1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Đội hình 10 cầu thủ dự bị và cách làm bóng đá trẻ của người Nhật

(Dân trí) - Nhiều người ngạc nhiên khi đội hình mà U19 Nhật Bản dùng để đá với U19 Việt Nam ở bán kết giải châu Á có đến 10 sự thay đổi, so với khi U19 Nhật Bản đá trận tứ kết. HLV của U19 Nhật giải thích rõ chủ trương là cho càng nhiều cầu thủ thi đấu càng tốt.

Không có chuyện U19 Nhât Bản thiếu tôn trọng U19 Việt Nam nên mới sắp đội hình có đến 10 sự thay đổi so với trận tứ kết, nơi Nhật thắng đậm Tajikistan 4-0. HLV Atsushi Uchiyama của U19 Nhật Bản đã nói rõ rằng chủ trương của bóng đá Nhật là cho càng nhiều cầu thủ mà họ đăng ký tham dự giải, được có cơ hội thi đấu càng tốt.

Điều đó cũng có nghĩa là không có chuyện đội hình 1 và đội hình 2 theo quan điểm của người Nhật, về lứa U19 của họ mang tới giải U19 châu Á. Mục đích của bóng đá Nhật ở các giải trẻ là cho cầu thủ của họ được cọ xát tối đa ở những sân chơi mà họ giành quyền tham dự, để cầu thủ tích luỹ kinh nghiệm và bản lĩnh quốc tế.

Đấy cũng chính là lý do giải thích tại sao Nhật Bản chưa bao giờ vô địch U19 châu Á. Lên đến cấp độ U23, đội Olympic Nhật Bản chỉ mới 1 lần vô địch Asiad, so với 4 lần của Hàn Quốc và Iran. Thậm chí, so với số lần vô địch môn bóng đá nam tại Á vận hội, người Nhật còn kém cả... Myanmar và Ấn Độ (mỗi quốc gia 2 lần đăng quang).

Nhật Bản dù là nền bóng đá số 1 châu Á, nhưng họ chưa bao giờ vô địch lứa U19
Nhật Bản dù là nền bóng đá số 1 châu Á, nhưng họ chưa bao giờ vô địch lứa U19

Nhưng lên đến cấp độ đội tuyển quốc gia, Nhật đã 4 lần vô địch châu Á, nghiễm nhiên được công nhận là nền bóng đá số 1 châu lục trong khoảng hai mươi năm qua, vượt mặt nhiều cường quốc như Hàn Quốc (2 lần, mà lần vô địch gần nhất đã cách nay... 54 năm), Iran (3 lần), Saudi Arabia (3 lần).

Ở các kỳ World Cup, nếu như Iran và Saudi Arabia lúc có vé dự VCK, lúc không, thì liên tiếp nhiều kỳ giải gần đây, tính từ World Cup 1998, chưa lần nào Nhật Bản không qua nổi vòng loại.

Một nền bóng đá ổn định nhất châu Á ở cấp độ đội tuyển quốc gia, lại không thật giàu thành tích ở các giải trẻ có phải là hiện tượng lạ chăng?

Một đội bóng nếu muốn bằng mọi giá giành quyền vào chung kết, thậm chí bằng mọi giá phải tranh chấp ngôi vô địch ở bất cứ giải đấu nào, có lẽ cũng không dại dột đến mức thay đổi đến chục vị trí so với đội hình vừa đá trận trước đó?

Ở đây, chỉ có một câu trả lời duy nhất cho vấn đề vừa nêu, đấy là người Nhật không quan tâm đến ngôi vô địch ở các giải trẻ, hay nói cách khác họ không bằng mọi giá phải có được những ngôi vô địch này, dù họ có đầy đủ năng lực để làm việc đó.

Điều mà người Nhật quan tâm nhiều hơn, chính là làm sao để các cầu thủ của họ không bỏ phí cơ hội được cọ xát, được thi đấu nhiều hơn, sau khi đã hoàn thành mục tiêu chính là giành vé dự VCK World Cup U20.

Đấy là cách làm thể hiện sự kiên nhẫn của bóng đá Nhật, thể hiện quan điểm rạch ròi và xuyên suốt: Đích đến quan trọng nhất của bóng đá trẻ, của việc đào tạo cầu thủ trẻ là vươn đến đỉnh cao, chứ các giải đấu trẻ chưa phải là điểm dừng của các thế hệ cầu thủ.

Điểm này khác rất xa so với thói quen làm bóng đá ở Việt Nam. Dĩ nhiên, bóng đá Việt Nam chưa có điều kiện để có nguồn cầu thủ đa dạng như Nhật Bản, nhưng một bộ phận người làm bóng đá Việt Nam khá nóng vội.

Cứ hễ có bất cứ lứa trẻ nào có triển vọng là lập tức được quy hoạch cho SEA Games, như một số ý kiến những ngày gần đây cho rằng nên bổ sung các cầu thủ U19 vừa dự giải châu Á cho đội tuyển U22 dự SEA Games năm sau.

Tức là lại quay về với nguy cơ đốt cháy giai đoạn, lại vội vã đặt ra cho các cầu thủ trẻ những giới hạn, thay vì để họ phát triển theo đúng lộ trình, bước lên theo từng nấc thang một, thay cho việc nhảy... vượt cấp.

Sự nóng vội đấy cũng đồng nghĩa với chuyện người ta tiếp tục quên rằng mục đích cuối cùng của việc đào tạo trẻ là bóng đá đỉnh cao, chứ không phải cứ mãi loay hoay với các giải U!

Trọng Vũ

Đội hình 10 cầu thủ dự bị và cách làm bóng đá trẻ của người Nhật - 2