TS. Lê Thẩm Dương: Xin việc là đi “bán mình”, hiểu rõ bản thân để "bán đúng giá"
(Dân trí) - Chuyên gia kinh tế, giảng viên, TS. Lê Thẩm Dương nói: “Đi xin việc thực chất là đi “bán mình”, nơi xin việc là thị trường lao động, nhà tuyển dụng thực chất là đi “mua người”. Hãy thể hiện khả năng của bạn để người ta phải hiểu rõ giá trị của bạn, bạn xứng đáng với mức lương bao nhiêu thì cho họ biết đúng giá của bạn”.
Ngày 18/9, buổi giao lưu “Hướng nghiệp cho sinh viên năm nhất và ra mắt bộ sách hướng nghiệp cùng MBTI” giữa giảng viên, chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Lê Thẩm Dương với sinh viên Hà Nội đã diễn ra tại toà soạn báo Sinh viên Việt Nam.
Mục đích chính của chương trình là trang bị cho tân sinh viên thông tin về thế giới nghề nghiệp, nhu cầu của thị trường lao động, định hướng phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam và cập nhật xu hướng toàn cầu; để tân sinh viên thấu hiểu bản thân một cách sâu sắc thông qua MBTI và các công cụ, phương pháp khoa học đã được nghiên cứu và thẩm định trên toàn thế giới; giúp sinh viên xác định rõ phong cách học tập hiệu quả nhất của riêng mình; xác định rõ ràng những đặc điểm cá nhân, nghề nghiệp, sở thích, thiên hướng nghề nghiệp của mình đồng thời học hỏi các kỹ năng cần thiết trong môi trường học tập và làm việc hiện tại.
Hướng nghiệp trong các trường phổ thông hiện nay không đúng nghĩa của nó
Mở đầu buổi trò chuyện, TS. Lê Thẩm Dương nói về thành công. Ông cho rằng thành công chỉ đến với những người “biết mình là ai”. Tiến sĩ Dương mong muốn các bạn trẻ hiểu rõ bản thân để lựa chọn con đường nghề nghiệp phù hợp với thế mạnh của mình.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương trong buổi giao lưu với sinh viên Hà Nội.
Ông đánh giá: “Người nào dùng sở trường của mình để làm việc thì chỉ mất 1/3 của cuộc đời để thành “ngôi sao” trong lĩnh vực đó. Nếu làm bằng sở đoản vì không hiểu mình thì cả cuộc đời chỉ là nhân vật trung bình trong lĩnh vực mà mình góp mặt hoặc là thất bại”.
Sở dĩ Tiến sĩ Dương lựa chọn đối tượng sinh viên năm nhất (hay còn gọi là tân sinh viên) để trò chuyện về chủ đề hướng nghiệp là bởi lứa tuổi này còn “kịp” để định hướng nghề nghiệp. Theo ông, đúng ra việc hướng nghiệp phải được triển khai trong toàn bộ hệ thống giáo dục từ cấp tiểu học.
Ông lựa chọn đối tượng sinh viên năm nhất là những người đang ở ngưỡng cửa bước vào thị trường lao động, đây là thời điểm để “gỡ lại” những thiếu sót vì bỏ lỡ hướng nghiệp trong giáo dục.
TS. Lê Thẩm Dương nhận xét về công tác hướng nghiệp ở bậc giáo dục phổ thông hiện nay: “Theo cách nhìn của tôi, hướng nghiệp trong các trường phổ thông hiện nay không đúng nghĩa của chữ “hướng nghiệp”.
Hướng nghiệp là chính người đó định hướng nghề nghiệp chứ không phải nhà trường hay hướng nghiệp giúp. Bởi vì người khác không hiểu được học sinh bằng chính các em. Ví dụ như hướng các em vào nghề ngân hàng, thương mại bởi vì những nghề này có thể làm giàu nhưng bản thân các em không làm được thì không hiệu quả. Trong cuộc sống, nghề nào cũng quan trọng, không có nghề nào hay kênh đầu tư nào là xấu”.
Xin việc là đi “bán mình”, hiểu rõ bản thân để bán đúng giá
Trong buổi giao lưu, các bạn sinh viên cũng đặt ra nhiều câu hỏi với TS. Lê Thẩm Dương. Bạn Văn Tú, sinh viên Đại học Ngoại thương hỏi: “Tiến sĩ có thể chỉ cho em một số chiêu để chinh phục nhà tuyển dụng được không?”
Ông Lê Thẩm Dương trả lời: “Tôi không có chiêu trò gì để chỉ cho bạn. Tôi cho rằng đi xin việc thực chất là đi “bán mình”, nơi xin việc là thị trường lao động, nhà tuyển dụng thực chất là đi “mua người”. Nếu nói là chiêu thì chiêu đầu tiên bạn cần là học cật lực, tạo nội hàm cho mình gồm có: kiến thức, kĩ năng, thái độ, khí chất.
Hãy thể hiện khả năng của bạn để người ta phải hiểu rõ giá trị của bạn, bạn xứng đáng với mức lương bao nhiêu thì cho họ biết đúng giá của bạn. Tôi xin nói, đằng sau thành công bao giờ cũng có bóng dáng của lao động, không thể có con đường nào khác”.
Bạn Ngô Xuân Giang, sinh viên Viện ĐH Mở Hà Nội cũng đặt câu hỏi: “Em là sinh viên năm cuối mà vẫn còn đang hoang mang về nghề nghiệp của mình. Bây giờ em đọc sách hướng nghiệp liệu có kịp không?”.
TS. Dương đáp: “Bạn còn trẻ thì sự hoang mang của bạn là lẽ thường tình. Lo là tín hiệu tốt. Sinh viên năm cuối mới đọc sách hướng nghiệp thì có hơi đáng tiếc nhưng đó không chỉ là tiếc cho bạn mà tiếc cho nền giáo dục hướng nghiệp còn thiếu sót.
Đến tận năm cuối bạn vẫn chưa được cọ xát nên chưa hiểu được chính mình. Bây giờ vẫn còn kịp, tới 70 tuổi đọc sách hướng nghiệp vẫn có ích như thường, ít nhất là để giáo dục thế hệ sau”.
Mai Châm