Vấn đề sử dụng mạng xã hội làm nóng cuộc thi tranh biện sinh viên

(Dân trí) - Đưa ra ý kiến về việc có nên sử dụng mạng xã hội nội địa thay thế các loại mạng xã hội khác hay không, 3 sinh viên Phạm Vũ Tú Nam, Nguyễn Thị Thu Hoài và Phan Thu Thảo của đội HNT (Đại học Kiểm sát Hà Nội) đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi tranh biện “HPU Debate”.

“HPU debate” là cuộc thi tranh biện lần đầu tiên được tổ chức tại trường Đại học Kiểm sát Hà Nội quy tụ rất nhiều sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn thành phố.

Sau vòng sơ loại, 4 đội xuất sắc nhất đến từ trường ĐH Luật Hà Nội và ĐH Kiểm sát Hà Nội đã bước vào đêm chung kết với những màn tranh luận hết sức căng thẳng và nảy lửa.

Đêm chung kết cuộc thi diễn ra 2 vòng đấu, vòng đấu loại trực tiếp giữa 2 cặp đấu để chọn ra hai đội xuất sắc nhất bước vào vòng chung kết. Ở cặp đấu đầu tiên đội HPLU đã để thua đội The Challenge (đều đến từ Đại học Luật Hà Nội) và đội HNT thắng đội TNT (đều đến từ Đại học Kiểm sát Hà Nội) để giành tấm vé vào vòng chung kết.

Bước vào chung kết của cuộc thi, hai đội thi đấu với chủ đề “Ủng hộ sử dụng mạng nội địa thay cho mạng xã hội khác”. Hai đội tiến hành bốc thăm chọn đội “Ủng hộ” và đội “Phản đối”, theo đó The Challenge là bên “Ủng hộ” và HNT là bên “Phản đối”.


Vấn đề mạng xã hội quốc tế hay nội địa được các bạn sinh viên tranh luận say sưa.

Vấn đề mạng xã hội quốc tế hay nội địa được các bạn sinh viên tranh luận say sưa.

The Challenge triển khai các luận điểm để bảo vệ cho quan điểm ủng hộ của mình bằng việc đưa ra khái niệm “Mạng xã hội nội địa”, “Các mạng xã hội khác”. The Challenge cho rằng việc sử dụng mạng xã hội nội địa thay cho các loại mạng xã hội khác sẽ dễ dàng hơn cho việc quản lý thông tin.

Theo các bạn, thống kê từ cơ quan an ninh mạng cho thấy chỉ trong vòng 5 năm kể từ năm 2012 cho đến nay, trung bình mỗi tháng có hàng trăm tin, bài, clip tung trên mạng internet và những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, bóp méo sự thật, bôi nhọ tổ chức, thậm chí là đặt ra để chống đối chính quyền và mượn danh nghĩa yêu nước để phá hoại sự đoàn kết trong nội bộ dân tộc.

“Những tin, bài, clip này chủ yếu được phát tán trên 2 loại mạng xã hội chính thức và phổ biến nhất đó là Facebook. Tuy nhiên, khi cơ quan an ninh Việt Nam yêu cầu các nhà mạng cung cấp địa chỉ khách hàng có các biểu hiện vi phạm pháp luật Việt Nam này thì cơ quan điều hành Facebook đã không cung cấp cho các cơ quan an ninh mạng của Việt Nam về các thông tin của người thực hiện hành vi phạm tội đó”, The Challenge dẫn chứng.

Trên lĩnh vực kinh tế, tài chính, tiền tệ, việc kết nối mạng internet đã tạo ra nhiều lỗ hổng. Đặc biệt, mạng xã hội toàn cầu đã tạo ra nhiều khó khăn trong quản lý tiền tệ nên các đối tượng đã giao bán tiền VNĐ giả trên các trang mạng xã hội và sử dụng việc mua bán trao đổi thông tin trên mạng để trốn thuế và che giấu nhiều các hành vi phạm pháp khác.

Luận điểm thứ 2 được The Challenge đưa ra là việc sử dụng các mạng xã hội khác khó kiểm soát và thu thuế. Vì theo thống kê của Việt Nam, năm 2016 riêng thị phần Facebook ở Việt Nam đã lên tới 350 triệu USD nhưng Việt Nam lại không thu được thuế từ khoản đó trong khi việc người dùng Việt Nam sử dụng các mạng xã hội khác từ bên ngoại lại chiếm 98% thị phần trong nước.

Từ đó, The Challenge đưa ra giải pháp yêu cầu các nhà mạng đặt văn phòng đại diện, đặt máy chủ ở Việt Nam đồng thời đặt thêm các quy định mang tính nguyên tắc như kiểm tra độc lập định kỳ, thanh kiểm tra định kỳ và đột xuất để đảm bảo dữ liệu và truyền tải tốt hơn thông tin, không đi ngược lại chủ trương của Đảng và Nhà nước.

