Ssangyong chính thức đổi chủ

(Dân trí) - Nhà sản xuất ô tô Ấn Độ Mahindra cuối cùng đã hoàn tất thủ tục mua đa số cổ phần Ssangyong, hãng xe nhỏ nhất Hàn Quốc.

Ssangyong chính thức đổi chủ - 1
Mahindra dẫn đầu thị trường xe thể thao việt dã tại Ấn Độ, còn SsangYong là nhà sản xuất xe SUV đầu tiên tại Hàn Quốc vào năm 1988 - dòng Korando.

 

Mahindra cho biết lợi ích lớn nhất họ kỳ vọng ở việc mua lại Ssangyong là sự hiệp lực để củng cố sức mạnh cho cả hai. Do đó, Mahindra đã cho thành lập Ủy ban điều phối (Synergy Council), với thành viên là lãnh đạo của cả hai công ty, nhằm tăng hiệu quả của hoạt động mua sắm trên phạm vi toàn cầu, hoạt động phát triển xe mới và hỗ trợ các chiến lược kinh doanh để thâm nhập thị trường quốc tế.

 

Mahindra đã đặt ra 5 mục tiêu cho Ssangyong: củng cố danh mục sản phẩm, hợp lực với Mahindra, đầu tư phát triển SYMC (SsangYong Motor Company), xây dựng nguồn nhân lực, và tập trung tạo sự ổn định về tài chính.

 

SsangYong cũng đã có kế hoạch đầu tư cho năm 2011, với kinh phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm tăng 70% so với năm 2010, tức là ít nhất 177 triệu USD. SsangYong còn dự kiến chi 35,5 triệu USD, tăng 60% so với năm 2010, cho  chương trình xây dựng thương hiệu ở Hàn Quốc, và tăng gấp 4 kinh phí cho việc xây dựng thương hiệu ở nước ngoài.
 
Ssangyong chính thức đổi chủ - 2
 
Ssangyong ban đầu là hai công ty độc lập: Ha Dong-hwan Motor Workshop (thành lập năm 1954) và Dongbang Motor Co (thành lập năm 1962). Hai công ty này sáp nhập thành Hadonghwan vào năm 1963, bắt đầu sản xuất xe jeep cho quân đội Mỹ, cùng với xe tải và xe buýt sau đó một năm. Công ty này đổi tên thành Dong-A Motor vào năm 1977, rồi sau đó bị Ssangyong Business Group mua lại năm 1986 và đổi tên thành Ssangyong Motor.

 

Năm 1987, nhà sản xuất ô tô Anh Panther Westwinds mua Ssangyong. Năm 1991, công ty bắt đầu hợp tác công nghệ với Daimler-Benz để phát triển một mẫu SUV với công nghệ của Mercedes-Benz. Quan hệ hợp tác này giúp Ssangyong bước chân vào các thị trường mới mà không phải xây dựng cơ sở vật chất (dùng mạng lưới sẵn có của Mercedes-Benz), còn Mercedes thì thâm nhập thị trường SUV.

 

Năm 1997, Daewoo Motors mua cổ phần kiểm soát Ssangyong Group, rồi bán lại vào năm 2000, vì tập đoàn gặp khó khăn về tài chính. Cuối năm 2004, Tập đoàn công nghiệp ô tô Thượng Hải (SAIC) của Trung Quốc mua 51% cổ phần SsangYong Motor.

 

Tháng 1/2009, sau mức thua lỗ kỷ lục 75,42 triệu USD, Ssangyong rơi vào tình trạng bảo hộ phá sản, một phần do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu thị trường sụt giảm.

 

Tháng 8/2009, các cuộc đình công và biểu tình của công nhân chấm dứt, nhà máy trở lại hoạt động sau 77 ngày đình trệ. Nhân viên Ssangyong và nhiều nhà phân tích cáo buộc SAIC ăn cắp công nghệ của Ssangyong và không thực hiện đúng cam kết đầu tư vào công ty. SAIC bác bỏ các cáo buộc ăn cắp công nghệ. Tuy nhiên, SAIC đã bị văn phòng công tố viên Hàn Quốc kết tội vi phạm điều kệ công ty và luật Hàn Quốc khi chuyển giao công nghệ độc quyền của Ssangyong, phát triển với sự hỗ trợ kinh phí của chính phủ Hàn Quốc, cho các nhà nghiên cứu của SAIC.

 

Năm 2010, GM Daewoo kỳ hợp đồng với Ssangyong về việc cung cấp một số xe mới để tiêu thụ (Rodius, Chairman W và Chairman H), đổi lại là khoản đầu tư 20 tỷ won (17,6 triệu USD) từ GM Daewoo. Đây không phải là hợp đồng độc quyền, tức là Ssangyong vẫn có thể bán các xe này qua hệ thống đại lý riêng của hãng.

 

Tháng 8/2010, Mahindra & Mahindra Limited được chọn làm bên mua 70% cổ phần Ssangyong. Và hợp đồng chuyển nhượng vừa hoàn tất, tiêu tốn của Mahindra 463 triệu USD.

 

Nhật Minh

Theo Leftlane