Người dân TPHCM sẵn sàng chi hàng chục tỷ đồng mua thực phẩm an toàn trong dịp Tết Nguyên Đán

(Dân trí) - Trước vấn nạn thực phẩm bẩn, để đảm bảo sức khỏe cho người dân TP.HCM, Ban Quản Lý An Toàn Thực Phẩm TP.HCM (QLATTP) xây dựng “chuỗi thực phẩm an toàn” trong suốt gần 1 năm qua. Nhân dịp Tết Nguyên Đán, đáp ứng nhu cầu mua thực phẩm Tết, Ủy Ban Nhân Dân Thành phố chủ trương cho Ban (QLATTP) chỉ đạo tổ chức Hội Chợ Xanh từ ngày 25 – 28/1 tại Sân Vận Động Quân Khu 7 (Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận).

Thảm họa từ thực phẩm bẩn

Theo thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2017 trên cả nước đã xảy ra 73 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 1.592 người mắc, trong đó 1.483 nạn nhân phải nhập viện cấp cứu, ít nhất 16 ca tử vong. Kết quả thanh kiểm tra cùng thời gian trên từ cơ quan chức năng phát hiện 81.115 cơ sở vi phạm với các hành vi tổ chức sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, chế biến thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm không rõ nguồn gốc...

Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban Quản Lý An Toàn Thực Phẩm TPHCM phát biểu tại buổi họp báo Hội Chợ Xanh 2018.
Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban Quản Lý An Toàn Thực Phẩm TPHCM phát biểu tại buổi họp báo Hội Chợ Xanh 2018.

Phân tích chuyên môn của PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM chỉ ra: Số vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính cũng như số người mắc được ghi nhận chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Trên thực tế, những mặt hàng thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng đang gieo rắc thảm họa cho cộng đồng, tình trạng ngộ độc mạn tính do những loại chất bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, hóa chất bảo quản, kháng sinh tồn dư… trong thực phẩm đang gặm nhấm sự sống, gây ra hàng loạt căn bệnh nan y.

Thực phẩm bẩn không chỉ hủy hoại sức khỏe con người mà còn tạo gánh nặng về chi phí y tế, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội.

Cuộc chiến ngăn chặn và đẩy lùi thực phẩm bẩn bảo vệ cộng đồng dù đang được triển khai quyết liệt, song những chiêu trò từ cá nhân, tổ chức trục lợi trên sức khỏe đồng loại vẫn biến tướng khôn lường. Thêm vào đó, thói quen tiêu dùng chưa quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ sản phẩm hoặc “ham rẻ” của một bộ phận dân cư khi điều kiện kinh tế còn khó khăn đang tiếp tay cho thực phẩm bẩn tồn tại.

Người dân sẵn sàng chi tiền tỷ dùng thực phẩm an toàn

Sau những cảnh báo từ cơ quan quản lý nhà nước, các phương tiện thông tin đại chúng về sự nguy hiểm của thực phẩm bẩn, cộng đồng đã tăng cường cảnh giác với những mặt hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Trong đó, những gia đình có điều kiện kinh tế đã không ngần ngại chi tiền để sử dụng những sản phẩm an toàn được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, Organic,...

Người dân tin tưởng chọn nông sản tươi tại hệ thống siêu thị Co.op Mart (Fanpage: Co.op Mart)
Người dân tin tưởng chọn nông sản tươi tại hệ thống siêu thị Co.op Mart (Fanpage: Co.op Mart)

Đang chọn mua cho gia đình những thực phẩm được dán tem doanh nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch tại siêu thị Co.opmart Rạch Miễu (quận Phú Nhuận, TPHCM) bà Nguyễn Thị Kiều Trang (62 tuổi) cho biết: Gia đình tôi đã kiên quyết nói không với những loại rau - củ - quả và thịt cá không nhãn mác ở chợ. Từ ngày sản phẩm nông nghiệp an toàn có mặt trong hệ thống siêu thị, chúng tôi đã tin dùng bởi nó không chỉ tươi ngon mà còn có tem truy xuất nguồn gốc. Các thực phẩm an toàn dù giá cao hơn so với các loại thông thường khác nhưng đó là mức giá hợp lý, chúng tôi thà chi tiền để ăn ngon, ăn sạch chứ không muốn chi tiền để trị bệnh.”

Ông Phạm Trung Kiên, Phó tổng Giám đốc Saigon Co.op cho hay: Hiện, thực phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn Organic được cấp chứng nhận của USDA (Mỹ) và Châu Âu đã cung ứng trong hệ thống các siêu thị bán lẻ của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM.

Thống kê từ Saigon Co.op cho thấy, hiện mỗi tháng người tiêu dùng tại 2 thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TPHCM đã chi khoảng 30 tỷ đồng để mua thực phẩm Organic. Kết quả khảo sát và nghiên cứu thị trường ghi nhận, nhu cầu của cộng đồng có thể ngay lập tức sẽ tăng lên gấp 10 lần so với hiện tại nếu nhà sản xuất cung ứng đủ sản phẩm. Đây là phân khúc thị trường cao cấp trong lĩnh vực thực phẩm nhưng có tín hiệu rất tốt, rộng mở cho các đơn vị tham gia vào việc cung ứng sản phẩm Organic phục vụ cộng đồng.

Tuy nhiên, người tiêu dùng hiện đang thiếu thông tin về thực phẩm an toàn nên vẫn còn tâm lý dè dặt. Để giúp cộng đồng có thông tin tổng quan nhất về thị trường thực phẩm xanh - sạch – an toàn, thực phẩm Organic, từ ngày 25 đến 28/1 tại Nhà thi đấu Quân khu 7, TPHCM lần đầu tiên ban Quản lý An toàn Thực phẩm sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội chợ xanh.

Ông Phạm Trung Kiên, bà Phạm Khánh Phong Lan (giữa) và bà Trần Nguyễn Thiên Hương (bên phải) tại họp báo giới thiệu Hội Chợ Xanh 2018
Ông Phạm Trung Kiên, bà Phạm Khánh Phong Lan (giữa) và bà Trần Nguyễn Thiên Hương (bên phải) tại họp báo giới thiệu Hội Chợ Xanh 2018

Bà Trần Nguyễn Thiên Hương, Giám đốc Cty TNHH Fire Phoenix - Trưởng ban tổ chức Hội chợ cho biết: Dự kiến 100 gian hàng từ các nhóm công ty trong nước và quốc tế sẽ tham dự với những mặt hàng đạt chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, Organic.

Tại Hội chợ, thông qua những hội thảo chuyên đề về an toàn thực phẩm các chuyên gia sẽ hướng dẫn người tiêu dùng cách nhận biết thực phẩm sạch, sản phẩm organic… trên cơ sở phân biệt với những sản phẩm thông thường, sản phẩm kém chất lượng. Mỗi bà nội trợ nói riêng và người dân nói chung sẽ được trang bị kiến thức cần thiết để trở thành người tiêu dùng thông minh, tránh ma trận thực phẩm bẩn đang bủa vây.

Phương Anh