Món ăn “đắt đỏ” nhất thế giới khiến 9 bệnh nhân nhập viện

(Dân trí) - Nhiều bác sĩ ví món “tiết canh” là món ăn đắt đỏ nhất thế giới, bởi khi không may ăn phải tiết canh từ lợn nhiễm liên cầu, bệnh nhân có nguy cơ bị nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ, với chi phí điều trị tốn hàng trăm triệu đồng. Từ Tết đến nay đã có 9 ca liên cầu lợn phải nhập viện điều trị.

Một nửa bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn có ăn tiết canh, lợn ốm

Chiều 5/3, BS Nguyễn Trung Cấp, Khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, tại BV từ Tết đến nay tiếp nhận 9 ca liên cầu lợn nhập viện điều trị, trong đó có 5 ca nhiễm khuẩn huyết, 4 ca viêm màng não mủ. Các bệnh nhân đều nhập viện trong dịp Tết đến nay. Cụ thể, có hai ca nhập viện ngày ngày 15/2 (tức ngày 30 Tết), một bệnh nhân nhập viện hôm mùng 4 Tết, có bệnh nhân nhập viện ngày mùng 6 Tết… Trong số bệnh nhân này, một trường hợp suy đa phủ tạng phải điều trị tích cực dài ngày, một trường hợp thận đang suy trầm trọng nhiều khả năng ngày mai sẽ phải lọc máu.

Những vết ban hoại tử trên da của bệnh nhân liên cầu lợn. Ảnh: H.Hải
Những vết ban hoại tử trên da của bệnh nhân liên cầu lợn. Ảnh: H.Hải

Trường hợp suy thận là bệnh nhân nam N.Đ.B (60 tuổi ở Nam Định). Theo người nhà bệnh nhân, ông B không ăn tiết canh nhưng đi mổ lợn giúp hàng xóm có đám cưới. Khi tham gia giết mổ lợn, tay ông có nhiều vết xước. Có lẽ đây là lý do khiến ông bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn.

Sau 6 ngày giết mổ lợn ông B. xuất hiện tình trạng sốt, điều trị ở nhà và tuyến dưới 4 ngày thì được chuyển đến BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng có ban hoại tử trên da, suy thận nặng.

“Dù cố gắng điều trị nội khoa để chữa suy thận, nhưng nhiều khả năng bệnh nhân sẽ phải tiến hành lọc máu trong ngày mai, vì suy thận nặng”, BS Cấp cho biết.

Còn những bệnh nhân còn lại, qua khai thác tiền sử thì quá 50% có ăn tiết canh, hoặc lợn ốm và phần lớn là uống rượu nhiều năm nay.

“Bệnh nhân uống rượu nhiều, lâu năm sức đề kháng đã yếu, phủ tạng cũng đã suy nay thêm tác nhân liên cầu lợn thì tình trạng suy đa phủ tạng càng nặng nề hơn”, BS Cấp nói.

Món ăn nguy hiểm

BS Cấp cho rằng, cảnh báo tiết canh nguy hiểm là không thừa, bởi ngoài nguy cơ nhiễm liên cầu lợn, tiết canh còn tiềm ẩn một loạt nguy cơ khác.

Như trong tiết canh gia cầm có nguy cơ nhiễm vi rút cúm gia cầm; ăn tiết canh có thể nhiễm giun xoắn, sán, các mầm bệnh gây tiêu chảy.

Với bệnh liên cầu lợn, ăn phải lợn nhiễm vi khuẩn liên cầu chưa được nấu chín như món tiết canh, nem chạo… ; hay lây qua tiếp xúc trong quá trình giết mổ, chế biến (vì chân tay có thể có những xước xát không phát hiện và vi khuẩn liên cầu lợn có thể xâm nhập vào cơ thể qua những vết tổn thương này), người bệnh sẽ ủ bệnh từ vài ngày đến một tuần.

Khi bị nhiễm liên cầu lợn, bệnh nhân có nguy cơ nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm màng não mủ, hoặc bị kết hợp cả hai thể bệnh.

“Trong khi đó, một bệnh nhân bị bệnh liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần, có những bệnh nhân nhiễn khuẩn huyết phải điều trị đến 2 tháng, với chi phí hàng trăm triệu, tùy thuộc di chứng có trầm trọng hay không trầm trọng. Một bát tiết canh tính phí lúc này tới hàng vài chục, thậm chí cả trăm triệu đồng. Chưa kể, nó còn đe dọa tính mạng người bệnh, khiến gia đình người bệnh phải tốn kém, vất vả chăm sóc”, BS Cấp nói.

Bệnh nhân liên cầu lợn đa phần là những người uống rượu lâu năm, sức khỏe yếu, rồi nhiều người không có bảo hiểm y tế gây khó khăn rất nhiều trong quá trình điều trị.

Thêm một điểm cần lưu ý là đã từng bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, người bệnh vẫn hoàn toàn có thể mắc lại lần sau. Vì căn bệnh này giống như nhiễm trùng liên cầu bình thường, không để lại miễn dịch lâu dài cho cơ thể. Vì thế, để phòng bệnh, cần phải bỏ thói quen, sở thích ăn tiết canh, ăn đồ tái chưa nấu kỹ. Bình thường, nấu chín thức ăn ở nhiệt độ 100 độ C vi khuẩn liên cầu lợn sẽ bị tiêu diệt. Còn với đồ ăn tái, sống (tiết canh, nem chạo), nếu thịt lợn có vi khuẩn liên cầu cơ thể người sẽ hấp thu một lượng lớn vi khuẩn liên cầu lợn còn sống vào cơ thể người ăn, có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, năm 2017 cả nước ghi nhận 171 ca mắc bệnh liên cầu lợn, trong đó 14 người tử vong.

Hồng Hải