Cơ quan quản lý nói gì trước việc khách sạn có tivi phải trả phí tác quyền âm nhạc?

(Dân trí) - Đại diện cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, nhạc sỹ Phó Đức Phương đã có những phản hồi quanh những thắc mắc của chủ khách sạn/cơ sở lưu trú ở Đà Nẵng về việc phải nộp phí tác quyền âm nhạc ở khách sạn.

Vừa qua, các cơ sở lưu trú trên địa bàn TP. Đà Nẵng nhận được công văn của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc chi nhánh phía Nam yêu cầu thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả khi sử dụng âm nhạc trong kinh doanh.

Theo đó, các cơ sở lưu trú phải thực hiện nghĩa vụ trả phí tác quyền âm nhạc bao gồm: nhạc nền thông qua bản ghi âm, ghi hình; nhạc sống tại quầy bar, phòng karaoke, phòng ngủ của khách, dịch vụ hội nghị hội thảo... theo Luật Sở hữu trí tuệ. Đáng chú ý, trong đó có cả quy định mức nhuận bút cho phòng ngủ/phòng khách ở các cơ sở lưu trú có sử dụng ti vi là 25.000 đồng/phòng/năm.

Một số chủ khách sạn/cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã không đồng thuận với quy định này, đặc biệt khoản thu đối với phòng nghỉ của khách sạn có sử dụng ti vi.

Nhạc sỹ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Ảnh: TL.
Nhạc sỹ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Ảnh: TL.

Sáng nay (25/5), nhạc sỹ Phó Đức Phương – Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã có những phản hồi chính thức về vấn đề này. Theo nhạc sỹ Phó Đức Phương, việc thu phí tác quyền âm nhạc ở các khách sạn/cơ sở lưu trú đã được tiến hành 10 năm nay tại Hà Nội, TP.HCM và Khánh Hoà.

Việc thu phí tác quyền dựa trên những quy định của pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ và tham khảo luật bảo vệ tác quyền của một số nước trên thế giới. Ngoài ra, khi đưa ra những mức giá cụ thể đối với những lĩnh vực như: dịch vụ karaoke, hàng không, khách sạn/cơ sở lưu trú… cũng căn cứ vào thực tiễn đời sống Việt Nam.

“Chúng tôi làm mọi thứ đều theo quy định của pháp luật và có lộ trình rõ ràng. Khi tiến hành thu phí tác quyền tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, chúng tôi họp với cơ quan quản lý địa phương, cụ thể là Sở VHTT&DL các tỉnh và các cơ sở kinh doanh, thống nhất ý kiến rồi mới đưa ra biểu giá với nhiều hình thức. Ví dụ: thành phố thuộc Trung ương khác thành phố địa phương, quận/huyện trung tâm khác quận huyện ngoại thành.

Việc thu phí tác quyền âm nhạc ở khách sạn/cơ sở lưu trú được chúng tôi tiến hành từ 10 năm nay. Đầu tiên thu ở Hà Nội, sau chuyển sang các thành phố khác. Ở Hà Nội, ngoài việc dựa trên 3 tiêu chí kể trên, chúng tôi còn thận trọng kết hợp với Hiệp hội Khách sạn để nhờ họ làm môi trường trung gian, giải thích cho các khách sạn hiểu. Thời gian đầu, chúng tôi mới chỉ thu phí tác quyền đối với khách sạn 4 – 5 sao. Những năm tới, để bình đẳng, chúng tôi tiến hành thu ở các khách sạn 2 – 3 sao.

Riêng Đà Nẵng, chúng tôi cũng đã thu được phí tác quyền ở một số khách sạn 4 – 5 sao từ 3 năm trước. Văn phòng đại diện của chúng tôi ở Đà Nẵng ra đời thì cán bộ của chúng tôi xuống tận nơi giải thích rõ ràng cho các khách sạn hiểu rồi mới thu. Ở Khánh Hoà, chúng tôi cũng đã bước đầu thu được ở một số khách sạn lớn”, nhạc sỹ Phó Đức Phương cho biết.

