1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bất ngờ hỏi Chủ tịch Đồng Tháp về giá mật ong…

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã khiến Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương “bối rối” khi bất ngờ hỏi về giá mật ong, dầu ăn do địa phương sản xuất. Câu chuyện này diễn ra ngay trước giờ khai mạc Hội nghị về tái cơ cấu nông nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp, sáng 27/9.

Giá nông sản thấp… “đội sổ”

Hội nghị về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thủy lợi, xây dựng nông thôn mới, liên kết hợp tác phát triển sản xuất nông sản chủ lực theo chuỗi giá trị vùng ĐBSCL và kế hoạch hợp tác liên kết phát triển bền vững vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, sáng 27/9.

Tham quan sản phẩm trưng bày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bất ngờ cầm chai mật ong thành phẩm được sản xuất tại địa phương và hỏi Chủ tịch Đồng Tháp: “Chai mật ong này bao nhiêu tiền?” Lúc này, Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương tỏ ra bối rối về giá của chai mật ong mà Phó Thủ tướng hỏi mình.

Phó Thủ tướng hỏi tiếp Chủ tịch Đồng Tháp về một số sản phẩm khác như: Gạo, dầu ăn, nhãn, xoài, dưa lưới… Những sản phầm này được ông Nguyễn Văn Dương cho biết đã đạt được một số kết quả trong thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hỏi Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp về giá dầu ăn sản xuất tại địa phương
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hỏi Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp về giá dầu ăn sản xuất tại địa phương

Theo ông Dương, lúa gạo trước đây thường xuyên chịu cảnh “được mùa - mất giá”, nhưng khi thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đã góp phần tiêu thụ ổn định cho nông dân và tăng thêm lợi nhuận từ 3-4 triệu đồng/ha/vụ. Xoài của Đồng Tháp hiện đã “xuất ngoại” tiêu thụ ở các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Newzealand, Samara (Nga)…

Theo ông Dương, ngoài Xoài, Đồng Tháp còn triển khai sản xuất an toàn trên cây nhãn, đảm bảo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Trái Chanh xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc; Ớt xuất khẩu sang Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Hàn Quốc… Do có thị trường xuất khẩu nên giá bán cũng tăng thêm từ 10-15% (từng loại).

Nói về giá của nông sản vùng ĐBSCL, GS.TS Nguyễn Ngọc Trân - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ Thuật Nhà nước, người có nhiều đóng góp về nghiên cứu phát triển nông nghiệp nông thôn ĐBSCL bày tỏ nhiều trăn trở. “Giá nông sản ĐBSCL thấp, thậm chí là thấp “đội sổ” so với các nước. Nếu không tái cơ cấu nông nghiệp và liên kết vùng để tạo ra giá trị gia tăng thì ĐBSCL sẽ tụt hậu so với cả nước” - GS.TS Nguyễn Ngọc Trân cho hay.

Rủi ro thị trường đều đổ lên đầu dân!

Tham gia ý kiến tại Hội nghị, ông Lê Huy Ngọ - nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho rằng, nói đến nông dân bao đời nay là ruộng đất. Nông dân một nắng hai sương và đóng góp rất lớn lao cho đất nước, vì vậy tìm cách thay đổi đời sống khó khăn của nông dân là phải tìm cách tạo ra một lớp nông dân mới có trình độ cao hơn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để làm tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người dân, đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và môi trường sống, cùng đó phải tái cơ cấu lao động.

Tái nông nghiệp là làm sao phải tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân
Tái nông nghiệp là làm sao phải tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân

Ông Nguyễn Văn Thể - Bí thư tỉnh Sóc Trăng cho hay: Làm nông nghiệp chỉ giúp bà con no đủ chứ không thể giàu được, tái cơ cấu nông nghiệp sẽ giúp cho đời sống của bà con tốt hơn. Trong tái cơ cấu có 4 cây và 3 con phải ưu tiên là lúa, cam sành, bưởi da xanh, mãng cầu gai và cá, tôm, bò.

Nhấn mạnh tới mục tiêu tái cơ cấu, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đặt vấn đề nội hàm để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp, nâng cao nhận thức phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao. Để đạt được mục tiêu này thì phương thức của tái cơ cấu nông nghiệp là tổ chức lại sản xuất và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào nông nghiệp.

Theo Phó Thủ tướng, nước biển dâng gây sạt lở đất mỗi năm 500 ha không có cách nào cữu vãn, sụt lún nghiêm trọng mỗi năm 3-4cm, dự báo 45% diện tích đồng bằng bị nhiễm mặn, nguồn nước và chất lượng nước phụ thuộc vào sông Mekong. Vì vậy, phải cập nhật kịch bản chống biến đổi khí hậu xà xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển nông nghiệp vùng, quy hoạch sử dụng đất, thủy lợi và xây dựng nông thôn mới. ĐBSCL phải thực hiện mục tiêu kép là tái cơ cấu nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao đổi với GS,TS. Nguyễn Ngọc Trân về gạo xuất khẩu của ĐBSCL
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao đổi với GS,TS. Nguyễn Ngọc Trân về gạo xuất khẩu của ĐBSCL

“Tái cơ cấu nông nghiệp thì thu nhập của người nông dân là bao nhiêu? Nói thì dễ lắm, nhưng làm ra sao? Nâng cao giá trị gia tăng là phải làm sao để tăng được năng suất lao động, tăng thu nhập cho người nông dân trong vùng. Cùng đó, cần có chính sách về thị trường đầu vào và đầu ra cho bà con.

Hàng triệu người nông dân bán nông sản nhưng rất ít người mua, gần như thiệt hại về nông sản, rủi ro thị trường đều đổ lên đầu dân, trong khi doanh nghiệp chẳng phải chịu gì… Vì vậy cơ chế chính sách về thị trường phải làm sao tốt nhất cho bà con nông dân” - Phó Thủ tướng khẳng định.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm