"Đại gia" thuỷ sản dồn dập gặp khó, "ông lớn" bất động sản báo lãi ầm ầm
(Dân trí) - Mùa báo cáo tài chính năm 2017 đã bắt đầu khép lại. Những con số được công bố cho thấy nhiều doanh nghiệp bất động sản niêm yết tiếp tục có kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng. Trong khi đó, ở ngành sản xuất - nhiều doanh nghiệp thuỷ sản đầu ngành lại lao đao...
Loạt doanh nghiệp địa ốc "ăn nên làm ra"
Có thể thấy, các công ty bất động sản niêm yết tiếp tục có một năm tăng trưởng khá tốt. Kết thúc năm 2017, một loạt doanh nghiệp báo lãi lớn cho thấy nhiều những gam màu sáng trong bức tranh bất động sản nói chung.
Một trong những doanh nghiệp có mức lợi nhuận thuộc loại "khủng" đó là Tập đoàn Vingroup. Theo báo cáo tài chính hợp nhất được công bố, doanh thu thuần năm 2017 của "đại gia" bất động sản này là 90.355 tỷ đồng, tăng 56,8% và lợi nhuận sau thuế đạt 5.440 tỷ đồng, tăng 55% so với năm 2016. So với kế hoạch đặt ra, Vingroup đã vượt 12% kế hoạch doanh thu và 81% kế hoạch lợi nhuận..
Một "ông lớn" khác trong lĩnh vực bất động sản cũng có mức tăng trưởng khá tốt trong năm vừa qua đó là Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Địa ốc No Va - Novaland. Doanh thu của Novaland đạt 11.759 tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.061 tỷ đồng, tăng 24%.
Góp mặt trong số những doanh nghiệp bất động sản vượt chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra còn có Công ty CP Dịch vụ và Xây dựng địa ốc Đất Xanh (DXG). DXG đã thông qua kết quả kinh doanh năm 2017 với doanh thu ước đạt 3.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 750 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2016 và hoàn thành vượt 7% chỉ tiêu kế hoạch năm.
Một doanh nghiệp có lợi nhuận tăng ấn tượng năm 2017 đó là Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG). Báo cáo vừa công bố cho thấy mặc lợi nhuận cả năm của doanh nghiệp này tăng mạnh từ 44,63 tỷ năm 2016 lên 423,7 tỷ đồng năm 2017.
Kết quả kinh doanh hợp nhất của Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) cũng cho thấy doanh thu năm 2017 đạt 1.945 tỷ đồng vượt kế hoạch đặt ra 1.357 tỷ đồng và tăng 170% so với năm 2016.
Lợi nhuận sau thuế của TDH ước đạt 142 tỷ tăng vượt kế hoạch 130 tỷ và tăng 131% so với năm 2016. Kết quả kinh doanh khá khả quan trong năm 2017 của Thủ Đức House do doanh nghiệp này có tốc độ bán hàng tại nhiều dự án dẫn đầu thị trường.
Tương tự, Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) có mức lợi nhuận sau thuế là 448 tỷ đông tăng gần gấp đôi với năm ngoái, chủ yếu từ hạch toán sản phẩm của dự án The EverRich Infinity.
Doanh thu thuần Phục Hưng Holdings (PHC) đạt mức kỷ lục với 2.170 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế cũng đạt mức cao nhất từ trước tới nay trong 1 năm, đạt trên 30,5 tỷ đồng, tăng 69,6% so với năm trước đó và vượt xa chỉ tiêu đặt ra.
Một số doanh nghiệp bất động sản khác cũng có mức tăng trưởng tốt trong năm 2017, đặc biệt là ở quý cuối năm. Theo thống kê sơ bộ của VNREA, tổng lượng giao dịch tại Hà Nội và TP.HCM ước đạt con số 15.300 giao dịch, trong đó Hà Nội là 5.959 giao dịch và TP.HCM là 9.336 giao dịch.
Tính đến ngày 20/11/2017, tồn kho bất động sản giảm còn hơn 25.700 tỷ đồng, giảm gần 80% so với con số 102.800 tỷ đồng trong quý I/2013 và giảm 17% so với con số 31.000 tỷ đồng thời điểm tháng 12/2016.
