Danh hiệu càng dễ dãi... nhan sắc Việt lại càng thảm hoạ

(Dân trí) - Thực tế này khiến cho nhan sắc Việt không còn là niềm tự hào mà trở thành nỗi buồn và nỗi lo khi danh hiệu của các cuộc thi nhan sắc đang ngày càng dễ dãi.

Danh hiệu nhiều như “lá mùa thu”

Theo quy định hiện hành, mỗi năm sẽ chỉ có 2 cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia được cấp phép tổ chức. Năm 2017, cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 và Hoa hậu Đại Dương Việt Nam 2017 là hai cuộc thi cấp quốc gia được cấp phép. Tuy nhiên, hàng ngày, thông tin về các người đẹp/siêu mẫu đoạt giải tại các cuộc thi nhan sắc vẫn xuất hiện nhan nhản trên các phương tiện truyền thông.

Nhan sắc của Hoa hậu Quý bà Hoàn vũ Thế giới 2017 Lưu Hoàng Trâm sau khi đăng quang.
Nhan sắc của Hoa hậu Quý bà Hoàn vũ Thế giới 2017 Lưu Hoàng Trâm sau khi đăng quang.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay đã có tới gần 20 người đẹp/ siêu mẫu đoạt các thể loại danh hiệu tại các cuộc thi trong và ngoài nước. Có thể kể đến như: Khánh Ngân đăng quang Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017; Phạm Anh Thư đăng quang Hoa hậu Phụ nữ Sắc Đẹp 2017 (Miss Beauty Woman) tại Thái Lan; Tiến Đạt giành Á vương 2 và giải phụ Best Swimsuit của Mister Grand International 2017 tại Philipine; Lương Gia Huy đăng quang Nam vương Đại sứ Hoàn vũ (Mister Universal Ambassador); Hữu Long giành giải Á vương 1 của Man of The World 2017; Lưu Hoàng Trâm đăng quang tại Hoa hậu Quý bà Hoàn vũ Thế giới 2017 (Mrs Universe) tại Nam Phi; Lâm Hải Vi giành danh hiệu Hoa hậu Doanh Nhân Hoàn Vũ 2017 (Ms Universe Business 2017) tại Nhật Bản; Hoàng Thủy đăng quang Hoa hậu Doanh nhân người Việt Thế giới 2017 (Ms Vietnam World Business 2017); Nguyễn Dương Tiểu Vy đoạt danh hiệu “Người đẹp xứ Trà”; Hoàng Thu Thảo đăng quang Nữ hoàng sắc đẹp toàn cầu 2017 (Miss Global Beauty Queen 2017) tại Hàn Quốc; Lê Âu Ngân Anh đăng quang Hoa hậu Đại Dương 2017...

Bên cạnh đó, còn có 7 nhan sắc Việt được cấp phép là đại diện duy nhất của Việt Nam tại các cuộc thi nhan sắc danh giá của thế giới như: Nguyễn Trần Huyền My - Miss Grand International 2017 (Hoa hậu Hòa bình Quốc tế); Đỗ Mỹ Linh - Miss World 2017 (Hoa hậu Thế giới); Thùy Dung - Miss International 2017 (Hoa hậu Quốc tế); Nguyễn Thị Loan - Miss Universe 2017 (Hoa hậu Hoàn vũ); Khánh Ngân - Miss World Tourism Ambassador 2017 (Hoa hậu Đại sứ Du lịch Thế giới); Tường Linh - Miss Intercontinental (Hoa hậu Liên lục địa); Hà Thu - Miss Earth 2017 (Hoa hậu Trái đất).

Đáng ra, khi nhìn vào hàng loạt danh hiệu mà các người đẹp/người mẫu Việt đã đạt được tại các cuộc thi nhan sắc, người ta sẽ cảm thấy hãnh diện bởi không phải quốc gia nào cũng có được điều đó. Tuy nhiên, thực tế này lại đang bị xem là một điều đáng buồn bởi số lượng danh hiệu nghịch chiều với chất lượng nhan sắc. Và thậm chí phía sau những danh hiệu kia là những câu chuyện mang tính trao đổi mà ai cũng biết.

“Có danh hiệu để hồi vốn bây giờ không quá khó!”

