“Bảo vệ trẻ em tham gia truyền hình thực tế còn rất lỏng lẻo”

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng, một chương trình truyền hình thực tế mà ngay khi bước vào trẻ đã bị “nhồi nhét” tâm lý “phải thắng bằng mọi giá” thì không thể tránh được việc trẻ bị sang chấn tâm lý khi không được giải thưởng gì hoặc bị “nock out” (đánh bật) khỏi cuộc chơi từ sớm.

Rủi ro cao nhưng không được bảo vệ

Đạo diễn Đặng Thái Huyền cho rằng, đối với những nước có nền công nghiệp truyền hình phát triển, họ luôn có những quy định rõ ràng và chặt chẽ về việc bảo vệ trẻ em lao động trong lĩnh vực truyền hình. Trong đó, nhiều nước xem trẻ em như một đối tượng lao động đặc biệt, cần được quan tâm và bảo vệ.

Cụ thể, các đơn vị sản xuất truyền hình muốn mời trẻ em tham gia các chương trình thực tế thì phải hạn chế khung giờ làm việc của trẻ em trong ngày và phải tôn trọng thời gian đi học của các em. Ngoài ra, đối với trẻ chưa vị thành niên phải có ý kiến bảo lãnh của người bảo hộ (tức bố mẹ hoặc người thân). Các trẻ em tham gia đều được quyền giữ kín các thông tin cá nhân hoặc đời sống riêng tư. Ngoài ra, tất cả đều được mua bảo hiểm (thân thể và tinh thần) đề phòng các tình huống rủi ro trong quá trình tham gia chương trình.

Nhiều người cho rằng, trẻ em Việt Nam đã không được xem như một đối tượng đặc biệt. Ảnh là các thí sinh nhí trong Siêu nhí tranh tài của THVL. Ảnh: TL.
Nhiều người cho rằng, trẻ em Việt Nam đã không được xem như một đối tượng đặc biệt. Ảnh là các thí sinh nhí trong "Siêu nhí tranh tài" của THVL. Ảnh: TL.

Riêng ở Việt Nam, nữ đạo diễn này thấy việc bảo vệ trẻ em trong các chương trình truyền hình thực tế còn rất lỏng lẻo và bị xem nhẹ, nhất là các chương trình truyền hình thực tế do các đài địa phương sản xuất.

“Nhiều đơn vị sản xuất chương trình không những lạm dụng trẻ em để câu rating mà còn không hề có sự phân biệt giữa trẻ em và người lớn. Vì thế, trẻ em Việt Nam khi tham gia các chương trình truyền hình thực tế, nhất là truyền hình thực tế do các đài địa phương sản xuất rủi ro thường rất cao. Tôi chưa thấy nhà sản xuất truyền hình thực tế nào ở Việt Nam mua bảo hiểm cho trẻ em tham gia chương trình hay có bác sĩ tâm lý để tư vấn cho trẻ trước khi bước vào cuộc chơi hoặc sau khi bị loại khỏi cuộc chơi cả”, đạo diễn Đặng Thái Huyền nói.

Nhà văn Trang Hạ cũng từng kể rằng, trước đây, khi còn làm việc ở Đài Loan chị có tham gia tổ chức một chương trình ca nhạc và mời các nghệ sĩ (ca sĩ và vũ công) tại Việt Nam sang biểu diễn. Một ngày, cơ quan quản lý văn hóa sở tại phát hiện trong nhóm vũ công có một người còn thiếu 2 tháng nữa mới tròn 18 tuổi.

Trẻ em tham gia truyền hình ở Việt Nam không có sự tư vấn hay giám sát của các chuyên gia tâm lý, giáo dục. Ảnh là các thí sinh nhí trong Người hùng tí hon. Ảnh: TL.
Trẻ em tham gia truyền hình ở Việt Nam không có sự tư vấn hay giám sát của các chuyên gia tâm lý, giáo dục. Ảnh là các thí sinh nhí trong "Người hùng tí hon". Ảnh: TL.

Vậy là họ yêu cầu nữ nhà văn phải bỏ tên của vũ công này ra vì theo luật của họ, tất cả các hoạt động được trả lương, kể cả biểu diễn nghệ thuật cũng được liệt vào dạng lạm dụng lao động trẻ em. Để vũ công này có thể tham gia biểu diễn, cơ quan quản lý văn hóa yêu cầu Trang Hạ phải tìm được một tổ chức đủ vai trò pháp lý để giám hộ. Trong khi đó, theo nữ nhà văn thì chị chưa hề thấy các chương trình thực tế nào của Việt Nam mời các nhà tâm lý, các nhà giáo dục học... tham gia với vai trò tư vấn hay giám sát chương trình.

