7 loạt tranh đẹp nhất của Van Gogh
(Dân trí) - Van Gogh, vị họa sĩ có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20, đã sớm qua đời ở tuổi 37. Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp ngắn ngủi của mình, ông chỉ bán được một bức tranh duy nhất với giá như cho.
Hãy cùng chiêm ngưỡng những tuyệt phẩm hội họa của con người tài năng nhưng bất hạnh ấy:
Chùm tranh “Hoa hướng dương” - 1890
Van Gogh vẽ xong 4 tuyệt tác hội họa khắc họa hoa hướng dương chỉ sau 6 ngày. Ông giữ cảm xúc và sự tỉnh táo trong suốt 6 ngày đó bằng cà phê và rượu.
Các nhà nghiên cứu nói rằng khi vẽ những bông hoa hướng dương cũng là khi tâm trạng của Van Gogh tốt nhất, đó là những giây phút vui vẻ hiếm hoi trong cuộc đời ông. Sắc vàng đối với Van Gogh là biểu tượng của ánh mặt trời, sự ấm áp, tình bạn, của niềm vui, hạnh phúc.
Trong văn học Hà Lan, hoa hướng dương là biểu tượng của sự hy sinh, sự cống hiến tận tụy và lòng trung thành. Loạt tranh về hoa hướng dương của Van Gogh khắc họa hoa từ khi nở cho tới khi tàn, còn là ẩn dụ về vòng tuần hoàn sinh tử.
Bức “Chân dung bác sĩ Gachet” - 1890
“Chân dung bác sĩ Gachet” là một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của danh họa người Hà Lan - Vincent Van Gogh. Bác sĩ Paul Gachet trong tranh chính là người chăm sóc Van Gogh trong những năm tháng cuối đời.
Thoạt tiên, ấn tượng ban đầu của Van Gogh về bác sĩ Gachet không tốt. Viết thư cho em trai, ông kể rằng: “Anh nghĩ chúng ta không nên trông cậy vào bác sĩ Gachet. Ông ấy có lẽ còn bất bình thường hơn anh. Một người mù dẫn đường một người mù khác, không phải là rốt cuộc cả hai sẽ ngã xuống mương sao?”.
Tuy vậy, trong lá thư sau, Van Gogh lại nói rằng: “Anh đã tìm thấy một người bạn thật sự ở nơi bác sĩ Gachet, giống như một người anh trai, bọn anh giống nhau không chỉ ở hình hài mà còn ở tinh thần”.
Sự thân thiết tìm thấy ở bác sĩ Gachet đã khiến Van Gogh thực hiện bức chân dung mang đầy vẻ u sầu này. Đối với Van Gogh, hình ảnh bác sĩ Gachet trong tranh như “đang nhăn nhó với những ai nhìn ngắm bức tranh này”. Đó là khuôn mặt mang “nỗi buồn của thế hệ”.
“Chân dung bác sĩ Gachet” được coi là tác phẩm khắc họa chân dung hiện đại, phá cách, mang tính tiên phong, khi không chỉ đặc tả diện mạo nhân vật mà còn lột tả nội tâm bên trong của nhân vật.
Bức “Ông cụ buồn bã” (hay “Bên ngưỡng cửa vĩnh hằng”) - 1890
Bức tranh này được thực hiện khi Van Gogh bắt đầu bình phục trở lại sau một cơn suy sụp nặng nề, đây cũng là thời điểm hai tháng trước khi ông chết - một cái chết nhiều bí ẩn mà thời đó người ta kết luận là do tự tử.
Tư thế của nhân vật ông cụ trong tranh vốn đã gây ấn tượng với Van Gogh từ nhiều năm trước, vị họa sĩ đã từng thực hiện nhiều bức phác họa bằng chì khắc họa tư thế này, thể hiện sự buồn bã, thất vọng tột cùng.
Đối với Van Gogh, dù đã cố gắng rất nhiều nhưng theo ông, những bức tranh vẫn không thể đặc tả hết cái đẹp của hình ảnh mà ông đã nhìn thấy trong thực tế: “Bên cạnh Chúa và sự vĩnh hằng, còn có những biểu cảm tuyệt đẹp như thế này nữa. Ông cụ này không hề biết rằng trong một khoảnh khắc ngồi yên lặng ở góc phòng, ông đã tạo nên một hình ảnh quý giá, tuyệt đẹp, đầy cảm xúc, khiến ông như đang rất gần với ngôi nhà vĩnh hằng của Chúa”.
Đối với tác phẩm này, Van Gogh có rất nhiều cảm nhận về tôn giáo. Dù khuôn mặt của nhân vật chính bị che giấu nhưng người xem vẫn cảm nhận được rất rõ sự buồn bã, cay đắng. Đó có lẽ là lý do tại sao mà Van Gogh từng đặt tên cho bức tranh là “Bên ngưỡng cửa vĩnh hằng” - mỗi khi nhìn thấy nỗi buồn đau, Van Gogh cũng đồng thời luôn nghĩ về Chúa và sự vĩnh hằng.
