Bộ Văn hoá “cấm” tổ chức hầu đồng dưới dạng loại hình ca nhạc đường phố

(Dân trí) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành văn bản số 618 yêu cầu các Sở Văn hoá – Thể thao/Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố chấn chỉnh việc thực hiện hoạt động hầu đồng.

Theo đó, để triển khai hiệu quả và nghiêm túc Chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được Bộ VHTTDL công bố, Bộ VHTTDL yêu cầu Sở VHTT/Sở VHTTDL kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh các hiện tượng phản cảm, sai lệch với bản chất của di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, cụ thể:

Chỉ tổ chức hầu đồng ở những nơi có điện thờ Mẫu hoặc di tích thờ Mẫu; không tổ chức nghi lễ hầu đồng ở khu vực công cộng với tính chất một loại hình dịch vụ du lịch hay ca nhạc đường phố.

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người thực hành về giá trị của di sản, qua đó khuyến cáo hạn chế việc sử dụng nhiều vàng mã và đồ lễ đắt tiền để chia, phát lộc trong lễ hầu đồng.

Ngăn chặn, xử lý hiện tượng lợi dụng hầu đồng, lợi dụng niềm tin của nhân dân để trục lợi, kiếm tiền và làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng.

Trình Ủy bản nhân dân tỉnh/thành phố xem xét ban hành quy chế bảo vệ và phát huy giá trị di tích, trong đó quy định rõ không gian và thời gian được thực hành hầu đồng tại di tích nhằm đảm bảo sự trang nghiêm và không gian phục vụ khách tham quan di tích.

Bà Trần Thị Huệ - Thủ nhang phủ Dầy.
Bà Trần Thị Huệ - Thủ nhang phủ Dầy.

Bà Trần Thị Huệ - Thủ nhang Phủ Dầy (Nam Định) cho rằng, đây là một văn bản rất kịp thời để chấn chỉnh các hành vi làm biến tướng di sản văn hoá phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam tứ phủ của người Việt.

Theo bà Huệ, hầu đồng là một nghi lễ mang tính linh thiêng, chỉ diễn ra ở những điểm thờ tự tôn nghiêm và những di tích tâm linh. Vì thế, việc mang hầu đồng ra khỏi các không gian ấy sẽ khiến cho nghi lễ này ít nhiều bị biến tướng và bị lợi dụng. Điều này làm ảnh hưởng không ít đến sự tôn nghiêm của đạo Mẫu và khiến văn hoá truyền thống bị lệch chuẩn.

Theo Công ty Luật Việt Phong thì lên đồng hay còn gọi là hầu đồng, hầu bóng, đồng bóng là một nghi thức trong hoạt động tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc, trong đó có tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Theo quy định tại điểm a, khoản 2, điều 15, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo thì:

"Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi”

Đồng thời, người vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định trên.

Như vậy, pháp luật nước ta không cấm việc hầu đồng nhưng sẽ xử phạt vi phạm hành chính với hành vi lợi dụng hoạt động này để trục lợi. Ngoài ra, theo quy định tại điều 247, bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành nghề mê tín, dị đoan:

Điều 247. Tội hành nghề mê tín, dị đoan Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Phạm tội làm chết người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm