Chuyên gia lên án “bệnh” bạ đâu thắp hương cúng đó của người Việt

(Dân trí) - Nhiều chuyên gia cho rằng, "bệnh" bạ đâu cúng đó của người Việt bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết và cuồng tín. Vì lẽ đó, để "trị" được bệnh này, bên cạnh việc tuyên truyền và nhắc nhở thì cũng cần phải có hình thức xử phạt để tránh sự nhếch nhác cho các di tích.

Bạ đâu cúng đó là cuồng tín?

Những ngày qua, cộng đồng mạng lan truyền nhau hình ảnh tấm bia “Hạ mã” (xuống ngựa) ở di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám được người dân đặt bát hương thờ cúng rất trịnh trọng.

Chưa dừng lại ở đó, một hình ảnh khác liên quan đến chuyện người dân đua nhau cắm hương “cúng” một cây đa mới trồng trong khuôn viên của một di tích cũng được chia sẻ rất rộng rãi trên mạng xã hội. Câu chuyện này đã làm dấy lên nhiều bàn tán về căn “bệnh” bạ đâu cúng đó của người Việt.

Theo một số chuyên gia nghiên cứu văn hoá, đây không phải chuyện mới xảy ra trong đời sống. Trước đây đã từng có nhiều nhà quản lý than phiền về việc người dân khi đến các cơ sở thờ tự đã tự ý cắm hương lên miệng hổ - rồng - phượng - nghê… đắp nổi trước cổng hoặc bình phong.

Người dân mang hoa huệ, hoa đào, nến, chén rượu, bát hương... đến cúng ở bia Hạ mã trước di tích văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ảnh: Tùng Long.
Người dân mang hoa huệ, hoa đào, nến, chén rượu, bát hương... đến cúng ở bia "Hạ mã" trước di tích văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ảnh: Tùng Long.

Nhiều người thậm chí còn cắm hương vái lạy cả những cây cảnh được đặt trong di tích. Thực tế này khiến cho di tích nhiều khi bất đắc dĩ mang một “bộ mặt” nhem nhuốc và nhếch nhác.

GS.TS Nguyễn Chí Bền - Nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam phân tích rằng, thói cuồng tín của người Việt đã khiến cho “bệnh” bạ đâu cúng đó đang có nguy cơ lan rộng.

“Trước tiên, hương được xem là lễ vật mang tính cầu nối trung gian giữa người trần gian với các vị thần hoặc những người đã khuất bóng. Có thể hiểu nôm na, hương chính là cầu nối giữa “cõi tục” và “cõi thiêng”.

Vì thế, việc thắp hương cúng bái cũng có những tập tục mang tính văn hoá tâm linh, dù không được quy định trong văn bản. Việc cắm hương vô tội vạ, bạ đâu cắm đó… không những không đạt được hiệu quả mong muốn mà thậm chí còn phạm phải những điều kiêng kỵ.

Những tấm bia “Hạ mã” ngày xưa được đặt ở đầu cổng làng hoặc phía trước một di tích để nhắc nhớ những người đi xa (nhất là các vị quan chức) về đến đó phải xuống ngựa trước khi đi vào làng hoặc vào di tích. Đó không phải là không gian thiêng thờ một vị thần nào ở đó cả.

Hoặc trong dân gian có tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” nên ở nhiều nơi vẫn thờ cây nhưng đó là những cây cổ thụ - lâu năm. Người ta quan niệm “thần cây đa, ma cây gạo” nghĩa là ở những loại cây đó nếu tồn tại lâu năm sẽ có thần - ma trú ngụ. Vì thế, người ta lập bát hương dưới gốc cây để cúng những vị ấy. Nếu là thần thì phù hộ cho con người, nếu là ma xin đừng quấy phá. Còn những loại cây mới trồng thì lấy đâu ra ma và thần về trú mà cúng vái, lạy lục…”, GS Nguyễn Chí Bền nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Thị Yên - Trưởng phòng Nghiên cứu Văn hoá tín ngưỡng, Viện Nghiên cứu Văn hoá cho rằng, việc “bạ đâu cúng đó” của người Việt Nam tồn tại từ khá lâu. Điều này bắt nguồn từ việc không chịu tìm hiểu hoặc không có hiểu biết về văn hoá tín ngưỡng.

“Nhiều người đi đến đâu thấy người ta khấn khứa là cũng khấn, thấy người ta đặt lễ mình cũng đặt lễ, thấy người ta cắm hương mình cũng đốt hương… mà không chịu tìm hiểu xem vị thần chủ ở đó là ai.

