Vấn đề kinh tế trong tuần:

Chuyện ít biết về nguyên Thủ tướng; nhà máy thua lỗ muốn vay 550 tỷ đồng

(Dân trí) - Những câu chuyện điều hành của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, các thông tin mới liên quan đến dự án nhà máy Đạm Ninh Bình, thị trường vàng trước ngày Vía Thần tài... là những thông tin đáng chú ý tuần qua.

Tư duy kinh tế của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải

Trả lời phỏng vấn Dân Trí, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, người từng là thành viên Ban Nghiên cứu của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải chia sẻ, điều ông nhớ nhất là nguyên Thủ tướng khá gần gũi với giới chuyên môn và lãnh đạo có chuyên môn.

Năm 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam gặp Tổng thông Mỹ George W. Bush tại Nhà Trắng ở Hoa Kỳ.
Năm 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam gặp Tổng thông Mỹ George W. Bush tại Nhà Trắng ở Hoa Kỳ.

Kể từ khi làm Thủ tướng, khá nhiều thử thách đặt ra cho ông. Tháng 9/1997, lúc đó khủng hoảng tài chính châu Á lan rộng, các nước Thái Lan, Hàn Quốc và một số nước châu Á chịu tổn thất nặng nề. Chính phủ của Thủ tướng Khải có công chèo chống và đưa ra các giải pháp giải quyết khủng hoảng để nó không lan rộng như: khống chế lạm phát, chính sách tài khoá, tín dụng rất hợp lý...

Những biện pháp tạm thời và có chiều sâu sau này giúp giữ được nền kinh tế của Việt Nam lúc ấy dù GDP đạt 4,8% nhưng vẫn là tăng trưởng tốt, không chịu ảnh hưởng tai hại như các nước khác như Hàn Quốc và Thái Lan.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn có tinh thần cải cách mạnh mẽ và quyết tâm hội nhập. Chính ông trình ra Quốc hội để ban hành Luật Doanh nghiệp năm 1999 và chính ông đã bảo vệ Luật Doanh nghiệp trước Bộ Chính trị, Quốc hội.

Tuy nhiên, đến khi Luật được được thông qua, các Bộ và địa phương không thực hiện vì nhiều nơi bị cắt bỏ quyền lực, dẫn đến chậm trễ, chây ỳ.

Ông Doanh còn kể: Khi nhóm chuyên gia phát hiện gần 600 giấy phép con và trình lên Thủ tướng, ông Khải sau đó đã ký lệnh bãi bỏ 286 giấy phép con (gần 1 nửa giấy phép con) và làm cho kinh tế tư nhân bùng lên sau này.

Ngay cả việc trước đây họ đưa kiến nghị xây dựng đường Quốc lộ 1A thành đường BOT có thu phí. Nhưng lúc đó, chính Thủ tướng Phan Văn Khải đã bác bỏ ngay đề xuất trên và yêu cầu làm BOT phải làm ở đường mới, chứ không thể làm đường độc đạo được. Nguyên tắc ấy đã được nêu lên từ thời Thủ tướng Khải.

Thua lỗ, Đạm Ninh Bình muốn vay 550 tỷ đồng cứu nhà máy

Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình được khởi công vào năm 2008 với tổng mức đầu tư là 667 triệu USD. Dự án được thực hiện theo phương thức tổng thầu EPC là Tổng Công ty Thiết kế và Thầu khoán Hoàn Cầu Trung Quốc (HQCEC).

Nhà máy Đạm Ninh Bình
Nhà máy Đạm Ninh Bình

Từ ngày 15/10/2012, Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình tiếp nhận, quản lý và vận hành nhà máy. Theo kế năm thứ 4 trở đi nhà máy sẽ có lãi. Tuy nhiên trên thực tế, tổng lỗ lũy kế từ khi nhà máy đi vào sản xuất năm 2012 đến ngày 31/12/2014 là 1.719 tỷ đồng, vượt so với kế hoạch là 694 tỷ đồng.

Tính đến nay sau 4 năm hoạt động, nhà máy đạm Ninh Bình thua lỗ lên tới hơn 2.700 tỷ đồng. Máy móc nhà máy luôn trong tình trạng hư hỏng, hàng hóa tồn kho. Với mức lỗ lớn, hiệu quả hoạt động kém, nhà máy "lọt" danh sách 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ của ngành công thương.

Báo cáo tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Công Thương ngay ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán 2018, ông Vũ Văn Nhẫn - Tổng giám đốc công ty TNHH Đạm Ninh Bình cho biết tổng doanh thu tiêu thụ toàn nhà máy đạt 1.172 tỷ đồng năm 2017.

"Chạy máy làm giảm lỗ gần 270 tỷ đồng so với phương án ngừng máy", ông Nhẫn nói và cho biết lỗ cả năm 2017 là 933,5 tỷ đồng.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, thời gian vừa qua nhận thấy sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của cán bộ nhân viên nhà máy. "Có thời kỳ khó khăn, đồng chí Nhẫn đã từng xin nghỉ nhưng cố gắng động viên động chí lại quay lại làm và rồi có những kết quả bước đầu tích cực như hiện nay", ông Hải chia sẻ.

Hiện lãnh đạo nhà máy này đang đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ để ngân hàng cho vay 350 tỷ đồng để làm vốn lưu động, phục vụ sản xuất, kinh doanh; vay 200 tỷ đồng trong 3 năm để thực hiện kế hoạch đại tu năm 2018. Việc vay vốn phải được thực hiện càng sớm càng tốt do vật tư dự phòng đặt hàng sẽ cần từ 6-8 tháng chế tạo trước khi chuyển cho bên mua.

Sếp chi nhánh ngân hàng ôm 250 tỷ đồng cao chạy xa bay

Cơ quan Cảnh sát Điều tra phía Nam (C44B - Bộ Công An) đã hoàn tất kết luận điều tra một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 245 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Eximbank chi nhánh TPHCM.

Hơn 245 tỷ đồng tiền gửi của nữ khách hàng VIP bị sếp chi nhánh Eximbank TPHCM cuỗm mất
Hơn 245 tỷ đồng tiền gửi của nữ khách hàng VIP bị sếp chi nhánh Eximbank TPHCM "cuỗm" mất

Theo đó, từ năm 2007, bà Bình, một người có tiếng trong kinh doanh thủy sản bắt đầu giao dịch gửi tiết kiệm tại chi nhánh TPHCM của Eximbank. Do bà gửi số tiền khá lớn nên được nhà băng này chăm sóc theo tiêu chuẩn khách hàng Vip.

Ông Lê Nguyên Hưng, Phó Giám đốc chi nhánh này là người trực tiếp thực hiện các giao dịch với bà Bình. Bà Bình gửi tiền tiết kiệm 12 tháng, lãi tất toán cộng tiền gốc gửi tiếp vào năm sau.

Lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình, ông Lê Nguyên Hưng nhiều lần cùng nhân viên của Eximbank đến nhà riêng của bà để trình bày những khoản đã tất toán dựa theo kỳ hạn gửi.

Tuy nhiên, trên thực tế ông Hưng đã làm giả ủy quyền của bà Bình để rút tiền từ tài khoản chưa đến hạn tất toán của bà Bình rồi gửi vào tài khoản đã đến hạn tất toán. Giấy ủy quyền của bà Bình cho 2 cá nhân có tên là Nguyễn Thị Hồng Lê và Nguyễn Minh Huân nhưng bà Bình không biết 2 tên này. Với "chiêu thức" trên, ông Hưng chiếm đoạt được số tiền rất lớn của bà Bình trong quãng thời gian dài.

Cuối năm 2017, nghi ngờ mình bị lừa đảo, bà Bình tiến hành đối chiếu số dư sổ tiết kiệm thì phát hiện hơn 245 tỷ trong các tài khoản đã "bốc hơi".

Phố vàng chờ đến giờ “hốt bạc”

Đã từ nhiều năm nay, việc mua vàng lấy may mỗi dịp ngày Vía Thần Tài đã không còn xa lạ với người dân. Đây cũng là dịp các cửa hàng vàng “ hốt bạc ”.

Các công ty vàng bạc đã cho ra mắt thêm rất nhiều trang sức từ vàng ta dành riêng cho ngày thần tài như: vòng lắc hoa, nhẫn kim tiền gắn đá ngọc quý, mặt dây thần tài, đĩnh vàng, mặt khuyển vàng,… Ngoài ra, các sản phẩm cũng được làm với nhiều trọng lượng to, nhỏ khác nhau để phù hợp với túi tiền của khách hàng.

Vàng thần tài có hai phần giá, phần thứ nhất được định giá theo giá vàng, còn phần thứ hai liên quan đến tiền công. Các sản phẩm thần tài thường có tính chế tác tinh xảo hơn vàng nguyên liệu.

Trước ngày Vía Thần tài (10 tháng Giêng âm lịch), nhiều người dân Hà Nội đã tấp nập đi mua vàng để cầu may. Trong dòng người đi mua vàng cầu may, đa phần là người trẻ tuổi và có cả những người phụ nữ bồng bế con nhỏ đi mua vàng.

Bích Diệp (tổng hợp)

Chuyện ít biết về nguyên Thủ tướng; nhà máy thua lỗ muốn vay 550 tỷ đồng - 4