Người dân trên khắp thế giới đón giao thừa như thế nào?
(Dân trí) - Đêm giao thừa là một thời khắc đặc biệt với đối với bất kì người nào để đón một năm mới hạnh phúc và nhiều kì vọng. Thế nhưng, mỗi quốc gia trên thế giới lại có những cách đón năm mới khác nhau với truyền thống văn hóa riêng của mình.
Người Scotland đón giao thừa bằng lễ hội lửa Stonehaven nổi tiếng. Ngay trước nửa đêm, các chuyên gia được huấn luyện kỹ càng múa các vòng lửa trên đầu rồi quăng nó xuống biển. Lễ hội này có hơn 100 năm tuổi. Nhiều người tin rằng truyền thống này dựa trên một nghi lễ tôn giáo để làm sạch tâm hồn và xua đuổi ma quỷ.
Lễ hội nước Thingyan diễn ra vào giữa tháng Tư, đánh dấu sự chuyển giao năm cũ và năm mới ở Myanmar với màn bắn đại bác. Mọi người ra đường té nước vào nhau với hi vọng tẩy rửa sạch những tội lỗi của năm cũ, đón may mắn cho năm mới qua nghi thức làm sạch với nước.
Ở Siberia, những người thợ lặn dũng cảm lặn xuống dưới đáy hồ đóng băng để trồng cây yolka. Họ coi đây tượng trưng cho sự bắt đầu lại và năm mới là thời điểm xuất hiện của Cha Frost. Ngoài ra, người Siberia còn có những cuộc vui trong đó mọi người thách nhau nhẩy xuống làn nước lạnh buốt trong mùa đông.
Vào đêm giao thừa, người Tây Ban Nha sẽ ăn lần lượt 12 quả nho để cầu mong điều may mắn cho năm mới. Mỗi quả nho đại diện cho một tháng trong năm và phải ăn trước khi chuông đồng hồ điểm 12 tiếng. Nếu không ăn đủ 12 quả, người ta cho rằng bạn sẽ gặp xui xẻo.
Ở nhiều nền văn hóa phương Tây, nhất là ở Bắc Mỹ, họ thường hôn một người đặc biệt vào đêm giao thừa. Điều này bắt nguồn từ một niềm tin thời Trung Cổ, người đầu tiên bạn nhìn thấy vào đúng giao thừa sẽ mang may mắn trong năm mới cho bạn.
Tại Brazil, nhiều người dân địa phương tin rằng mặc đồ trắng và thả hoa trắng, nến trắng xuống biển để xoa xịu cơn giận dữ của thần Biển Iemanja và xin thần ban phước cho các bà mẹ và trẻ em và mang cho người cúng sự thịnh vượng trong năm mới.
Trong dịp năm mới, người Trung Quốc thường sơn lại cửa nhà màu đỏ hoặc viền đỏ cửa sổ và cửa ra vào với mong muốn mang lại may mắn cho gia đình. Màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn và hạnh phúc ở Trung Quốc, vì thế rất nhiều người dân chọn màu đỏ làm trang phục năm mới của mình.
Người Đan Mạch thường ném các đồ bát đĩa bằng sứ cho vỡ trước nhà bạn bè để mang lại may mắn trong năm mới cho họ.
Màu đỏ ở Ý tượng trưng cho tình yêu và sự sinh sản, nên người nam và nữ trẻ tuổi ở đất nước này thường chọn đồ lót có màu đỏ để mặc trong năm mới.
Nếu ở Ý là màu đỏ thì Argentina là màu hồng, nên những người phụ nữ trẻ tuổi ở đây thường chọn màu hồng để cầu mong may mắn về tình yêu trong năm mới
Ở Columbia và Ecuador, mọi người thường làm hình nộm người mà họ không thích hoặc người đã mất rồi đốt trong giao thừa để xua đuổi những điều xấu trong năm cũ.
Joya no kane là lễ rung 108 tiếng chuông truyền thống vào đêm giao thừa ở Nhật. Truyền thống bắt nguồn từ niềm tin của Phật giáo, nơi mỗi tiếng chuông rung đại diện cho mỗi ham muốn của con người.
Có tên gọi là Krapfen, Kreppel, Krebbel, hoặc Berliner, món bánh ngọt này của Đức là một món ăn quan trọng cho ngày tết. Chúng thường chứa đầy quả mứt hoặc sô-cô-la, hoặc đầy mù tạt để trêu đùa bạn bè.
Ở Hy lạp, vào ngày Protochronia hoặc đêm giao thừa, treo một củ hành trước cửa đại diện cho sự tái sinh và phát triển. Truyền thống này liên quan đến một loại hành biển trồng ở Crete. Loại hành này sẽ vẫn mọc lá và hoa ngay cả khi bị cắt kết rễ. Người dân ở Crete và Hy Lạo tin rằng loại cây này sẽ mang lại may mắn đến cho gia đình họ. Sáng hôm sau, cha mẹ sẽ dùng củ hành này đập vào đầu bọn trẻ để gọi chúng dậy đến nhà thờ.
Ở Estonia, số 7, 9 và 12 là những con số may mắn. Nếu một người ăn từng đó số bữa trong năm mới thì họ sẽ có giàu có và khỏe mạnh gấp từng đó lần.
Để cầu mong chuyến đi trong năm mới được suôn sẻ, người Ecuado sẽ chạy quanh khu nhà với một chiếc vali rỗng hoặc kéo vali ra vào cửa nhà 12 lần nếu bạn không muốn chạy.
Hồng Thắm (Tổng hợp)