Thị trường ô tô, xe máy năm 2017 có gì để nhớ?

(Dân trí) - Ô tô giảm giá kịch sàn, xôn xao các quy định mới được ban hành trước thời điểm thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về mốc 0%, giấc mơ xe hơi "Made in Vietnam" hồi sinh... đó là những điểm nhấn của thị trường ô tô, xe máy Việt Nam trong năm 2017.

1. Áp dụng phí cấp biển số ô tô, xe máy mới

Theo Thông tư 229/2016 của Bộ Tài chính, thay thế các Thông tư trước đây về lệ phí biển số xe được áp dụng từ 1/1/2017, các mức phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy đăng ký và biển số được quy định như sau:

Thị trường ô tô, xe máy năm 2017 có gì để nhớ? - 1

Điểm mới của Thông tư này là bổ sung phần "Cấp lại biển số" ở mục II, với mức phí áp dụng chung cho cả 3 khu vực và tất cả các loại phương tiện là 100.000 đồng.

Ngoài ra, theo quy định mới, ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống (trước là từ 10 chỗ) và xe máy chuyển từ khu vực có mức thu thấp về khu vực có mức thu cao thì phải nộp lệ phí theo mức thu cấp mới, trừ trường hợp có lý do di chuyển công tác hoặc di chuyển hộ khẩu, mà không thay đổi chủ tài sản thì nộp lệ phí theo mức cấp đổi.

Việc cấp lại giấy đăng ký hoặc biển số chỉ được áp dụng đối với trường hợp giấy đăng ký hoặc biến số bị mất.

2. Đại chiến giảm giá xe ô tô

Dù dưới hình thức giảm giá niêm yết (đồng nghĩa với giảm cả mức phí trướcbạ) hay giảm trừ tiền mặt (không giảm phí trước bạ), thì người mua ô tô trong năm 2017 cũng được lợi. Tuy nhiên, việc ô tô giảm giá liên tục cũng đẩy người mua xe vào thế "bắt dao rơi", bởi có người vừa mừng rỡ mua được xe giảm giá chưa đầy một tháng thì xe lại giảm tiếp cả trăm triệu đồng.


Năm 2017, giá xe CR-V có mức giảm chưa từng có trong lịch sử Honda Việt Nam (Ảnh: Việt Hưng)

Năm 2017, giá xe CR-V có mức giảm chưa từng có trong lịch sử Honda Việt Nam (Ảnh: Việt Hưng)

Chấn động nhất trong cuộc "chơi dao" này trên thị trường ô tô Việt Nam năm 2017 là mẫu CR-V. Chỉ hai tuần sau đợt giảm giá 110-170 triệu đồng, Honda đã “bật đèn xanh” cho các đại lí thực hiện chương trình khuyến mại tặng tiền mặt 110-160 triệu đồng cho mẫu CR-V; chưa kể phiên bản 2.4L tiêu chuẩn còn được tặng thêm chiếc xe ga cao cấp SH 125i (trị giá 76 triệu đồng). Ngoài ra, các đại lí còn đưa ra chương trình khuyến mại riêng của mình.

Và kỷ lục thuộc về mẫu Volkswagen Touareg, với mức giảm lên tới 390 triệu đồng sau hai đợt giảm giá trong năm 2017.

Những đợt giảm giá xe kịch sàn cũng củng cố thêm tâm lý chờ đợi cho không ít, với kỳ vọng giá ô tô sẽ giảm mạnh hơn nữa trong năm 2018, khi thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước Đông Nam Á về mức 0% theo nội dung Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Tuy nhiên, ngay trước thềm năm mới 2018, sự ra đời của Nghị định 116/2017/NĐ-CP, có hiệu lực từ 17/10/2017, ít nhiều đã làm vơi đi niềm hi vọng này.

3. Thay đổi lớn ở thị trường xe

Năm 2017, Chính phủ liên tiếp đưa ra hai Nghị định với những ràng buộc chặt chẽ đối với xe đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam.


Xe đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam bị kiểm soát chặt chẽ hơn (Ảnh: Việt Hưng)

Xe đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam bị kiểm soát chặt chẽ hơn (Ảnh: Việt Hưng)

Đầu tiên là Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định công ty nhập khẩu xe đã qua sử dụng phải có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp đó được phép thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ôtô nhập khẩu tại Việt Nam. Điều này là điều khó khăn nếu không muốn nói là không thể khi mà các thương hiệu ôtô lớn trên thế giới đã có liên doanh hoặc nhà phân phối chính thức tại Việt Nam, do vậy việc các công ty nhập khẩu ngoài muốn xin được văn bản này là điều không thể làm được.

Ngoài ra, Nghị định 116/2017/NĐ-CP còn có một điều khoản khác được đánh giá là bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, như xe đã qua sử dụng phải được đăng kí lưu hành tại quốc gia có tiêu chuẩn khí thải tương đương hoặc cao hơn tiêu chuẩn khí thải hiện hành của Việt Nam, xe nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, phải có Giấy chứng đăng kí lưu hành còn hiệu lực của cơ quan và tổ chức có thẩm quyền tại nước ngoài…

Kế đến, Nghị định 125/2017/NĐ-CP thay đổi một số điều, trong đó có biểu thuế nhập khẩu dành cho xe đã qua sử dụng với cách tính mới cao hơn nhiều so với quy định cũ.

4. “Ván cờ” cuối cùng cho xe lắp ráp trong nước


Chính phủ vẫn đang có chính sách ưu đãi cho xe lắp ráp trong nước (Ảnh: Việt Hưng)

Chính phủ vẫn đang có chính sách ưu đãi cho xe lắp ráp trong nước (Ảnh: Việt Hưng)

Nghị định 125/2017/NĐ-CP nói trên cũng sửa đổi một số điều liên quan đến biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đối với ngành ôtô. Theo đó, toàn bộ linh kiện nhập khẩu phục vụ lắp ráp xe trong nước sẽ được miễn thuế nhập khẩu.

Chính sách này được đánh giá là bước đi thiết thực để phát triển ngành công nghiệp ôtô cũng như ngành công nghiệp phụ trợ trong nước mà không vi phạm các cam kết thương mại quốc tế. Đây cũng là điều mà người tiêu dùng Việt Nam mong đợi khi mở ra cơ hội sở hữu xe lớn hơn, trong bối cảnh giá bán ôtô tại Việt Nam hiện cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực cùng thu nhập đầu người chưa thể so sánh (với các nước đó). Vấn đề này còn được các chuyên gia trong ngành ôtô đánh giá là tạo ra nhiều giá trị về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm, thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, để tránh việc làm lợi cho các hãng cũng như gây ra việc “chây ì” không chịu gia tăng tỉ lệ nội địa hóa cũng như phát triển công nghiệp phụ trợ, Nghị định 125/2017/NĐ-CP còn đưa ra thêm điều kiện “ĐỦ” cho các hãng khi đưa ra các quy định rõ ràng về sản lượng từng giai đoạn, và nếu không đáp ứng được các tiêu chí này, số linh kiện đã nhập khẩu sẽ không được hưởng ưu đãi 0% này (truy thu theo mức thuế hiện hành của từng loại linh kiện).

Các ưu đãi của Chính phủ về chính sách dòng xe lắp ráp trong nước là vậy, nhưng liệu người tiêu dùng có được mua xe với giá bán hợp lí hay không thì vẫn là câu hỏi lớn chờ lời đáp trong năm 2018 tới đây. Hiện mới chỉ có ba thương hiệu Hyundai (với mẫu Grand i10), KIA (với Morning) và Toyota (với Vios) có nhiều khả năng đạt được ưu đãi này, với số lượng xe bán ra trong năm đủ lớn.

5. Xe nhập khẩu nguyên chiếc có thêm rào cản mới


Cuối năm 2017, hàng loạt mẫu xe nhập khẩu bị các đại lí găm hàng hoặc đẩy giá bán lên cao. (Ảnh: Nhật Minh)

Cuối năm 2017, hàng loạt mẫu xe nhập khẩu bị các đại lí găm hàng hoặc đẩy giá bán lên cao. (Ảnh: Nhật Minh)

Theo Nghị định 116/2017/NĐ-CP, các công ty muốn có giấy phép kinh doanh nhập khẩu xe mới sẽ phải cung cấp cho các cơ quan chức năng hàng loạt văn bản chứng nhận chất lượng, an toàn môi trường (của nước sản xuất xe). Trong khi đó, theo các hãng, “chẳng có nước nào cung cấp văn bản chứng nhận chất lượng cho xe bán ở nước khác”.

Ngoài ra, Nghị định 116/2017/NĐ-CP còn có những điều khoản được đánh giá là quá “khắt khe”, như phải kiểm định ngẫu nhiên xe theo từng lô xe nhập khẩu (không theo chủng loại như trước), các thương hiệu phải có đường thử đủ chuẩn…

Sự ra đời của Nghị định 116/2017/NĐ-CP này đã đẩy Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam bị chia rẽ sâu sắc. Trong khi các thương hiệu như Toyota, Ford, Suzuki… cho rằng các điều khoản mới này gây khó khăn cho doanh nghiệp (thuê đất làm đường thử, bất cập trong việc kiểm định xe từng lô…), thì các thương hiệu đang đẩy mạnh hoạt động lắp ráp trong nước, như Trường Hải, Hyundai Thành Công…, lại tỏ ra ủng hộ nhiệt tình.

Nghị định này cũng đã có ngay một tác động; đó là thời điểm cuối năm 2017, hàng loạt mẫu xe nhập khẩu không thể có mặt trên thị trường, dẫn đến hiện tượng các đại lí găm hàng hoặc đẩy giá bán xe lên cao.

6. Nhen lại "Giấc mơ ô tô Việt" giá rẻ

Vào đầu tháng 9/2017, với lễ khởi công tổ hợp sản xuất xe ô tô VinFast tại Khu kinh tế Cát Hải (Hải Phòng) gồm 5 phân xưởng cần thiết của chuỗi sản xuất ôtô hoàn chỉnh, Tập đoàn Vingroup bất ngờ làm sống lại "Giấc mơ ô tô Việt" tưởng chừng đã lụi tắt sau sự thất bại của Vinaxuki, cùng với việc thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước Đông Nam Á về mức 0% vào năm 2018 dẫn tới xu hướng xe nhập khẩu dần thay thế xe lắp ráp trong nước.


Các mẫu thiết kế dòng SUV của VinFast

Các mẫu thiết kế dòng SUV của VinFast

Cùng với dự án sản xuất ô tô của VinFast, trong năm 2017, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn chứng kiến sự phát triển đáng mừng của Thaco và Hyundai Thành Công theo hướng đẩy mạnh lắp ráp xe trong nước, bất chấp việc cận kề mốc năm 2018 thuế về 0%.

Cụ thể, Thaco đã khởi công xây dựng Thaco Mazda - nhà máy lớn nhất của Mazda tại Đông Nam Á, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2018. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) tiếp tục đầu tư vào các nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng, trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm.

Trong khi đó, Tập đoàn Thành Công trong năm 2017 đã có một bước tiến quan trọng là chính thức trở thành đối tác duy nhất của thương hiệu Hyundai tại Việt Nam, thâu tóm cả việc phân phối các mẫu xe thương mại (xe tải và xe bus), bên cạnh mảng xe du lịch đã có từ năm 2009. Theo kế hoạch, cơ cấu sản phẩm của Hyundai tại Việt Nam có tỉ trọng 70-80% xe lắp ráp CKD trong năm 2017 và tiếp tục tăng lên hơn 90% xe CKD trong năm 2018.

Ngoài mục tiêu phục vụ nhu cầu trong nước, liên doanh này cũng có dự định xuất khẩu sang các nước trong khu vực lân cận.

7. Các thương hiệu xe sang đổi nhà phân phối

Thị trường ô tô, xe máy năm 2017 có gì để nhớ? - 7

Trong năm 2017, quyền phân phối hai thương hiệu xe sang Đức này đã được chuyển giao cho Thaco, sau khi nhà nhập khẩu và phân phối xe BMW và MINI tại Việt Nam - Công ty Cổ phần ô tô Âu Châu (Euro Auto) bị khởi tố về hành vi làm giả hóa đơn, chứng từ hải quan, lừa gạt khách hàng trong hoạt động nhập khẩu, buôn bán xe ôtô.

Tương tự, trong khi Tân Thành Đô - vốn được ủy quyền chính hãng nhập khẩu xe Land Rover và Jaguar - đang bị truy thu thuế hàng trăm tỉ đồng, thì Đại sứ quán Anh tại Hà Nội đã giới thiệu công ty Đại Á là doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh 2 thương hiệu xe sang này chính hãng tại Việt Nam.

Không liên quan đến vấn đề pháp lý, nhưng cũng có sự thay đổi nhà phân phối tại Việt Nam là từ tháng 12/2017, các sản phẩm xe buýt của FUSO tại Việt Nam do Thaco phân phối và lắp ráp, thay vì Mercedes-Benz Việt Nam (MBV).

Trong khi đó, như đã đề cập ở trên, sau khi chỉ tập trung vào mảng xe du lịch từ năm 2009, Hyundai Thành Công trở thành nhà sản xuất, lắp ráp và phân phối độc quyền cả xe buýt, xe tải Hyundai tại Việt Nam từ tháng 9/2017.

8. Thị trường mô-tô sôi động


(Ảnh: Việt Hưng)

(Ảnh: Việt Hưng)

Bốn năm sau khi Bộ Giao thông vận tải ra Thông tư 38/2013 cho phép mọi đối tượng đều có thể tham gia thi và sở hữu giấy phép lái xe (bằng lái) hạng A2, thị trường xe phân khối lớn (trên 175cc) đã có những bước chuyển biến lớn, với nhu cầu sở hữu xe phân khối lớn của người dân ngày càng tăng cao.

Thị trường xe mô-tô tại Việt Nam hiện đã có sự góp mặt của khá đầy đủ các thương hiệu, từ bình dân đến cao cấp. Năm 2017 đánh dấu sự góp mặt của thêm thương hiệu Brixton và Triumph. Trong khi đó, các thương hiệu trước nay chỉ tập trung bán xe 150 phân khối trở xuống, như Honda, Suzuki, Yamaha..., cũng đã bắt đầu chú trọng hơn đến phân khúc xe phân khối lớn.

9. Tiêu chuẩn khí thải Euro 4 cho ô tô và Euro 3 cho xe máy

Thị trường ô tô, xe máy năm 2017 có gì để nhớ? - 9

Theo Quyết định số 49/2011/QĐ-TT, kể từ ngày 01/01/2017, các xe ô tô, mô-tô lắp ráp và nhập khẩu mới phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải ở mức 4 (Euro 4).

Dù nhiều hiệp hội, doanh nghiệp đã đề nghị lùi thời gian áp dụng đối với các dòng xe chở người từ 16 chỗ trở lên và các loại xe tải, với lý do chưa chuẩn bị kịp, nhưng Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giữ nguyên lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải tiêu chuẩn mức 4 (Euro 4) đối với ôtô chạy xăng; riêng các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp ôtô sử dụng nhiên liệu diesel được thực hiện đến hết ngày 31/12/2017.

Mới đây, Cục đăng kiểm Việt Nam đã ra thông báo dừng tiếp nhận đăng kiểm và cấp giấy chứng nhận kỹ thuật đối với ôtô sử dụng nhiên liệu diesel không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải từ đầu năm 2018.

10. Kỷ lục triệu hồi xe tại Việt Nam


Năm 2017, Toyota Việt Nam triệu hồi Vios với số lượng kỉ lục (Ảnh: Việt Hưng)

Năm 2017, Toyota Việt Nam triệu hồi Vios với số lượng kỉ lục (Ảnh: Việt Hưng)

Do cụm bơm túi khí trước bên phụ, lần đầu tiên có đợt triệu hồi một mẫu xe với số lượng lên tới hơn 18.000 chiếc tại Việt Nam, và kỷ lục đó thuộc về Toyota Vios. Ngoài Vios, còn có hơn 1.800 chiếc Yaris và hơn 8.030 chiếc Corolla Altis lắp ráp trong nước cũng bị triệu hồi vì lỗi tương tự.

Liên quan đến hệ thống túi khí, một số hãng xe khác tại Việt Nam cũng phải triệu hồi xe, nhưng với số lượng ít hơn, như Nissan với hơn 3.000 chiếc Navara; Mitsubishi với hơn 2.500 chiếc Pajero; Honda với hơn 1.300 chiếc Civic, CR-V và Accord; Ford với gần 120 chiếc Everest và Ranger nhập khẩu từ Thái Lan; và Subaru với 24 chiếc Legacy và Outback.

Ngoài ra, còn một số đợt triệu hồi xe liên quan tới các lỗi khác, như Mitsubishi triệu hồi hơn 4.200 chiếc Outlander Sport và Pajero Sport do lỗi hệ thống giảm chấn cửa sau; GM triệu hồi 531 chiếc Chevrolet Orlando do lỗi hệ thống khởi động “Start & Stop”; Lexus triệu hồi 360 chiếc RX do lỗi ở mô-tơ điều khiển đóng cửa hậu...

Chuyên mục Xe++

Thị trường ô tô, xe máy năm 2017 có gì để nhớ? - 11