Theo ông Phương, chuyện một số chủ khách sạn/ cơ sở lưu trú ở Đà Nẵng chưa hiểu được vấn đề nên có những thắc mắc quanh chuyện thu phí tác quyền âm nhạc tại khách sạn. Trung tâm sẽ giải quyết vấn đề này tương tự như từng giải quyết đối với các khách sạn ở Hà Nội, TP.HCM đó là truyền thông, giải thích… rồi mới tiến hành thu.

“Tôi chưa được nghe các chủ khách sạn/cơ sở lưu trú thắc mắc trực tiếp. Nhưng nếu có sự việc đó xảy ra, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để giải thích cho người ta hiểu. Việc thu phí tác quyền tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke chúng tôi cũng phải mất 10 năm giải thích.

Về phía tác giả, theo quy định của pháp luật là có 4 loại quyền: quyền biểu diễn, quyền sao chép, quyền được kiểm soát sử dụng tác phẩm trong thu phát sóng và quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng. Ngoài ra còn một số quyền liên quan như: quyền được nhập khẩu sản phẩm, quyền được phân phối sản phẩm ra nước ngoài. Và không quyền nào dẫm lên quyền nào.

Mức phí tác quyền mà Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đưa ra đối với các khách sạn, cơ sở lưu trú. Ảnh: DT.
Mức phí tác quyền mà Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đưa ra đối với các khách sạn, cơ sở lưu trú. Ảnh: DT.

Trong các động tác các khách sạn, resort, cơ sở lưu trú… nếu sử dụng bản ghi để phát cho khách nghe, chúng tôi sẽ thu theo quyền phát sóng, quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng hoặc quyền sao chép theo Luật Sở hữu trí tuệ và theo công ước Berne.

Tôi cho rằng, một số chủ khách sạn/cơ sở lưu trú ở Đà Nẵng chưa tìm hiểu đã vội lu loa là thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức về Luật Sở hữu trí tuệ”, Đại diện Trung tâm bảo vệ tác quyền âm nhạc Việt Nam nói thêm.

Trước câu hỏi: “Nếu các chủ khách sạn/cơ sở lưu trú và phía Trung tâm chưa thống nhất được với nhau về mức phí, họ chưa chịu đóng tiền tác quyền liệu có vi phạm pháp luật không?”, ông Phương cho rằng, Trung tâm có trách nhiệm giải thích với các khách sạn/cơ sở lưu trú đến bao giờ họ đồng ý thì họ trả tiền phí tác quyền. Theo ông Phương, nhạc phát ở sảnh, nhạc ở karaoke, nhạc ở phòng ngủ… đều nằm trong quyền biểu diễn, quyền sao chép, quyền phát sóng mà tác giả phải được hưởng. Tuy nhiên, để thu được thì phải qua thời gian rất dài, có khi hàng năm để giải thích cho đối tác.

“Trước hết chúng tôi đưa ra thông điệp, sau đó đưa ra thời hạn chứ cứ nhắc đi nhắc lại là khổ ải lắm. Xin chủ khách sạn/cơ sở lưu trú đến thời hạn này thì phải trả lời. Đến thời hạn này thì phải làm việc với Trung tâm để thống nhất phương thức trả tiền. Đến thời hạn đó rồi mà không trả tiền có nghĩa là cố ý thoái thác, chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước để xử lý theo luật pháp. Hiện chi nhánh của Trung tâm của chúng tôi ở Đà Nẵng đang làm công tác truyền thông”.

Theo vị nhạc sỹ này, trong năm 2016, Trung tâm Bảo vệ tác quyền âm nhạc khu vực phía Nam đã ký được 284 hợp đồng (tương đương với 284 khách sạn) thu được xấp xỉ 3 tỷ tiền tác quyền âm nhạc ở các khách sạn 4 – 5 sao. Khách sạn đóng tiền tác quyền âm nhạc nhiều nhất năm ngoái là khách sạn Caravell – Q.1, TP.HCM với mức hơn 200 triệu.

