Đề xuất đóng thuế lập Quỹ nâng cao sức khỏe: Bộ Y tế "vấp" phản đối gay gắt của doanh nghiệp

Tại hội thảo về Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế tổ chức ngày 25.5, nhiều doanh nghiệp (DN) lên tiếng phản đối việc phải nộp thuế để duy trì Quỹ nâng cao sức khỏe dựa theo mô hình Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá.

Đề xuất đóng thuế lập Quỹ nâng cao sức khỏe: Bộ Y tế "vấp" phản đối gay gắt của doanh nghiệp - 1

Quỹ Nâng cao sức khoẻ là đề xuất của Bộ Y tế nằm tại Điều 19 Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia . Quỹ này, nếu được ra đời, sẽ có nền tảng là Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá.

Trong tờ trình lên Chính phủ, Bộ Y tế ước tính, nguồn kinh phí từ Quỹ Nâng cao sức khỏe cộng đồng hằng năm sẽ đóng góp khoảng 360 tỷ đồng từ khoản đóng góp bắt buộc từ các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu rượu, bia cho các hoạt động phòng chống tác hại của bia, rượu, thuốc lá.

Tuy nhiên tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu và Nước Giải Khát Việt Nam (VBA) bày tỏ, việc thu hút nguồn lực dành cho các hoạt động tương tác với khách hàng của DN vào Quỹ do Chính phủ quản lý có thể làm tăng chi phí, mà lại ít tác dụng trong việc giảm tác hại lạm dụng đồ uống có cồn.

Một số DN khác cũng cho rằng, việc quy định DN phải đóng góp thêm 1-2% trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt vào quỹ nâng cao sức khỏe nhân dân là không phù hợp với Nghị quyết của Chính phủ và sẽ làm cho DN đã khó càng khó hơn.

Đại diện một doanh nghiệp cho rằng, sự thành lập Quỹ này sẽ mâu thuẫn với chủ trương tinh giảm biên chế của Chính phủ bởi một Quỹ ra đời cần nhân sự. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng chưa làm rõ vấn đề ngân quỹ sẽ được sử dụng như thế nào, dành cho hoạt động gì.

Trong khi đó, nếu hình thành một quỹ, phần đóng góp của DN, thay vì 100% đi vào các chiến dịch vì sức khoẻ người dân, thì phải trích một phần không nhỏ cho chi thường xuyên để vận hành quỹ. DN, vì mất một khoản chi phí cho việc đóng quỹ, cũng sẽ tự hạn chế các chiến dịch đang làm. Như vậy, về tổng thể, theo ông Phúc, việc thành lập Quỹ là không hiệu quả.

Tuy nhiên, về vấn đề này, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, các DN rượu bia hiện đang kinh doanh có lãi. Chẳng hạn như Sabeco, lợi nhuận sau thuế năm 2017 là 4,562 tỉ đồng; Habeco lãi 658 tỉ còn Chủ tịch Heiniken Châu Á& Thái Bình Dương Frans Eusman cho biết, hãng đang đổ tiền vào Việt Nam- thị trường có khả năng sinh lãi lớn thứ 2 cho họ, chỉ sau Mexico.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết Luật Phòng chống tác hại rượu, bia sẽ kiểm soát chặt chẽ nhu cầu sử dụng rượu, bia, đưa ra các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; kiểm soát việc cung cấp rượu, bia; giảm tác hại; bảo đảm nguồn lực cho phòng chống tác hại rượu, bia để nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Dự thảo này đã được họp lấy ý kiến rất nhiều lần và dự kiến sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp thứ năm diễn ra vào tháng 10.2018.

Theo T.Linh

Lao động