Khi dân công nghệ rủ nhau chơi thể thao

Thể thao đang trở thành một trào lưu mới nổi, chinh phục một bộ phận lớn dân công nghệ từ các kỹ sư cho đến các nhà lãnh đạo tên tuổi. Điển hình cho làn sóng thể thao cho giới công nghệ là sự góp mặt đông đảo của những tập thể, cá nhân thuộc các doanh nghiệp hàng đầu trong giới tại các giải thể thao lớn gần đây.

Việc dân công nghệ chơi thể thao vốn đã đang là một trào lưu trên thế giới với sự góp mặt của nhiều tên tuổi lớn. Tim Cook (CEO Apple) thường xuyên tập chạy từ 5h sáng mỗi ngày. Jack Dorsey (Twitter) tập squats, chống đẩy, & đi bộ. Trong khi Jeff Bezos (CEO Amazon) và Elon Musk (CEO Tesla & SpaceX) được mô tả với một cơ thể “đáng ghen tỵ”. Quái thủ hơn như Sergey Brin (đồng sáng lập Google) thì ngoài một loạt môn thể thao loại nặng còn có trò trồng cây chuối đi vòng quanh văn phòng & tham gia lớp học đu dây ở… rạp xiếc.

Sergey Brin - Co-founder Google là một người ưa các hoạt động thể thao có tính thử thách cao.
Sergey Brin - Co-founder Google là một người ưa các hoạt động thể thao có tính thử thách cao.

Tạp chí Economist từng dùng cụm từ “Revenge of the nerds” (tạm dịch: Sự trả thù của những tên mọt sách) để mô tả về sự lột xác ngoạn mục này: “Đã qua rồi cái thời sếp lớn và kỹ sư của các công ty công nghệ tự hào với chiếc áo thun nhăn nhúm theo kiểu bất cần đời. Giờ đây, nhiều người trong số họ đã chuyển sang trang phục bó sát để khoe cơ bắp.”

Còn ở Việt Nam, phong trào thể thao trong giới Công nghệ cũng bắt đầu nhen nhóm từ chính các vị lãnh đạo công ty.

Cách đây 3 năm, dù chưa từng là vận động viên thể thao nhưng ông Lê Hồng Minh (CEO VNG) đã liều lĩnh mang Ironman 70.3 - sân chơi thể thao khắc nghiệt nhất hành tinh đến với Việt Nam, trở thành một trong những người đầu tiên tham gia và dấy lên phong trào thể thao 3 môn phối hợp (bơi – đạp – chạy) trong nước.

Năm 2016, ông Phạm Thành Đức – người đứng đầu startup ví điện tử MoMo, trở thành CEO đầu tiên ở Việt Nam hoàn thành Ironman 140.6 tại Western Australia.

Ông Vũ Minh Trí – cựu CEO Microsoft Việt Nam, một người hoàn toàn tay ngang nhưng vẫn mạo hiểm dấn thân và hoàn thành xuất sắc cuộc thi Ironman 70.3 Vietnam năm 2017.

Những Vận động viên nghiệp dư đến từ các doanh nghiệp thương mại điện tử như Shopee, Payoo hay Tiki cũng xuất hiện tràn ngập trong các giải thể thao sức bền diễn ra trong hơn 1 năm qua như tại giải chạy địa hình Dalat Ultra Trail, giải marathon Techcombank Hochiminh…

Không khó để nhận ra rằng: phong trào thể thao trong giới Công nghệ được châm ngòi từ chính các lãnh đạo công ty đang lan tỏa với tốc độ đáng kinh ngạc nhờ vào tinh thần hưởng ứng mạnh mẽ của tập thể nhân viên. Dần dần, thể thao trở thành một nét văn hóa tuy mới nhưng lại vô cùng gần gũi với giới văn phòng, những vận động viên nghiệp dư.

Đáng kể nhất phải nói đến phong trào thể thao tại Tập đoàn VNG. Gần như không có một sự kiện thể thao sức bền nào từ ba môn phối hợp, chạy marathon, chạy đường núi, thi vượt chướng ngại vật… lại thiếu bóng áo cam của những thành viên đến từ tập đoàn công nghệ này.

Đội hình VNG tham gia Ironman 70.3 năm 2017
Đội hình VNG tham gia Ironman 70.3 năm 2017

Không chỉ là doanh nghiệp Việt Nam có đông nhân viên tham gia nhất ở các giải đấu thể thao tại Việt Nam, VNG còn thành lập hẳn một câu lạc bộ chạy bộ và một câu lạc bộ ba môn phối hợp để mà “thoả sức” chinh phục các thử thách sức bền. Trong khi VNG Run Club đã chạm mốc con số 1000 thành viên và tự tổ chức hẳn một giải chạy bộ hàng năm lấy tên VNG UpRace thì VNG Tri Club cũng trở thành một trong ba câu lạc bộ Việt Nam chính thức đăng ký và có tên trên bảng xếp hạng các câu lạc bộ Ironman ở khu vực châu Á.

Nhìn chung, các công ty công nghệ Việt Nam không chỉ góp phần tạo nên làn sóng thể thao trong nước những năm gần đây mà còn bắt đầu xây dựng văn hóa thể thao doanh nghiệp một cách bài bản, chẳng kém cạnh các công ty công nghệ trên thế giới.

H. Việt