày xưa, trong đó phía Đông là khu nhà thờ, phía Tây là khu cảnh quan theo thế đất và phong thủy. Đặc biệt, phía cổng ngoài nhà thờ bề thế với mái cuốn hình vòm, bên trong khuôn viên ngoài nhà thờ chính còn có vườn hoa, cây cảnh, ao sen… quanh năm thơm ngát, tạo cho nhà thờ khung cảnh đẹp nên thơ, hữu tình.

Những năm kháng chiến chống Pháp, Mai Dịch nằm trong vùng địch tạm chiếm, nhà thờ trở thành nơi họp hành, trú ấn của cán bộ ta. Quân Pháp khủng bố nhiều lần, chúng tháo dỡ cánh cửa. Về sau, các cụ cao niên trong làng quyên góp, sửa chữa lại nhưng vẫn giữ nguyên vẻ cổ kính cho di tích.

Khu nhà thờ cụ Nguyễn Khả Trạc không chỉ là công trình của riêng dòng họ Nguyễn Khả mà còn là di tích đã được nhà nước xếp hạng, công nhận có giá trị to lớn về mặt văn hóa, lịch sử.

Trước đây, nhà thờ cụ Nguyễn Khả Trạc được xây dựng trên khuôn viên rộng lớn hàng nghìn m2 song trải qua nhữn năm tháng chiến tranh và biến động lịch sử, di tích này dần bị thu hẹp.

Sau quá trình hàng trăm năm tồn tại , mới đây được sự quan tâm của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, sự vào cuộc tích cực của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, di tích này đã được giao cho UBND Quận Cầu Giấy làm chủ đầu tư tu bổ, sửa chữa. Đây cũng là công trình ý nghĩa chào mừng 20 năm thành lập quận Cầu Giấy. Theo đó, công trình được khởi công xây dựng từ cuối năm 2016 và dự kiến hoàn thiện vào tháng 10/2017. Tuy nhiên, đến nay dù đã sát thời hạn nhưng di tích này vẫn còn khá ngổn ngang, dang dở đặc biệt phần cổng ngõ.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Khả Thị, trưởng tộc đời 17, thay mặt họ Nguyễn Khả cho biết, việc tu bổ, sửa chữa công trình nhà thờ cụ Nguyễn Khả Trạc là điều cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đặc biệt khi công trình này ngày càng có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.

Tuy nhiên, ông Thị cho rằng, các cơ quan chức năng cần tính toán, thiết kế để giữ nguyên trạng được di tích cũng như bảo tồn được những giá trị lịch sử, văn hóa của công trình. Hiện nay, điều ông Thị đau đáu và trăn trở nhất là một phần cổng công trình nhà thờ cụ Nguyễn Khả Trạc vẫn đang bị lấn chiếm và chưa được phục hồi nguyên trạng.

“Bản thân tôi và những người trong dòng họ Nguyễn Khả rất xúc động khi công trình tu bổ này đã nhận được sự quan tâm, theo dõi sát sao của các cấp ban ngành đặc biệt là của UBND quận Cầu Giấy và UBND phường Mai Dịch. Tôi cho rằng, việc Hà Nội tôn tạo, tu bổ các di tích là rất cần thiết.

Tuy nhiên, với việc tôn tạo, tu bổ di tích ở Thủ đô nói chung và di tích nhà thờ Nguyễn Khả Trạc nói riêng, việc đầu tiên cần làm là phải giải tỏa không gian cho di tích. Cần phải loại bỏ hết các yếu tố lai tạp, các hành vi chiếm dụng di tích, biến di tích thành chỗ ở, chỗ buôn bán... Sau đó, cố gắng sửa chữa những gì cần thiết nhất theo quy định chung. Có như thế mới trả lại không gian văn hóa, lịch sử linh thiêng đúng nghĩa cho công trình”, ông Thi bày tỏ.

Hà Trang