Chung kết cuộc thi “Duyên dáng Doanh nhân Việt Nam” diễn ra vào năm 2016 đã khiến nhiều người chỉ biết cười trừ. Đêm thi chung kết có sự tham gia của 50 thí sinh mà có tới 33 doanh nhân “ẵm” 33 danh hiệu Hoa khôi, Á khôi. Để hợp thức hóa các danh hiệu ấy, ban tổ chức “đẻ” ra rất nhiều danh hiệu khiến khán giả ai nấy đều thấy “chối” khi MC xướng lên. Trước “bi hài” ấy, Thanh tra Bộ VHTT&DL đã có công văn gửi Sở VH&TT TP.HCM yêu cầu giải trình.

Trước đó, vào năm 2014, ngay sau khi vừa đoạt danh hiệu Người đẹp hình thể của Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam, Ngọc Bích đã ngay lập tức vứt danh hiệu mình có được vào xe rác. Câu chuyện trở nên lùm xùm khi những câu chuyện mua bán danh hiệu được “khui” ra trên các mặt báo. Các người đẹp đăng quang tại cuộc thi cũng mất hút sau đó không lâu.

Lê Âu Ngân Anh vừa đăng quang đã gây tranh cãi.
Lê Âu Ngân Anh vừa đăng quang đã gây tranh cãi.

Nhiều người gọi chuyện danh hiệu người đẹp tràn lan và rẻ rúng như hiện nay là “loạn danh hiệu ao làng”. Một số cuộc thi thực chất là do các công ty truyền thông tự đứng ra tổ chức để thu phí của thí sinh. Một số khác chỉ tổ chức ngầm trong giới nhưng vẫn ngang nhiên phong danh hiệu nọ, danh hiệu kia rất “kêu”. Nhiều người đi thi thậm chí không phải vì có nhan sắc mà vì có “điều kiện” và muốn có một danh hiệu để dễ bề làm ăn hoặc có cơ hội bước vào showbiz.

Điều đáng nói là có những trường hợp dù đã qua nhiều lần phẫu thuật thẩm mỹ nhưng vẫn được trao danh hiệu nọ, danh hiệu kia. Thậm chí, có người đăng quang hoa hậu, nữ hoàng, người đẹp… mà nhan sắc thảm hại hơn cả người bình thường.

Chuyện Lê Âu Ngân Anh vừa đăng quang Hoa hậu Đại Dương 2017 đã gây ra một làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng mạng mới đây là một ví dụ điển hình. Chính người đẹp này thú nhận có “dao kéo” mũi nhưng sau đó cư dân mạng đã lôi ra hàng loạt ảnh chứng minh người đẹp này còn thẩm mỹ nhiều bộ phận khác. Và dù đã thẩm mỹ, nhưng nhan sắc của cô vẫn không hoàn toàn thuyết phục khi được trao ngôi vị Hoa hậu. Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đã ngay lập tức vào cuộc đề nghị BTC làm rõ vấn đề người đẹp này phẫu thuật thẩm mỹ bởi theo quy định “Hoa hậu cấp quốc gia phải là người mang vẻ đẹp tự nhiên”.

Hoa hậu thân thiện Dương Thùy Linh cho rằng, chủ yếu ở các nước đang phát triển, các cuộc thi hoa hậu, sắc đẹp mới được quan tâm nhiều. Và rõ ràng, khi số lượng các cuộc thi ít, vài năm mới tổ chức một lần, chúng ta sẽ tập trung được những người xuất sắc nhất và chất lượng cuộc thi nhờ thế mà đảm bảo.

“Giờ thì một năm quá nhiều cuộc thi nhan sắc. Trẻ em còn không kịp lớn để đáp ứng số lượng thí sinh tham gia thì khó mà có được kết quả thỏa mãn như trước đây. Chưa kể vì danh hiệu là một cách rút ngắn con đường sự nghiệp quá nhanh nên giờ họ bằng mọi cách để có được danh hiệu. Có danh hiệu để hồi vốn bây giờ không quá khó. Và khi chúng ta nhìn các hoa hậu đàn chị đi trước lớn tuổi đứng cạnh các hoa hậu, hoa khôi, nữ hoàng trẻ măng vẫn thấy các chị đẹp hơn. Đấy là một sự xót xa”, Hoa hậu Dương Thùy Linh chia sẻ.

Hà Tùng Long