Để con trẻ khóc trên gameshow là sự thất bại của người lớn?

(Dân trí) - Đó là điều mà nhiều chuyên gia và bậc phụ huynh trăn trở khi gần đây có quá nhiều gameshow để cho con trẻ bật khóc trên sân khấu hoặc lạm dụng con trẻ dưới nhiều hình thức.

Nước mắt con trẻ và nỗi xót xa cần suy nghĩ

Gameshow bùng nổ kéo theo sự ra đời của hàng loạt chương trình dành cho con trẻ với đủ các thể loại từ âm nhạc, khiêu vũ, diễn kịch, MC, tài lẻ… Cứ ngỡ bước vào sân chơi gameshow con trẻ sẽ được chơi thoả thích theo sở thích, nhu cầu, năng lực… nhưng thực tế các con lại phải “lao tâm khổ tứ” làm theo ý đồ và kịch bản của nhà sản xuất. Đặc biệt, nhiều con trẻ đã bị sang chấn tâm lý khi tham gia các sân chơi này.

Mới đây, trong đêm chung kết chương trình “Biệt tài tí hon” phát sóng trên VTV, nhiều khán giả truyền hình đã không thể quên được những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt cậu bé Minh Khang (4 tuổi) - thí sinh từng làm các giám khảo “vái sống” vì trí nhớ siêu phàm của mình. Theo đó, khi MC công bố kết quả những người đoạt giải chung cuộc, Minh Khang oà khóc nức nở. Cậu bé trả lời sau đó rằng: “Con thấy các bạn đều xứng đáng, nhưng con nghĩ con được vào vòng trong rồi”. Câu trả lời của cậu bé 4 tuổi khiến nhiều ông bố, bà mẹ và khán giả truyền hình không khỏi xót xa.

Bé Minh Khang khóc nức nở khi biết mình không đoạt giải cao tại chung kết Biệt tài tí hon.
Bé Minh Khang khóc nức nở khi biết mình không đoạt giải cao tại chung kết Biệt tài tí hon.

Trước đó, trên một diễn đàn dành cho các “bà mẹ bỉm sữa” cũng bàn tán khá nhiều về chuyện cô bé Nguyễn Phạm Bảo Trân vì quá lo sợ mình sẽ không thể đi tiếp vào vòng trong ở tập 4 của “Thần tượng âm nhạc nhí” 2016 mà khóc nức nở sau hậu trường. Nước mắt và sự lo sợ của con trẻ khi tham gia gameshow khiến nhiều người phải suy nghĩ nhiều hơn về chuyện cho con trẻ tham gia các sân chơi này.

Và chuyện các thí sinh nhí thất vọng ra mặt, oà khóc nức nở trên sân khấu hoặc bị ảnh hưởng tâm lý khi không được chọn không phải là câu chuyện duy nhất ở hai chương trình truyền hình kể trên. Thậm chí, trong “Thần tượng âm nhạc nhí” và “Bước nhảy hoàn vũ nhí”, các giám khảo đã phải dùng tới “chiêu” thủ sẵn quà để đối phó với những tình huống không thể dùng lời an ủi.

Ngoài ra, trong nhiều tình huống, nhiều người dẫn chương trình còn cố tình kéo dài dây phút căng thẳng khi công bố kết quả khiến con trẻ bị mất bình tĩnh. Có những bé khi vừa bước vào hậu trường đã oà khóc nức nở vì không kiểm soát được cảm xúc. Nhiều gameshow chủ đích kéo dài sự kịch tính mà quên mất đó chính là những nguyên nhân khiến con trẻ bị sang chấn tâm lý.

Còn nhớ, trung tuần tháng 4/2016, Tổng cục Điện ảnh, Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc ra văn bản chỉ đạo về việc hạn chế dẫn đến cấm tuyệt đối các chương trình có trẻ chưa đủ tuổi thành niên, trong đó có 2 chương trình ăn khách “Bố ơi, mình đi đâu thế?” và “Bố ơi trở lại”. Cơ quan này cho rằng, các chương trình truyền hình thực tế này đã xâm phạm đến quyền riêng tư của trẻ em, lợi dụng trẻ em để kiếm tiền và lăng xê trẻ em theo kiểu “một bước thành sao” gây ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ...

Nhiều đơn vị sản xuất gameshow ở Việt Nam khẳng định rằng, họ xây dựng nên các chương trình dành cho trẻ em là nhằm tạo sân chơi cho các em nhỏ, giúp các em phát triển tài năng. Nhưng thực tế, các chương trình gameshow dành cho trẻ em đang giúp các nhà sản xuất kiếm bộn tiền. Nhiều thống kế cho thấy, năm 2015, đều phát sóng khung giờ vàng trên VTV3, nhưng trong khi “Bước nhảy hoàn vũ” chỉ đạt 4.7% rating toàn quốc thì “Bước nhảy hoàn vũ nhí” ngay khi phát sóng đã đạt 6.5%. Tương tự, “Giọng hát Việt mùa 3” cũng chỉ đạt rating 4.5% trong khi “Giọng hát Việt nhí” lại là 5.4%.

Để con trẻ khóc là sự thất bại của người lớn?