Ông Phương khẳng định, hàng năm, Trung tâm của ông có báo cáo gửi Cục Bản quyền – Bộ VHTT&DL, Hội Nhạc sỹ Việt nam, các tổ chức quốc tế và gửi gián tiếp cho các tác giả thông qua website của Trung tâm. Tất cả mọi hoạt động thu chi đều cố gắng công khai và minh bạch.

Xoay quanh việc các chủ cơ sở lưu trú phản ứng về việc VCPMC yêu cầu thu phí tác quyền âm nhạc đối với phòng ngủ/ phòng khách có sử dụng… tivi, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc VCPMC khu vực phía Nam đã có những trao đổi thẳng thắn.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết: “Việc khách sạn lắp đặt tivi tại các phòng lưu trú, thông qua tivi có các kênh âm nhạc, chương trình truyền hình có sử dụng các tác phẩm âm nhạc như Game show, các chương trình vui chơi giải trí khác…. nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức âm nhạc của khách hàng sử dụng phòng lưu trú, đây là việc sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng của các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả được quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 20 của Luật SHTT và hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 23 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP. Khi sử dụng quyền này, khách sạn có nghĩa vụ phải xin phép và trả tiền nhuận bút cho tác giả/ chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định tại Khoản 3 Điều 20 Luật SHTT.

Đối với các kênh truyền hình, VCPMC chỉ cấp phép giới hạn ở việc sử dụng quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 của Điều 20 Luật SHTT được hướng dẫn tại Khoản 4 Điều 23 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP, nội dung này được quy định rõ hợp đồng sử dụng tác phẩm âm nhạc mà VCPMC ký kết với các đài phát thanh & truyền hình trên lãnh thổ Việt Nam và không bao gồm quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng đối với việc sử dụng các tác phẩm âm nhạc trong khách sạn, nhà hàng, quán bar… thông qua các kênh truyền hình.

Khoản chi phí mà khách sạn phải trả cho truyền hình cáp thông qua hợp đồng cung cấp dịch vụ truyền hình cáp chỉ là khoản tiền để được nhận tín hiệu hoặc đường truyền từ nhà cung cấp, không bao gồm tiền nhuận bút trả cho việc sử dụng tác phẩm âm nhạc. Hơn nữa, các khách sạn tại Việt Nam cũng như trên thế giới đã và đang thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quyền tác giả âm nhạc khi sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng thông qua tivi.

Về mức nhuận bút 25.000 đồng/phòng lưu trú/năm mà VCPMC đang áp dụng. VCPMC đã tham khảo mức thu tác quyền của các nước trong khu vực, cân nhắc đến tần suất sử dụng âm nhạc của khách lưu trú trong khách sạn. Vì vậy, từ nhiều năm nay VCPMC không tăng mà vẫn giữ nguyên mức thu nhuận bút sử dụng quyền tác giả âm nhạc là 25.000 đồng/phòng lưu trú/năm.”

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn nói thêm, việc thu tiền tác quyền này đã được thực hiện ở nhiều tỉnh thành như TP.HCM, Hà Nội, Vũng Tàu, Bình Dương, Phan Thiết, Lâm Đồng… hơn 10 năm nay. Riêng ở Đà Nẵng vì Trung tâm mới mở văn phòng ở đây nên việc thu phí muộn hơn các tỉnh thành khác.

“Trước mỗi lần thu phí như vậy, chúng tôi đều tổ chức gặp mặt trực tiếp để giải thích, nhưng nhiều doanh nghiệp không đến để nghe nên không hiểu, phản ứng là cũng dễ hiểu!” ông Đinh Trung Cẩn chia sẻ.

Nguyễn Hằng

Hà Tùng Long