Trẻ bị tổn thương khi diễn nơi đông người sẽ sâu sắc và dai dẳng

Ông Nguyễn Trọng An - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phân tích rằng, một chương trình truyền hình thực tế mà ngay khi bước vào trẻ đã bị “nhồi nhét” tâm lý “phải thắng bằng mọi giá” thì không thể tránh được việc trẻ bị sang chấn tâm lý khi không được giải thưởng gì hoặc bị “nock out” (đánh bật) khỏi cuộc chơi từ sớm. Không những thế, nhiều chương trình thực tế còn cố tình dàn xếp cho trẻ đối đầu với nhau, điều mà trẻ không hề muốn, gây nên những tổn thương về mặt tâm lý. Bên cạnh đó, nhiều chương trình còn cố tình kéo dài giây phút trao giải để các em bị hồi hộp, lo sợ và thất vọng... Khi bị sang chấn tâm lý hoặc tổn thương, các em cũng không được nhà sản xuất điều bác sĩ tâm lý tới an ủi, động viên và điều trị tâm lý mà lại phó mặc hết cho phụ huynh.

Ca sĩ Cẩm Ly cũng chia sẻ rằng, chị rất sợ những khoảnh khắc công bố kết quả của chương trình bởi việc chọn ai, loại ai cũng sẽ khiến con trẻ bị tổn thương. Sự tổn thương trên sóng truyền hình sẽ sâu sắc và dai dẳng vì nó lưu lại hình ảnh trên mạng và phát tán đi rất xa. Vì lẽ đó, chị thường chọn cách công bố kết quả thật nhanh để tránh con trẻ quá hồi hộp và lo âu. Ngoài ra, sau khi rời khỏi sân khấu chị cũng thường đến gần những các em bị loại để an ủi, động viên và vỗ về các em.

Ca sĩ Cẩm Ly rất sợ khoảnh khắc công bố kết quả. Tuy nhiên, sau đó chị vẫn thường ra phía sau hậu trường an ủi các thí sinh bị loại chứ không hoàn toàn bỏ mặc cho phụ huynh. Ảnh: TL.
Ca sĩ Cẩm Ly rất sợ khoảnh khắc công bố kết quả. Tuy nhiên, sau đó chị vẫn thường ra phía sau hậu trường an ủi các thí sinh bị loại chứ không hoàn toàn bỏ mặc cho phụ huynh. Ảnh: TL.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho rằng, ở bất kỳ góc độ nào, từ nhà sản xuất, người quản lý, người kiểm duyệt, giám khảo... cũng phải ý thức một cách sâu sắc hai mặt lợi và hại mà chương trình truyền hình gây ra đối với trẻ em. Thậm chí, những người làm hậu đài, bảo vệ, bếp... đều phải được huấn luyện về tính chất chương trình, tâm lý trẻ em, ứng xử với trẻ em. Còn cha mẹ là những người sẽ được huấn luyện kỹ về tâm lý để không gây sức ép với trẻ, cũng như có thể xử lý khi con bị khủng hoảng hay sốc.

“Phụ huynh cần biết kiểm soát bản thân, điều chỉnh mục tiêu và bảo vệ con mình trong những cơn cuồng phong là điều cần làm. Cần chuẩn bị tâm lý cho con cái nếu cháu muốn tham gia cuộc thi. Những huấn luyện viên, nhà sản xuất, cố vấn chương trình… cần biết định hướng thị hiếu cũng như sát cánh với các em trong những hoạt động của chương trình để giảm thiểu những điều rủi ro không đáng có” , PGS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.

Ông Nguyễn Trọng An kiến nghị rằng, chương trình truyền hình thực tế, nhất là các chương trình do các đài địa phương sản xuất, muốn được cấp phép cần phải có sự vào cuộc của các chuyên gia về bảo vệ trẻ em, chuyên gia về tâm lý, chuyên gia về văn hoá… để đảm bảo rằng trẻ em được bảo vệ, không bị bóc lột, không bị xâm hại, không bị lạm dụng. Và các chuyên gia về văn hóa sẽ có trách nhiệm đảm bảo các phần biểu diễn của các bé là văn hoá, mang tính dân tộc, gần với sự hồn nhiên của lứa tuổi.

Thí sinh rất dễ bị sang chấn tâm lý khi bị loại khỏi cuộc chơi. Ảnh: TL.
Thí sinh rất dễ bị sang chấn tâm lý khi bị loại khỏi cuộc chơi. Ảnh: TL.

Vào trung tuần tháng 4 vừa qua, trong Hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 15 và Thông tư số 01/2016 diễn ra tại văn phòng Bộ VH,TT&DL, một vị đại diện lãnh đạo Sở VH,TT&DL tỉnh Bình Dương cũng đã đặt ra vấn đề, hiện nay có rất nhiều chương trình truyền thực tế của các đài truyền hình địa phương có tổ chức thi người mẫu nhí. Những chương trình này đáng ra theo luật là phải có người giám hộ nhưng trong thủ tục chưa có văn bản yêu cầu điều này.

Vị lãnh đạo kiến nghị, Sở VH,TT&DL tỉnh Bình Dương muốn đưa ra những yêu cầu này để bảo vệ trẻ em trong các chương trình truyền hình thực tế và các chương trình nghệ thuật nhưng vẫn phải làm thủ tục để xin phép vậy thì trẻ em sẽ rất khó để được bảo vệ. Thực tế, đây cũng chính là kẽ hở, là lỗ hổng trong luật… đã gián tiếp “tiếp tay” cho các đơn vị tổ chức biểu diễn và sản xuất truyền hình lạm dụng trẻ em mà không hề hấn gì.

Bài 4: Trẻ em sẽ ra sao khi bước ra khỏi ánh hào quang của truyền hình thực tế?

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm