Cannes chờ đợi sự phát triển của điện ảnh Việt Nam

(Dân trí) - Khi thị trường điện ảnh lớn thứ nhất và thứ hai thế giới, là Mỹ và Trung Quốc, đã phát triển tới mức bão hòa, thì giới làm phim Hollywood bắt đầu hướng tới thị trường điện ảnh Đông Nam Á, bởi đây chính là thị trường lớn thứ ba cần được “quan tâm, chăm sóc”.

Với dân số khoảng 620 triệu người (gần gấp đôi dân số nước Mỹ), với tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng nhanh chóng, với nhóm dân cư thu nhập trung bình ngày càng gia tăng về số lượng, Đông Nam Á chính là khu vực đang có tốc độ gia tăng số lượng vé xem phim bán ra lớn nhất.

Chủ tịch công ty tư vấn điện ảnh - phân tích phòng vé - Artisan Gateway cho rằng: “Những cụm rạp mới vẫn không ngừng xuất hiện cho thấy cơ hội phát triển tiếp theo của nền công nghiệp điện ảnh thế giới nằm ở chính khu vực Đông Nam Á”.

Cảnh trong “Kong: Skull Island” (2017)
Cảnh trong “Kong: Skull Island” (2017)

Đông Nam Á được đánh giá là một trong những khu vực đa dạng điện ảnh nhất thế giới. Nơi đây, mỗi quốc gia lại ở vào một giai đoạn phát triển khác nhau trong lĩnh vực làm phim. Có những quốc gia một năm chỉ có 2-3 phim được sản xuất - ra rạp; nhưng cũng có những quốc gia tiếp cận nhanh chóng với những phương thức giải trí thời thượng nhất của thế giới.

Lại có những quốc gia vẫn còn làm phim theo phương thức đơn sơ, nhưng cũng có những quốc gia sở hữu năng lực làm phim tích hợp những yếu tố hiện đại của điện ảnh quốc tế. Chính từ những phân khúc đa dạng thế này, tạo ra cơ hội cho sự phát triển. Nhìn chung, hầu hết các quốc gia Đông Nam Á hiện nay đều đang có những tín hiệu phát triển điện ảnh rất tích cực.

Những quốc gia có nền công nghiệp điện ảnh phát triển ở Đông Nam Á vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý tại các sự kiện điện ảnh quốc tế, như nhà làm phim người Thái Lan - Apichatpong Weerasethakul - từng giành giải Cành Cọ Vàng tại Cannes 2010 với bộ phim “Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives” (Bác Boonmee có thể nhớ về kiếp trước).

Năm nay, đạo diễn này tiếp tục trở lại Cannes với phim mới được công chiếu giới thiệu. Trong các quốc gia Đông Nam Á, Hollywood Reporter gọi tên 5 thị trường tiềm năng, Việt Nam đứng đầu bảng, sau đó tới Lào, Singapore, Thái Lan, Indonesia.

Cảnh trong “Kong: Skull Island” (2017)
Cảnh trong “Kong: Skull Island” (2017)

Suốt nhiều năm, Việt Nam trong mắt các nhà làm phim quốc tế là một điểm đến có nhiều thách thức, bởi họ mặc định rằng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam còn hạn chế, cộng thêm nhiều thủ tục cần phải thực hiện để có thể làm phim tại đây, vì vậy, dù Việt Nam nổi tiếng có nhiều cảnh đẹp ấn tượng, nhưng lại thường bị bỏ qua.

Chỉ cho tới khi bộ phim bom tấn của Hollywood - “Kong: Skull Island” (2017) - được quay tại Việt Nam và hoàn tất các cảnh cơ bản trong vòng 6 tuần, giới làm phim quốc tế mới có cái nhìn hoàn toàn đổi khác. Theo Hollywood Reporter, sau sự kiện đó, hình ảnh Việt Nam trong mắt các nhà làm phim quốc tế có một bước ngoặt.

Cảnh trong “Kong: Skull Island” (2017)
Cảnh trong “Kong: Skull Island” (2017)

Người đứng đầu công ty điện ảnh IndoChina Productions (có trụ sở tại Thái Lan) chuyên hợp tác làm phim tại khu vực Đông Nam Á cho rằng: “Phim ‘Kong’ đã ‘mở cánh cửa’ theo nhiều nghĩa. Khi một đoàn làm phim lớn tới đây, rồi họ đưa ra những phản hồi tích cực, đó thực sự là sự kiện làm thay đổi cuộc chơi cho Việt Nam trong mắt các nhà làm phim quốc tế”.

Kể từ sau sự ra mắt của “Kong: Skull Island”, theo Hollywood Reporter, đã có một số dự án phim lớn “để mắt” đến Việt Nam với vai trò điểm đến làm phim lý tưởng.

Bích Ngọc
Theo Hollywood Reporter