Chuyện cụ bà 70 tuổi bị lừa và nỗi xót xa của hai chữ “nghệ nhân”

(Dân trí) - Câu chuyện về một nghệ nhân đã 70 tuổi bị chương trình “Tôn vinh nghệ nhân dân gian” của một công ty truyền thông lừa lấy 10 triệu đồng tiền tiết kiệm và những rắc rối trong việc xét tặng Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân khiến nhiều người xót xa.

10 triệu tiền tiết kiệm và niềm vui ngắn tày gang tay

Việc một công ty truyền thông tư nhân, lấy danh nghĩa Bộ VH,TT&DL, Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa tôn giáo Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc gửi hồ sơ “vòi tiền” các cá nhân (tổ chức) dưới hình thức trao bằng chứng nhận nghệ nhân văn hóa dân gian mới đây phần nào phản ánh thực trạng về “cơn khát” được vinh danh của nhiều nghệ nhân.

Dấu tích của một chương trình vinh danh nghệ nhân vừa bị tuỵt còi.
Dấu tích của một chương trình vinh danh nghệ nhân vừa bị tuỵt còi.

Sự việc này dù đã được chấn chỉnh kịp thời nhưng cũng đã để lại nhiều câu chuyện đau lòng. Trong đó câu chuyện về một nghệ nhân 70 tuổi vì quá tin vào những lời ngon ngọt của đội ngũ “tiếp thị” chương trình nên đã “bấm bụng” đem 10 triệu tiền tiết kiệm phòng thân khi về già “tài trợ” cho công ty để được vinh danh. Theo “gợi ý” trong bản đăng ký của công ty truyền thông tư nhân này gửi cho các nghệ nhân và doanh nghiệp thì mức hỗ trợ (tài trợ) truyền thông cho chương trình tối thiểu là 30 triệu, tối đa 1 tỷ. Tuy nhiên, vì xét thấy hoàn cảnh của nữ nghệ nhân này “đáng thương” nên công ty này đã phá lệ nhận 10 triệu đồng của bà và cho bà được vinh danh.

Người nghệ nhân già sau khi đem toàn bộ số tiền cả một đời chắt chiu, dành dụm, ki cóp... nộp cho chương trình đã vui mừng khôn xiết. Bà bỏ cả nửa tháng trời chuẩn bị để chờ ngày được ra Hà Nội gặp Chủ tịch nước nhận bằng vinh danh. Điều đau đớn nhất là khi chương trình bị Thanh tra Bộ VH,TT&DL đình chỉ mà bà vẫn chưa biết. Cho đến khi báo chí báo tin bà mới nước mắt ngắn dài vì đầu hai sợi bạc vẫn bị lừa.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên công ty truyền thông này dùng chiêu tổ chức chương trình vinh danh nghệ nhân văn hóa dân gian này để vòi tiền các cá nhân và doanh nghiệp. Một độc giả tên Bùi Thu Trang chia sẻ rằng, vào năm 2012, khi vừa tốt nghiệp đại học chị đã làm ở công ty này tầm 3 tháng. Lúc đó, công ty này cũng đang thực hiện đúng chương trình này để mời gọi vinh danh nghệ nhân. Sau đó, chị Trang thấy mình như đang đi “lừa đảo người khác” nên đã xin nghỉ việc. Trong ngần đấy năm, chẳng ai có thể tưởng tượng được có bao nhiêu câu chuyện đau lòng như trường hợp nghệ nhân 70 tuổi kể trên đã xảy ra. Và điều gì khiến nhiều người khát khao được vinh danh nghệ nhân đến vậy?

Xót xa hai chữ “nghệ nhân”

Phải thừa nhận rằng có một bộ phận không nhỏ người Việt Nam rất háo danh, không chỉ trong lĩnh vực văn hoá. Vì thế mà đã từng có rất nhiều “chương trình vinh danh” ở nhiều lĩnh vực được các công ty tư nhân tổ chức hàng năm dưới cùng một hình thức mang tên “tài trợ để được vinh danh”. Câu chuyện sẽ chẳng có gì đáng bàn khi người ta xem đó là một hình thức mua bán danh tiếng “vô thưởng vô phạt” đang đầy rẫy ngoài xã hội. Nhưng với câu chuyện vinh danh nghệ nhân thì lại khác.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Vượn (90 tuổi) ở Phú Xuyên (Hà Nội) bao năm qua vẫn gìn giữ những tấm bằng khen như báu vật. Ảnh: Mỵ Lương.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Vượn (90 tuổi) ở Phú Xuyên (Hà Nội) bao năm qua vẫn gìn giữ những tấm bằng khen như báu vật. Ảnh: Mỵ Lương.

Ở Việt Nam, vào năm 2000, khi nhận thấy các “báu vật nhân văn sống” (cách gọi “Nghệ nhân dân gian” của UNESCO) đang đứng trước nguy cơ dần bị rơi rụng vì tuổi già, chính GS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội đã đệ trình lên Bộ VH,TT&DL kế hoạch vinh danh các “Nghệ nhân dân gian” - những người cả một đời cống hiến và gìn giữ những vốn cổ văn hóa quý báu của dân tộc và đã được đồng ý. Trong 15 năm qua, Hội Văn nghệ dân gian đã phong tặng và vinh danh được 320 “Nghệ nhân dân gian” ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tiếp theo, vào trung tuần tháng 11 vừa qua, Hội đồng cấp Nhà nước đã phê chuẩn việc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) (không có danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân - NNND) cấp Nhà nước cho 617 cá nhân ở 56 tỉnh thành, trong đó 17 cá nhân được truy tặng.

So với 12 năm trời ròng rã kiên trì “đấu tranh” của nhiều tổ chức, cá nhân và báo đài để nghị định xét tặng các danh hiệu NNƯT, NNND trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được đưa từ văn bản ra thực tế thì đây là một thành công đáng kể. Tuy nhiên, so với hàng nghìn nghệ nhân có nhiều đóng góp to lớn trên nhiều lĩnh vực di sản như: âm nhạc, chơi nhạc cụ, ẩm thực, múa rối, nặn tò he, làm diều sáo, nghề thủ công truyền thống, nắm giữ tri thức dân gian và sở hữu nghệ thuật trình diễn dân gian nằm rải rác trên khắp cả nước thì con số 320 và 617 chưa thấm tháp vào đâu.

Nghệ nhân Đào Thị Sại (Nam Định) - người từng được xem là pho từ điển sống về hát Văn.
Nghệ nhân Đào Thị Sại (Nam Định) - người từng được xem là "pho từ điển sống" về hát Văn.

Hơn thế nữa, việc xét tặng có quá nhiều thủ tục nhiêu khê, phức tạp và cứng nhắc về tiêu chí xét duyệt khiến cho nhiều nghệ nhân bị thiệt thòi. Theo đó, việc xét duyệt các danh hiệu NNƯT, NNND sẽ được tiến hành 3 năm/lần, với 3 vòng xét duyệt từ các Hội đồng cấp cơ sở, cấp Bộ và cấp Nhà nước. Bên cạnh đó còn một loạt các thủ tục về bằng khen, giấy tờ chứng nhận, băng đĩa hình, bản kê khai thành tích (để chứng minh tri thức, kỹ năng và đóng góp của nghệ nhân đối với sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể) … cần có trong hồ sơ. Rồi cả việc phải qua NNƯT một thời gian mới được “nâng cấp” thành NNND cũng tạo nên những sự phiền hà khó gọi tên. Đó là chưa kể cơ chế xin cho vẫn khiến cho việc phong tặng và vinh danh mang nặng thủ tục hành chính.

Chính điều này khiến một số trường hợp được xem là “báu vật nhân văn sống” vô cùng quý giá như: nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc (một trong ba “báu vật” của Giáo phường ca trù Thăng Long), nghệ nhân đàn đáy Vũ Văn Hồng, nghệ nhân quan họ Nguyễn Thị Nguyên (một trong hai báu vật cuối cùng của làng quan họ)... ra đi mang theo những nỗi niềm của cả một đời cống hiến. Ngoài ra, các nghệ nhân còn lại đều đang ở vào tuổi “gần đất xa trời” nên bắt các nghệ nhân phải chờ đợi để được vinh danh cũng khiến việc truy tặng trở nên hình thức bởi họ chẳng sống được bao lâu để hưởng các chế độ của một nghệ nhân.

Cố nghệ nhân Xẩm Hà Thị Cầu và nghệ nhân Kim Sinh.
Cố nghệ nhân Xẩm Hà Thị Cầu và nghệ nhân Kim Sinh.

Và đó là lý do vì sao những nghệ nhân chân chính vẫn chưa bao giờ thôi khát khao được một lần ôm trong mình tấm bằng nghệ nhân do Nhà nước trao tặng cho những chính cống hiến của họ. Càng bất nhẫn hơn khi nhiều đơn vị kinh doanh nắm được điểm yếu này để lừa đảo, vòi tiền… khiến cho không ít nghệ nhân mất tiền mà vẫn ôm nỗi ngậm ngùi tiếc nuối.

Nhiều nhà nghiên cứu đã tỏ ra xót xa khi đến thời điểm này nhiều nghệ nhân vẫn phải sống trong chờ đợi và bị nhiều người không tốt lợi dụng.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, phần lớn các nghệ nhân đều lớn tuổi và sống nhiều ở khu vực nông thôn, trong số đó rất nhiều người có cuộc sống khó khăn nên sự vinh danh đối với họ như một liều thuốc tinh thần quý báu. Vì lẽ đó, chuyện họ “khát” danh hiệu âu cũng là dễ hiểu. Nhưng thật xót xa khi “cơn khát” đó vẫn chưa bao giờ được “giã khát” vì vẫn còn quá nhiều những thứ thủ tục hành chính rườm rà. Đó không chỉ là nỗi xót xa của cá nhân mỗi nghệ nhân mà là nỗi xót xa của toàn xã hội.

Hà Tùng Long