Tuy nhiên như vậy không có nghĩa là thị trường bất động sản mang đến cơ hội kiếm lời cho tất cả. Vẫn còn một số doanh nghiệp vẫn chưa thể thoát ra được khó khăn, báo lỗ như Petroland hoặc một số công ty có lợi nhuận sụt mạnh so với năm 2016 như Sudico…
"Đại gia" thuỷ sản dồn dập gặp khó
Nếu như 2017 là một năm có nhiều gam màu sáng đối với bất động sản thì ở lĩnh vực thuỷ sản, nhiều doanh nghiệp thuộc "top" có tên tuổi lại báo lỗ dồn dập. Điển hình trong số này là doanh nghiệp từng được mệnh danh "vua cá tra" Hùng Vương.
Từ một "ông trùm" trong ngành cá tra với hàng loạt vụ thâu tóm "khủng", Thủy sản Hùng Vương giờ "chìm" trong thua lỗ và nợ chồng chất. Sau khi kiểm toán báo cáo tài chính, Hùng Vương có khoản lỗ ròng hơn 705 tỷ đồng thay vì lỗ 63 tỷ đồng như báo cáo công ty tự lập trước đó.
Đặc biệt, 94% nợ phải trả của Hùng Vương là nợ ngắn hạn, điều này khiến chỉ số thanh toán ngắn hạn của công ty (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn) đã xuống dưới mức an toàn, hiện là 0,9 (mức an toàn là 1/1).
Thậm chí, trên báo cáo tài chính kiểm toán công bố mới đây, kiểm toán viên đã đặt nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của HVG: "Như trình bày trong báo cáo tài chính hợp nhất, Tập đoàn đã phát sinh khoản lỗ sau thuế gần 713 tỷ đồng. Ngoài ra cũng tại ngày này, lỗ lũy kế của công ty gần 424 tỷ đồng; tổng nợ ngắn hạn vượt qua tài sản ngắn hạn gần 820 tỷ đồng. Những điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn".
Thủy sản An Giang - Agifish (AGF) cũng tiếp tục làm ăn bết bát với kết quả kinh doanh 2016-2017 (niên độ kết thúc 30/9/2017) sau kiểm toán chuyển từ lãi 4 tỷ sang lỗ tới 187,3 tỷ đồng. Nguyên nhân có sự chênh lệch lớn do sau kiểm toán doanh thu thuần giảm và chi phí các loại bị điều chỉnh tăng.
Không chỉ HVG hay AGF, nhiều các doanh nghiệp ngành thủy sản chứng kiến một năm 2017 không mấy sáng sủa với doanh thu thấp và lãi giảm. Như trường hợp CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (mã ABT).
Doanh thu cả năm ABT chỉ đạt 383,7 tỷ đồng, giảm hơn 9%; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 31,8 tỷ đồng, giảm 41,6% so với năm 2016 và chỉ hoàn thành 53% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 27,4 tỷ đồng, giảm 42,6% so với năm 2016.
Đa số các doanh nghiệp ngành thủy sản chứng kiến một năm 2017 không mấy sáng sủa với doanh thu thấp và lãi giảm như Thuỷ sản Kiên Hùng (KHS). Kết quả hợp nhất, KHS đạt 16,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - giảm 42,4% so với năm 2016.
Hầu hết các cổ phiếu thủy sản đều giảm hoặc tăng chậm hơn rất nhiều so với tốc độ tăng chung trên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu HVG, AGF mới đây đã bị đưa vào diện cảnh báo.
Có thể thấy, khó khăn của ngành thủy sản có một phần là do giá nguyên liệu tăng cao. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, giá cá tra bắt đầu tăng từ trước Tết Nguyên đán 2017 và đạt mức cao nhất trong vòng 7 năm vào tháng 4/2017. Trong khi đó, thị trường đầu ra liên tục bị gặp khó với những rào cản kỹ thuật và bảo hộ thương mại, áp lực cạnh tranh gay gắt…
Nguyễn Khánh