Áo choàng chống “nạn” hở hang: Cần phải thẩm mỹ và sạch sẽ
(Dân trí) - Trước sự “ra quân” ồ ạt của các điểm di tích trên địa bàn TP. Hà Nội và nhiều di tích trên các tỉnh thành trong việc cho du khách mượn áo choàng trước để tránh ăn mặc hở hang vào tham quan điểm thờ tự tôn nghiêm, nhiều chuyên gia cho rằng không cần phải đồng nhất mẫu áo.
Cả nước “ra quân” chống “nạn” ăn mặc hở hang
Từ ngày 7/4, đền Ngọc Sơn – Hà Nội đã triển khai việc cho du khách mượn áo choàng miễn phí khi vào tham quan di tích. Ông Nguyễn Đức Vượng - Trưởng phòng Quản lý di tích đền Ngọc Sơn cho biết, Ban quản lý di tích đã chuẩn bị 100 bộ trang phục áo dài đi lễ để cho du khách trong và ngoài nước mượn khi đến tham quan di tích này. Loại áo choàng này được thiết kế đơn giản, dành cho cả nam, cả nữ, với nhiều kích cỡ. Áo có màu hồng tím, được thiết kế tay lửng. Cổ áo chữ V, có hoa văn sát viền và dài đến ngang gối.
Đây là một trong những hoạt động triển khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP. Hà Nội, trong đó có quy định du khách không mặc trang phục hở hang, phản cảm vào nơi linh thiêng.
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám thông tin, trong ngày 26/4, Trung tâm sẽ chốt các phương án thiết kế mẫu áo cho du khách mượn. Dự kiến, mẫu áo sẽ có màu đỏ đậm, hoa văn Văn Miếu in chìm. Khoảng trung tuần tháng 5 sẽ áp dụng. Toàn bộ kinh phí đầu tư trang phục được lấy từ nguồn thu của di tích.
Bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng Ban quản lý Di tích danh thắng Hà Nội cho biết, bắt đầu từ ngày 25/4, nhiều di tích tại Hà Nội như: đền Bà Kiệu, Tượng đài Vua Lê (phố Lê Thái Tổ), di tích 48 Hàng Ngang, 5D Hàm Long, 90 Thợ Nhuộm, di tích Bác Hồ viết Lời kêu gọi Toàn quốc Kháng chiến ở Vạn Phúc đều nhất loạt có quầy cho du khách mượn áo choàng.
Theo bà Hoà, trang phục dành cho nữ có màu hồng nhạt, trang phục nam kẻ caro nhỏ. Loại trang phục này đã được thảo luận kỹ càng trước khi đặt may.
Thực tế, vào đầu năm Đinh Dậu, ở đền Cửa Ông – TP. Cẩm Phả, Quảng Ninh cũng đã đầu tư hơn 100 bộ trang phục áo dài đi lễ nhằm phục nhân dân, du khách vào tham quan đền Cửa Ông. Theo đó, các
bộ trang phục này đều là quần áo dài đi lễ, có 3 kích cỡ từ nhỏ đến lớn để phục vụ du khách các lứa tuổi. Nơi mượn được bố trí ngay cổng đền, luôn có một nhân viên túc trực, quan sát và nhắc nhở các du khách khi thấy họ mặc những bộ trang phục quần áo, váy chưa phù hợp. Du khách vào mượn áo dài lễ chỉ cần để lại tên, số điện thoại mà không phải đặt cọc. Cùng với đó, nếu du khách ăn mặc chưa phù hợp nếu không mượn áo lễ, khi vào đền sẽ không được thắp hương tại các điểm trong đền.
Trước đó, chùa Linh Ứng tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng cũng đã cấp phát áo choàng, váy choàng cho khách mặc phản cảm khi thăm chùa. Theo đó, ở chính điện của chùa Linh Ứng luôn có một bảo vệ và một Phật tử có nhiệm vụ quan sát, nếu du khách nào bước vào chính điện mà mặc áo quần quá ngắn, mặc váy, áo rộng cổ không phù hợp lập tức sẽ đến nhắc nhở và phát váy choàng, áo choàng để mặc vào. Nhiều du khách tỏ ra rất bất ngờ nhưng đều vui vẻ mặc áo, váy choàng theo yêu cầu của nhà chùa. Từ khi triển khai, mỗi ngày chùa phát trên 1000 lượt áo quần cho khách.
Việc phát áo choàng cho du khách cũng được triển khai từ nhiều năm nay ở tháp bà Ponagar Nha Trang (Khánh Hòa). Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Khánh Hòa thì Trung tâm đã cho triển khai đặt tủ áo dài miễn phí ở tháp bà Ponagar Nha Trang nhằm hạn chế tình trạng một bộ phận người trẻ ăn mặc hở hang, phản cảm khi vào trong tháp hành hương. Tủ áo dài này có hơn 50 bộ, đáp ứng đủ nhu cầu cho du khách hành hương.
Cần phải đảm bảo tính thẩm mỹ và sự sạch sẽ
Trước sự việc này, có nhiều ý kiến cho rằng, nên chăng, mỗi tỉnh – thành phố cần đồng nhất một mẫu trang phục áo choàng để phục vụ du khách tại những điểm di tích để tránh sự lộn xộn không đáng có. Bên cạnh đó, việc đồng nhất mẫu trang phục áo choàng cũng sẽ giúp nâng cao được tính thẩm mỹ và tạo ấn tượng đối với du khách khi đến mỗi tỉnh thành.
Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng, nên thiết kế mẫu áo làm sao để thuận tiện cho du khách là được. Kiểu áo choàng và váy choàng như ở chùa Linh Ứng – Đà Nẵng là một kiệu làm linh hoạt mà các di tích, danh thắng nên tham khảo.
PGS.TS Phạm Trung Lương – Nguyên Viện Phó Viện nghiên cứu và phát triển du lịch Việt Nam cho rằng, việc đồng nhất mẫu áo choàng cho khách du lịch là không cần thiết bởi mỗi vùng miền có một đặc trưng văn hoá, mỗi di tích mang một đặc điểm riêng. Vấn đề quan trọng nhất là phải làm sao cho du khách hiểu được việc vào nơi tôn nghiêm cần phải có trang phục phù hợp với văn hoá của Việt Nam, không thể như phương Tây.
“Thực ra, việc cho du khách mượn áo choàng khi vào nơi tôn nghiêm, ở nhiều nước trên thế giới làm từ lâu rồi nhưng Việt Nam mình bây giờ mới bắt đầu là hơi chậm. Theo tôi, không cần thiết phải thống nhất mẫu áo nhưng các doanh nghiệp lữ hành hoặc cơ sở du lịch cần nên có những tuyên truyền cho khách, nhất là khách phương Tây họ hiểu về văn hoá của nước mình trước khi đến tham quan.
Còn với trang phục, dù không có quy chuẩn chung nhưng cũng cần phải đảm bảo tính thẩm mỹ và sự sạch sẽ. Khách nước ngoài họ rất chú trọng đến vấn đề vệ sinh cả trong ăn lẫn mặc vì vậy các di tích cần có biện pháp như thế nào đó để trang phục khi cho du khách mượn mà họ mặc vào nở nụ cười chứ không phải nhăn mặc vì hôi hám, rách rưới, gò bó…”, PGS.TS Phạm Trung Lương nói.
Ông Trương Minh Tiến – Phó GĐ Sở VH – TT Hà Nội chia sẻ, chỉ đạo chung của Sở đối với các di tích do Sở quản lý là phải triển khai tủ áo choàng để cho du khách mượn miễn phí khi đến tham qua di tích. Đây là một hình thức để thực hiện nghiêm túc bộ Quy tắc ứng xử công cộng trên địa bàn TP. Hà Nội.
Về mẫu chung của áo choàng, Sở không có quan điểm phải thống nhất mẫu áo bởi đặc điểm mỗi di tích mỗi khác. Có di tích tâm lý, có di tích văn hoá lịch sử… mỗi di tích mang một ý nghĩa khác nhau nên trang phục không nên thống nhất một mẫu.
Tuỳ theo từng di tích mà Ban Quản lý thiết kế nên những mẫu áo choàng phù hợp, miễn là du khách cảm thấy thoải mái và chống được “nạn” mặc phản cảm khi bước vào di tích. Quan trọng hơn cả đó là phải tuyên truyền cho du khách ý thức để bảo vệ tích, đảm bảo nếp sống văn hoá – văn minh khi đến di tích.
“Trước mắt, Sở sẽ có chỉ đạo cho các di tích do Sở quản lý làm việc này, sau đó sẽ có hướng dẫn cho các quận huyện triển khai sớm. Bên cạnh việc chuẩn bị trang phục cho khách vào, Sở cũng đã có văn bản đề nghị Sở Du lịch Hà Nội có chỉ đạo cho các công ty – doanh nghiệp lữ hành có sự tuyên truyền cho khách trước khi mua tour hoặc trước khi đến với di tích để họ chủ động lựa chọn trang phục cho phù hợp. Đối với khách đã đến điểm di tích rồi mà chưa nắm được thông tin thì di tích đó sẽ có trang phục phù hợp cho họ mượn”, ông Tiến nhấn mạnh.
Ông Tiến cũng cho rằng, nếu di tích nào đưa ra những mẫu áo choàng không phù hợp, bị xấu quá… du khách có quyền góp ý. Còn việc đồng nhất một mẫu áo choàng sẽ tạo nên sự đơn điệu đối với các di tích, đó là điều không nên.
Hà Tùng Long