The Challenge bổ sung thêm trách nhiệm của các dịch vụ internet là các doanh nghiệp phải có khả năng giải trình việc lưu trữ và truyền tải thông tin mật quốc gia và thông tin riêng tư, cá nhân của các tổ chức và phải thông báo kiểm tra định kỳ, độc lập để phối hợp với các hoạt động thanh kiểm tra khác.

Phần thuyết trình về vấn đề mạng xã hội của sinh viên

Trước những luận điểm, luận cứ của The Challenge, đội HNT với tư cách là bên “Phản đối” đã đưa ra những quan điểm của mình để phản biện cũng như khẳng định không ủng hộ việc sử dụng mạng xã hội nội địa thay thế các mạng xã hội khác.

Đội HNT cho rằng việc sử dụng mạng nội địa sẽ làm hạn chế quyền tự do tiếp nhận thông tin của người dùng. Việc đơn vị chủ quản của Facebook không cung cấp thông tin về địa chỉ của người dùng mà The Challenge đề cập đến là hoàn toàn đúng vì nhà chủ quản Facebook đã giữ đúng quyền bảo mật thông tin khách hàng.

Luận điểm sử dụng mạng xã hội không phải mạng nội địa sẽ đảm bảo chính sách tài chính, kinh tế bởi nó sẽ không tạo ra lỗ hổng trong quản lý tiền tệ như thất thoát phí được đội HNT bác bỏ vì cho rằng đây là cái nhìn không toàn điện vì The Challenge chỉ nhìn vào mặt thất thoát của vấn đề.

Tổng kết, đội HNT đưa ra luận điểm sử dụng song song mạng nội địa và các mạng khác để đảm bảo quy luật cạnh tranh của thị trường, tạo nên sự đa dạng và cạnh tranh lành mạnh giữa mạng nội địa và các mạng khác. Ngoài ra, việc chỉ sử dụng mạng nội địa sẽ tạo nên sự độc quyền.

Để thuyết phục ban giám khảo, HNT đã chỉ ra thực trạng của việc sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay. Thông qua các trang mạng như Facebook, Instagram,... người dùng vừa có thể nắm bắt thông tin trong nước vừa học hỏi, giao lưu tiếp cận kho tri thức và hiểu biết vô tận của loài người.

Bên cạnh đó, hệ thống mạng nội địa đang tồn tại và phát triển song song với các mạng xã hội này với số lượng người dùng và mức độ tương tác đáng kể vẫn thực hiện tốt vai trò hỗ trợ người dùng trong nước, chia sẻ, kết nối tiếp cận với những thông tin.

HNT cũng khẳng định nếu chỉ sử dụng mạng nội địa mà bỏ qua các mạng khác là xâm phạm đến quyền tự do tiếp cận thông tin của người dùng. Điều này đã được quy định và thể hiện trong “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người” của Liên Hợp Quốc năm 1948 và “Công ước quốc tế quyền dân sự chính trị” năm 1966 mà Việt Nam đã tham gia, thậm chí còn hội nhập hóa nó ở điều 25 Hiến pháp.

“Trong tuyên ngôn thế giới về quyền con người của Liên Hiệp Quốc đã nêu rõ ràng việc tiếp nhận truyền đạt các ý tưởng, thông tin bằng bất cứ phương tiện truyền thông nào không có giới hạn về biên giới. Như vậy, việc chỉ sử dụng mạng nội địa là đang giới hạn về mặt biên giới với việc tiếp cận thông tin của người dùng”, HNT nói.


Đội HNT (bên trái ảnh) của đơn vị chủ nhà ĐH Kiểm sát HN giành chiến thắng chung cuộc

Đội HNT (bên trái ảnh) của đơn vị "chủ nhà" ĐH Kiểm sát HN giành chiến thắng chung cuộc

Xem xét bản chất vấn đề, thông tin nhận được chỉ tỏ ra hữu dụng khi người dùng tiếp cận khách quan vì vậy phải đảm bảo quyền tự do tiếp cận. Tuy nhiên, việc chỉ sử dụng mạng nội địa sẽ dẫn đến việc quản chế và kiểm soát trước khi đăng tải, ít nhiều mang tính định hướng và làm hạn chế tính khách quan cần có của thông tin.

Hạn chế của mạng nội địa là không đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng, làm hạn chế việc tiếp cận hoặc phải thông qua một công cụ khác để tiếp cận gây cản trở, tốn thời gian, những người hạn chế về mặt tin học sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

Vì vậy không thể sử dụng mạng nội địa để thay thế cho các mạng xã hội khác mà nên sử dụng song song mạng nội địa và mạng khác để nhằm tạo điều kiện cho quản lý nhà nước chặt chẽ, đảm bảo quyền của người tiếp cận thông qua hành lang pháp luật.

Việc đưa ra những dẫn chứng phản đối luận điểm của đội The Challenge đầy thuyết phục đồng thời đưa ra những luận điểm chặt chẽ của mình để bảo vệ quan điểm, HNT đã chiến thắng thuyết phục với số điểm sát nút 213,8 - 213,3. Theo đó, HNT đã trở thành quán quân mùa đầu tiên của “HPU debate” được tổ chức tại Đại học Kiểm sát Hà Nội.

Kim Bảo Ngân