Thậm chí, nhiều người không biết ở đó có thờ cúng vị thần chủ nào không nhưng vẫn vái lạy xì xụp, xin đủ các thứ trên trời dưới biển. Và ví dụ điển hình chính là những hình ảnh được lan truyền trên mạng vừa qua khi tấm bia “Hạ mã”, cây đa mới trồng và cây cảnh trong chùa đền cũng được cắm chi chít hương”, PGS Nguyễn Thị Yên nói.

Phải nhắc nhở hoặc có hình thức phạt để răn đe

Một chuyên gia văn hoá cho rằng, cho đến bây giờ ông vẫn không thể hiểu nổi vì sao người Việt mỗi khi đi lễ chùa, đền, miếu, phủ… lại cứ đua nhau cắm hương vào miệng hổ - rồng - phượng đắp nổi ở bình phong hoặc miệng nghê - chó đá trước cổng di tích. Thực tế, trong tín ngưỡng dân gian, đây là những vật thiêng được phối thờ hoặc trang trí trong điểm thờ tự với những chức năng khác nhau. Tuy nhiên, nếu xem đó là những vật thiêng thì chỉ cần đến đó vái một vái thật thành kính là được chứ không nên cắm hương vào miệng.

Gốc cây cảnh cũng được cắm hương chi chít. Ảnh: Nguyễn Hiếu.
Gốc cây cảnh cũng được cắm hương chi chít. Ảnh: Nguyễn Hiếu.

“Người có ngậm nổi hương không mà bắt vật thiêng ngậm hương… Mỗi người một nén hương, trăm người trăm nén hương… vậy là miệng các vật thiêng ngày nào cũng phải “ăn hương”. Đó là hành động báng bổ vật thiêng chứ không phải thành kính cúng dường. Cúng mà như thế khác nào tàn phá cảnh quan và di tích mà lại không được lợi lạc gì”, chuyên gia này nói.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc thắp hương cúng bái theo kiểu “bạ đâu cúng đó” sẽ làm cho cảnh quan của di tích trở nên nhếch nhác và cũng phản ánh phần nào sự cuồng tín thái qua của một số người.

Với những di tích nổi tiếng có lượng khách tham quan rất đông như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc… ở Hà Nội thì hành động đó vô tình làm xấu đi bộ mặc của di tích trong mắt bạn bè quốc tế. Bởi lẽ đó mà cần phải có hành vi tuyên truyền lẫn ngăn chặn để người dân có hiểu biết trong việc thờ cúng - cúng bái.

Phía Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, người của BQL di tích đã rất nhiều lần nhắc nhở người dân không nên mang lễ vật đến cúng kiếng ở tấm bia “Hạ mã” nằm bên phải cổng di tích bởi đó không phải điểm thờ tự. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn cố tình mang bát hương đến cắm và đến cúng kiếng một cách bí mật.

GS Nguyễn Chí Bền cho rằng, điều quan trọng nhất trong việc thay đổi thói quen lễ lạt của người dân khi đến các điểm thờ tự là những người trông coi hoặc quản lý di tích phải hướng dẫn cho những người hiểu rõ chỗ nào nên thắp hương cúng bái để được lợi lạc, chỗ nào cắm hương cúng bái sẽ dẫn đến sai lệch về niềm tin tín ngưỡng.

“Theo tôi là không phải bất kỳ chỗ nào cũng cắm hương. Việc cắm hương ở đâu và cúng vái như thế nào cũng cần phải có sự hiểu biết. Không nên theo phong trào hoặc thấy người khác cúng mình cũng cúng”, GS Bền nói.

PGS Nguyễn Thị Yên cũng nhấn mạnh rằng, về tương lai, cần phải gắn những tấm biển hướng dẫn cho người dân khi đến các điểm di tích - điểm thờ tự hoặc các biển nhắc nhở để người dân không nên mê tín quá.

“Với vị thần nào thì xin cái gì và chỗ nào thì nên cắm hương. Tức là cung cấp cho người dân những kiến thức nhất định để họ đặt niềm tin tâm linh của mình đúng chỗ, không nền mù quáng theo đám đông hoặc mù quáng trong sự hiểu biết có hạn của mình”, PGS Yên bày tỏ thêm.

Một chuyên gia cho rằng, không thể cứ mãi nhắc nhở và tuyên truyền mà cần phải có hình thức xử phạt đối với những hành vi mê tín, làm ảnh hưởng tới cảnh quan và bộ mặt của các di tích, nhất là các di tích quốc gia nổi tiếng.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm