Chiến lược quản lý xe máy của Đài Loan đáng để Việt Nam tham khảo
10 năm trước, giao thông Đài Loan được đánh giá là vô cùng tệ hại, vì lượng xe máy quá tải, đỗ xe tràn lan trên vỉa hè, lòng đường, gây ùn tắc giao thông, song đến nay Đài Loan được đánh giá là nơi có hệ thống giao thông hiện đại và thông thoáng nhất Châu Á. Vậy đâu là bí quyết?
Đặc trưng giao thông tại khu vực Đài Loan
Cũng giống Việt Nam, đặc thù các khu đô thị cũ của Đài Loan có cách bố trí nhà ngõ ngách, vỉa hè nhỏ, người dân lao động buôn bán nhỏ lẻ, xe máy là phương tiện thuận tiện để họ di chuyển và làm ăn buôn bán. Giao thông ở Đài Loan là giao thông hỗn hợp, có đủ các loại phương tiện di chuyển cùng lúc trên đường phố, từ xe đạp, xe máy, ô tô cho đến xe buýt, xe tải…
Trong những năm 2000, các thành phố lớn ở Đài Loan thường xuyên trong tình trạng tắc đường, bất kể giờ nào trong ngày, xe máy phủ kín mặt đường, đỗ tràn lan trên vỉa hè, lòng đường, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Theo thống kê của Bộ Giao thông và Truyền thông Đài Loan, tính đến tháng 8/2017, xấp xỉ 14 triệu xe máy được đăng kí tại hòn đảo này, chiếm 69% tổng số phương tiện giao thông. Bình quân cứ 10 người sở hữu 6,7 chiếc xe máy. Đài Loan được coi là một trong những nơi có mật độ xe máy lớn nhất trên thế giới, với khoảng 375 xe/km2.
Tìm kiếm một giải pháp đồng bộ
Tổng cục Đường bộ Đài Loan đã chỉ ra 4 nhân tố chính yếu ảnh hưởng đến an toàn giao thông của xe máy.
Thứ nhất là đường bộ, thiết kế công trình giao thông và phương pháp quản lý hiện hành đều chủ yếu tập trung vào đối tượng là xe ô tô, thiếu sự xem xét toàn diện về tính an toàn đối với xe gắn máy. Người sử dụng xe gắn máy thường phải chạy làn đường bên ngoài chung với xe công cộng hoặc xe ô tô, không gian lái xe chưa được phân bố hợp lý, làm tăng mức độ hỗn loạn khi điều khiển xe gắn máy, dễ gây tai nạn giao thông.
Thứ hai là người điều khiển xe gắn máy thiếu sự đào tạo lái xe an toàn, đa số thanh niên đều dùng phương thức tự học để lấy giấy phép lái xe, nhưng khi đối mặt với môi trường giao thông phức tạp trong thực tế lại thiếu đi kiến thức cần thiết và năng lực, kinh nghiệm lái xe an toàn.
Thứ ba là chất lượng của phương tiện khi tham gia giao thông không đảm bảo các điều kiện an toàn và nồng độ khí thải cho phép.
Thứ tư là chế tài xử phạt chưa đủ nghiêm minh, và chưa đủ độ răn đe và mang tính giáo dục cao.
Họ đã có một tầm nhìn chiến lược về quản lý phương tiện xe máy và áp dụng các giải pháp đồng bộ nhằm khắc phục các vấn đề tồn tại nêu trên.
Quản lý xe từ khi xuất xưởng đến quá trình lưu thông trên đường
Khi xe mới xuất xưởng, xe phải trải qua quy trình giám định của Trung tâm kiểm tra và cấp chứng nhận (Automotive Research & Testing Center) và Trung tâm kiểm tra an toàn xe (VSCC). Khi xe có Giấy chứng nhận đạt chuẩn mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký xe và được phép lưu thông trên đường.
Trong quá trình sử dụng, người dân phải định kỳ đến các trung tâm bảo hành và bảo dưỡng xe. Tại đây, xe máy được kiểm tra nồng độ khí thải miễn phí bằng máy đo nồng độ khí thải do cơ quan chức năng của chính phủ thẩm định và cấp phép. Xe sẽ phải sửa chữa cho đến khi đạt chuẩn mới được tiếp tục lưu thông. Xe nào cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt nặng. Ngoài tiền phạt phải nộp tại các cửa hàng tiện dụng, nếu nộp chậm sẽ bị phạt lũy kế và chủ xe sẽ phải đi dọn vệ sinh nhà xác.
Tem kiểm định khí thải cho xe máy tại Đài Loan
Quy hoạch lại hệ thống giao thông
Tổng cục Đường bộ Đài Loan đã cho làm lại toàn bộ vạch kẻ đường chống trơn trượt với chỉ số chống trơn trượt phải đạt 45BPN trở lên nhằm giảm rủi ro không ổn định của xe máy; Lập lại ký hiệu phân loại hướng di chuyển nhằm giảm thiểu những va chạm khi chuyển làn đường của các phương tiện tại giao lộ đồng thời nhằm nhắc nhở người đi đường phải đi đúng theo hướng dẫn của các ký hiệu biển báo, vạch kẻ; Thiết lập đường dành riêng cho xe máy, phân chia làn đường nhanh chậm thông qua vạch kẻ đường, nâng độ rộng của làn xe dành cho xe máy từ 2m lên 5m.
Giải pháp cho xe máy rẽ trái hai lần tại ngã tư được coi là một đặc trưng trong cuộc chiến chống tắc đường tại đây. Khi đến ngã tư, nếu xe máy muốn rẽ trái, thay vì rẽ luôn như thường thấy ở Việt Nam, họ áp dụng giải pháp rẽ trái hai giai đoạn, xe máy sẽ đi theo đường vuông góc. Nói một cách dễ hiểu, nếu muốn rẽ trái, xe máy phải tiến thẳng sang ô kẻ sẵn phía đường vuông góc bên phải, xoay hướng trái, đợi đến khi đèn chuyển xanh thì cùng dòng phương tiện đi thẳng qua ngã tư. Cách này tránh được xung đột khi vừa có xe thì đi thẳng vừa có xe rẽ.
Hình minh họa cách rẽ trai 2 giai đoạn của Đài Loan (nguồn: doimoisangtao.vn)
Vỉa hè sẽ được kẻ sẵn chỗ cho xe máy đỗ, nếu đỗ ra ngoài sẽ bị phạt tiền. Xe máy đỗ sát đường, nhường khoảng vỉa hè phía trong cho người đi bộ. Từ năm 2000, người Đài Loan phải trả phí đỗ xe máy, mức phí này khá cao, các khu vực càng gần trung tâm càng cao và lũy kế theo thời gian đỗ. Đây cũng được coi là một cách để người dân hạn chế đi xe máy, chuyển sang các phương tiện giao thông công cộng.
Thiết lập một chương trình đào tạo lái xe an toàn bắt buộc
Bộ đề thi lý thuyết và thi khảo hạch thực địa được Tổng cụ Đường bộ Đài Loan điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình thực tế. Bắt buộc tất cả các người điều khiển xe lần đầu nhận giấy phép lái xe gắn máy phải đăng ký học một khóa đào tạo lái xe an toàn trước khi được cấp giấy chứng nhận hoàn thành thi sát hạch và giấy phép lái xe.
Sự cải cách này đã góp phần giảm số vụ tai nạn giao thông và vi phạm an toàn giao thông rõ rệt.
Xử phạt tinh gọn và nghiêm khắc
Hệ thống xử phạt minh bạch và tinh gọn cũng là một giải pháp giúp đường phố Đài Loan qui củ và an toàn hơn.
Nhờ sức mạnh của công nghệ như camera được lắp đặt trên đường, các xe máy vi phạm luật, đi sai làn, đỗ xe sai chỗ sẽ được chụp lại biển số, biên lai nộp phạt sẽ nhanh chóng được gửi đến chủ xe trong vòng 3 ngày. Sau 10 ngày, số tiền phạt sẽ tăng dần lên, và sau 1 năm kể từ ngày thông báo, nếu chủ xe không nộp phạt thì xe máy sẽ bị tịch thu.
Việc áp dụng nghiêm chế tài xử phạt đối với xe máy phần nào khiến người dân nâng cao ý thức tham gia giao thông, không chen làn xe khác, đỗ xe đúng nơi quy định.
Với những giải pháp mang tính khoa học và hiệu quả, cùng với ý thức tốt của người dân, giao thông Đài Loan đã thực sự “lột xác”, bỏ lại phía sau nỗi ám ảnh về tai nạn và tắc đường.
Là một quốc gia có mật độ xe máy lớn, Việt Nam cũng có thể tham khảo những giải pháp đã chứng minh được tính hiệu quả ở những nơi có mật độ xe máy tương tự để giảm bớt gánh nặng giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mà không cần đến việc cấm hoàn toàn xe máy.
Lý Cường