Bình Định:

Bài Chòi dưới góc nhìn của khán giả nước ngoài

(Dân trí) - “Tôi may mắn ở lại Việt Nam dài hơn nên tôi đã khám phá ra một điều thú vị rằng, một yếu tố quan trọng dẫn tới những thành tựu của Việt Nam hiện nay chính là khả năng sáng tạo trong văn hóa và trong cuộc sống. Bài Chòi chính là sự tổng hòa của nhiều yếu tố đem đến cho chúng ta niềm vui, tiếng cười…”, ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam chia sẻ.

Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam chia sẻ: “Tôi không chỉ với cương vị là trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại Việt Nam mà còn dưới góc nhìn một khán giả đầy tò mò về nghệ thuật Bài Chòi. Bài Chòi vừa là một trò chơi vừa là nghệ thuật trình diễn luôn tạo cho chúng ta một không gian đầy hứng khởi. Bài Chòi chính là sự tổng hòa của nhiều yếu tố đem đến cho chúng ta niềm vui và tiếng cười. Vì vậy, tôi tin rằng chính những yếu tố những đa dạng này đã làm cho Bài Chòi trở thành một ẩn dụ tuyệt vời cho tình thần văn hóa đậm nét bản sắc của Việt Nam”.

Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam.
Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam.

Ông Michael Croft cũng tin rằng, nói đến Bài Chòi là nói đến sự kết hợp giữa hai yếu tố quan trọng trong đời sống của người Việt đó là tính sáng tạo và tính cộng đồng. Bất kỳ người nước ngoài nào đặt chân tới Việt Nam, ngay lập tức đều bị ấn tượng bởi đức tính tận tụy trong công việc và cách tiếp cận rất thực tế của người Việt Nam.

“Đối với những người may mắn ở lại Việt Nam nhiều hơn như tôi, tôi đã khám phá ra một điều thú vị rằng, một yếu tố quan trọng dẫn tới những thành tựu của Việt Nam hiện nay chính là khả năng sáng tạo trong văn hóa và trong cuộc sống. Đất nước Việt Nam luôn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức về thiên tai, từ vị trí địa lý và từ cả lịch sử. Song, với khả năng ứng biến linh hoạt, người Việt đã tìm ra những phương thức sáng tạo để vượt qua khó khăn và vươn lên phát triển thịnh vượng. Ngay trong giai điệu và ca từ đặc trưng của mình, Bài Chòi cũng phản ánh đậm nét tính sáng tạo đó”, ông Michael Croft nói.

Những nghệ nhân gạo cội của nghệ thuật Bài Chòi.
Những nghệ nhân gạo cội của nghệ thuật Bài Chòi.

Ông Michael Croft cho biết, về nguyên tắc Bài Chòi không giới hạn số lượng người để có thể tương tác vào trò chơi. Đây là một loại hình nghệ thuật hòa nhập và lôi cuốn. Bài Chòi luôn chào đón và khuyến khích người tham gia. Bài Chòi cũng rất công bằng, ai cũng có thể tham gia và ai cũng có có hội để giành phần thắng. Ở khía cạnh này, Bài Chòi cho thấy rõ hình ảnh đất nước Việt Nam và tình bằng hữu trong xã hội, tình đồng đội, đồng chí, con người với con người vốn là sợi dây liên kết chặt chẽ nhưng cũng rất cởi mở với du khách.

Chúng ta đang thấy rằng, thế giới đang chuyển mình một cách nhanh chóng, con người dễ cảm thấy lạc lỏng và bối rối trước những thay đổi chóng mặt về kinh tế - xã hội. Trong những thời điểm như vậy, loại hình biểu đạt văn hóa như nghệ thuật Bài Chòi đã góp phần kết nối, tăng cường sự tương tác và gắn kết xã hội giữa các cá nhân và các nhóm thành viên khác nhau trong cộng đồng. Bài Chòi thực sự là loại hình nghệ thuật xã hội, xoay quanh mối quan hệ giữa người với người. Bài Chòi nhắc chúng ta về những yếu tố quan trọng vĩnh cửu trong cuộc sống. Đó là gia đình, là bạn bè, là ca từ, lời hát và tinh thần hài hước lạc quan vui sống.

Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao bằng ghi danh “Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao bằng ghi danh “Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Với lý do như vậy, Bài Chòi rất đặc biệt với trái tim của con người miền Trung Việt Nam. Nhưng hơn tất cả, Bài Chòi xuất phát từ mối quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng và khuyến khích sự tương tác và gắn kết xã hội. Vì vậy, nghệ thuật Bài Chòi thể hiện rõ tầm quan trọng của các di sản văn hóa phi vật thể trong việc tăng cường mối liên hệ xã hội. Chúng tôi hi vọng rằng, sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế với nghệ thuật Bài Chòi sẽ càng khích lệ cộng đồng thêm yêu mến và tham gia để di sản văn hóa phi vật thể này tiếp tục được gìn giữ, thực hành và trao truyền cho thế hệ tương lai.

Thay mặt UNESCO, tôi chúc mừng Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ VH-TT&DL, lãnh đạo 9 tỉnh miền Trung Việt Nam, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, cùng toàn thể nhân dân địa phương, các nghệ nhân và những người đã đóng góp vào việc gìn giữ và ghi danh nghệ thuật văn hóa Bài Chòi vào danh sách di sản đại diện của nhân loại. Đây thực sự là một sự ghi nhận hoàn toàn xứng đáng.

UNESCO đánh giá cao sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là từ phía Bộ VH-TT&DL, chính quyền và cộng đồng các tỉnh miền Trung trong công tác bảo tồn, phát triển nghệ thuật Bài Chòi với những hướng dẫn cụ thể. Trong đó, có việc mở rộng không gian biểu diễn, thực hành, thúc đẩy nghiên cứu, tư liệu hóa và xuất bản về Bài Chòi cũng như các sáng kiến tạo động lực khác như việc trao giải nghệ nhân ưu tú…

Bình Định là trong 9 địa phương miền Trung được xem là cái nôi của Bài Chòi - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng.
Bình Định là trong 9 địa phương miền Trung được xem là cái nôi của Bài Chòi - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng.

“Dù Bài Chòi được biểu diễn ở bất kỳ đâu, trên sân khấu lớn hay nhỏ, dưới ánh đèn sân khấu rực rỡ hay dưới ánh đèn lồng giản dị. Tối hôm nay, chúng ta hãy để cho tiếng cười câu hát của các nghệ nhân, những người chơi Bài Chòi được tỏa sáng. Bởi họ không chỉ trình diễn cho khán giả, cộng đồng, làng xã hay thành phố mà họ còn biểu đạt cho cả thế giới biết tinh thần sáng tạo và sự đa dạng văn hóa của nhân loại”, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam chia sẻ.

Trước đó, tối 5/5, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn, Bình Định), long trọng diễn ra lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Doãn Công