Bức “Đêm đầy sao” - 1889
Bức tranh khắc họa quang cảnh bên ngoài phòng bệnh của Van Gogh ở một bệnh viện tâm thần nằm tại miền Nam nước Pháp. Khung cảnh này được ông quan sát qua ô cửa sổ phòng bệnh vào buổi đêm, tuy vậy, Van Gogh vẽ lại bằng trí nhớ vào ban ngày bởi ban đêm không bệnh nhân nào được phép “trốn ngủ”.
Bức “Đêm đầy sao” là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Van Gogh, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp hội họa của ông khi Van Gogh bắt đầu dành nhiều đất hơn cho trí tưởng tượng phát huy.
Bức “Đêm đầy sao” cũng là một tác phẩm gây nhiều tranh cãi trong giới phê bình, có hai trường phái: một trường phái tin rằng Van Gogh vẽ bầu trời sao bằng trí tưởng tượng, trường phái còn lại cho rằng Van Gogh đã khắc họa chính xác vị trí của những ngôi sao mà ông nhìn thấy trên bầu trời, rằng ông không hề vẽ bằng sự dễ dãi của trí tưởng tượng.
Nhiều nhà bình tranh thậm chí còn tin rằng Van Gogh đã vẽ vị trí các ngôi sao dựa trên một đoạn kinh thánh nằm trong cuốn kinh Cựu ước, miêu tả lại một giấc mơ của thánh Joseph.
Bức “Những cây ôliu” - 1889
Van Gogh vẽ ít nhất 18 bức tranh về những cây ôliu trong thời kỳ điều trị tại bệnh viện tâm thần ở miền Nam nước Pháp. Cửa sổ phòng ông khi đó mở ra một vườn cây ôliu. Bức “Những cây ôliu” luôn được coi là bức tranh song hành với bức “Đêm đầy sao”.
Trong đó, “Những cây ô liu” khắc họa quang cảnh ban ngày còn “Đêm đầy sao” khắc họa quang cảnh ban đêm nhìn từ cửa sổ phòng bệnh của Van Gogh.
Những bức tranh khắc họa cây ôliu có một ý nghĩa quan trọng đối với Van Gogh, thể hiện triết lý về cuộc đời, về sự thần thánh, thiêng liêng trong vòng quay tuần hoàn của cuộc sống và cả cảm thức về Chúa.
Hình ảnh người ta thu hoạch ôliu thể hiện mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên, đồng thời cũng là ẩn dụ về vòng quay cuộc sống, khi đó, thu hoạch cũng đồng nghĩa với cái chết của những trái ôliu đã chín.
Van Gogh sinh thời thường tìm thấy sự thư giãn, khuây khỏa khi giao hòa với thiên nhiên. Khi vẽ loạt tranh về cây ôliu cũng là khi ông đã bắt đầu lâm bệnh nặng, thường xuyên phải đối mặt với tình trạng rối loạn tâm thần.
Bức “Quán café về đêm” - 1888
Đến hôm nay, khi du khách ghé thăm thành phố Arles của Pháp, họ vẫn có thể tìm lại quán café nơi Van Gogh từng khắc họa trong bức tranh nổi tiếng với cách bài trí vẫn y như cũ.
Lý do khiến Van Gogh chọn vẽ quán café này là bởi nó được thắp sáng mỗi khi đêm xuống, nhờ vậy, ông sẽ có “một bức tranh khắc họa màn đêm mà không phải sử dụng đến màu đen”. Thường các họa sĩ vẽ cảnh đêm thường chỉ phác họa cảnh vật và sẽ chuyển phác họa thành tranh vào ban ngày, nhưng Van Gogh đã quyết định sẽ vẽ trực tiếp ngay tại “hiện trường” bất kể trời tối.
Vì trời tối, nên Van Gogh không thể lựa chọn màu sắc một cách chính xác, tuy vậy, ông lại cho rằng đó là một sự nhầm lẫn thú vị bởi “đây là cách duy nhất để có thể thoát ra khỏi những bức tranh khắc họa màn đêm theo kiểu truyền thống”.
Trong những bức tranh của mình, Van Gogh luôn thể hiện một lòng hướng đạo, kính Chúa, đó là một nhu cầu thường trực, xuất hiện mỗi khi ông cầm cọ vẽ.
Với bức tranh này, ban đầu Van Gogh chỉ định xuống phố đêm để khắc họa những ngôi sao, thế rồi ông nhìn thấy quang cảnh ở quán cà phê và chợt nảy ra ý tưởng khắc họa “những con người sống động xuất hiện dưới sự bao trùm vĩnh hằng của bầu trời sao”.
Loạt tranh chân dung tự họa
Trong sự nghiệp của Van Gogh, không thể không kể tới những bức chân dung tự họa của ông, Van Gogh vẽ hàng chục bức chân dung tự họa với những phong cách khác nhau. Điều đặc biệt là hiếm khi Van Gogh ở trong tranh nhìn thẳng vào mắt người xem tranh. Ngoài ra, khi Van Gogh tự vẽ mình, ông thường quan sát bản thân qua một tấm gương, vì vậy, thực tế phần mặt bên phải trong tranh lại là phần mặt bên trái của ông và ngược lại.
Bích Ngọc
Tổng hợp