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim Truyền hình Việt Nam (VFC) cho rằng, việc thực hiện các chương trình truyền hình liên quan đến trẻ em luôn phải cẩn trọng bởi mặt trái của nó là dễ gây phản ứng do sa đà vào yếu tố câu khách nhằm tạo ra giá trị thương mại. Đôi khi, nhà sản xuất không cố ý nhưng đã vô tình tạo cho các bé những vẻ ngoài hào nhoáng, ngộ nhận tài năng, sự nổi tiếng…

Thí sinh nhí khóc trong hậu trường Thần tượng âm nhạc nhí. Ảnh: TL.
Thí sinh nhí khóc trong hậu trường Thần tượng âm nhạc nhí. Ảnh: TL.

Ông Nguyễn Trọng An - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng, các chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam đang khiến cho nhiều trẻ bị sang chấn tâm lý. Nguyên do dẫn đến sự việc này là do các nhà sản xuất thường phớt lờ những quy chuẩn đối với một chương trình gameshow dành cho trẻ em.

“Các con không có chuyên gia tâm lý tư vấn trước khi lên sân khấu, càng không được mua bảo hiểm theo đúng luật đối với các tiết mục mạo hiểm. Và điều quan trọng hơn là nhà sản xuất đã không hề cân nhắc cẩn trọng đối với lịch tập, lịch diễn và lịch truyền thông dày đặc khiến con trẻ chạy theo cực kỳ vất vả và mệt nhọc. Thậm chí, ngay cả khi con trẻ có những chấn động về tâm lý thì nhà sản xuất cũng “thẩy” hết cho phụ huynh và phủi sạch tay trách nhiệm.

Về phía phụ huynh, nhiều bậc phụ huynh Việt Nam xưa nay vẫn nghĩ, cho con trẻ tham gia các “sân chơi” truyền hình thực tế sẽ giúp con tha hồ thể hiện tài năng, sở trường, thế mạnh... và biết đâu lại có thể “một bước thành sao, cả nhà cùng sáng”.

Nhưng thực tế thì các con bước vào “sân chơi” nhưng không hoàn toàn được “chơi” mà phải “lao tâm khổ tứ” làm theo ý đồ và kịch bản của nhà sản xuất. Trên bình diện chung, nhất là khi đặt trong bối cảnh các chương trình truyền hình thực tế “nặng” yếu tố thương mại như hiện nay thì rõ ràng đây là một sự lạm dụng, bóc lột và xâm phạm đến quyền riêng tư của trẻ.

Con trẻ với bản tính hồn nhiên, trong sáng, nhí nhảnh... nên không thể ý thức được mình sẽ bị lạm dụng như thế nào khi tham gia truyền hình thực tế. Nhưng nhiều ông bố bà mẹ cũng không ý thức được việc này nên mới gián tiếp để các nhà sản xuất chương trình lạm dụng con mình. Chúng ta có thể thấy, các chương trình truyền hình thực tế dành cho trẻ em ở Việt Nam hiện nay đa phần là bản sao của các chương trình dành cho người lớn.

Tôi cho rằng, việc để cho con trẻ rơi nước mắt trên truyền hình hoặc lo sợ hoặc thất vọng là một sự thất bại của người lớn. Nó thể hiện sự phản tác dụng một cách nhìn thấy rõ của những thứ gọi là “sân chơi” mà không phải “sân chơi”, ông An chia sẻ.

Một số bậc phụ huynh cũng nhìn nhận rằng, các nhà sản xuất gameshow ngày nay toàn lấy ý tưởng của người lớn nhồi nhét vào đầu con trẻ, bắt các con lao tâm khổ tử, tập luyện cật lực và thậm chí còn sử dụng chiêu trò để tăng sự hấp dẫn cho chương trình. Thực tế, đã có không ít trường hợp, khi đồng hành cùng con trong các chương trình truyền hình, các ông bố bà mẹ mới “ngộ” ra sự thật khắc nghiệt ở phía sau hậu trường của gameshow truyền hình. Bằng chứng là năm 2013, những đoạn nhật ký của anh Lương Quốc Thái (phụ huynh của bé Lương Thùy Mai, thí sinh tham gia “Giọng hát Việt nhí”) “vạch” rõ những mảng tối phía sau hậu trường của cuộc thi này đã khiến hàng triệu người trên khắp cả nước phải xôn xao cả tháng trời.

Bản thân nhạc sỹ Thanh Bùi, sau một mùa làm HLV cho cho Giọng hát Việt nhí 2013 cũng đã tuyên bố sẽ không bao giờ làm giám khảo cho các chương trình của trẻ em nữa. Lý do là vì anh nhận thấy bản chất của các gameshow thực chất là kinh doanh nên rất ít giá trị nghệ thuật. Chính vì vậy mà nó sẽ không bao giờ lành mạnh và công bằng được. Bản thân nam ca sĩ Việt kiều này cũng thẳng thắn đề nghị “đã đến lúc nên dừng các chương trình truyền hình thực tế dành cho trẻ em lại để trẻ có thời gian học hỏi cơ bản, định hướng bản thân”.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm