Những nỗi vui buồn chỉ có trong ngày Tết

(Dân trí) - Thay vì niềm vui ngày Tết sẽ được nghỉ ngơi, ăn chơi và không phải lo nghĩ thì nhiều bạn trẻ cho rằng Tết là khởi đầu của những chuỗi ngày lo lắng bài tập về nhà, ăn uống không kiểm soát và những mong đợi từ họ hàng.

Tặng tiền lì xì là truyền thống không thể thiếu trong những ngày Tết ở Việt Nam. Dù nhỏ tuổi hay đã lớn thì chắc chắn không bạn trẻ nào không mong muốn ngày Tết được nhận phong bao lì xì từ người thân, bạn bè. Đây được xem là khoản tiền may mắn cho khởi đầu của năm mới "làm ăn phát đạt".

Lịch nghỉ Tết Nguyên đán hàng năm ít nhất cũng kéo dài 1 tuần, đây là khoảng thời gian đủ lý tưởng cho những hoạt động ăn chơi dài ngày không phải lo nghĩ của các bạn trẻ.

Đặc biệt, nghỉ Tết lâu cũng là mong muốn của hầu hết các bạn sinh viên tỉnh lẻ ra Thủ đô học tập. Một năm chỉ về nhà 2 lần là nghỉ hè và Tết, cô sinh viên năm 3 Nguyễn Mai Hương, quê ở Nghệ An luôn mong muốn có được một khoảng thời gian ăn Tết đủ dài để ở bên gia đình.

Bạn Nguyễn Mai Hương
Bạn Nguyễn Mai Hương

Hương tâm sự: "Đối với mình, mình thích nhất là không khí chuẩn bị Tết khiến con người ta cảm thấy rộn ràng, tấp nập, đặc biệt là giây phút chuyển giao giữa năm mới và năm cũ rất thiêng liêng, đánh dấu một khởi đầu mới, bước ngoặt mới trong cuộc đời mình. Ví dụ năm nay mình 20 tuổi thì năm sau mình 21 tuổi, sẽ đánh dấu giai đoạn sinh viên năm cuối, nhắc nhở mình phải tăng tốc và chỉn chu hơn trong việc học tập".

Tuy nhiên, Hương cũng bày tỏ lòng mình, bên cạnh việc mong chờ Tết thì cũng có những nỗi lo khiến Hương không thích Tết: "Mình thấy Tết nghỉ hơi ngắn vì sinh viên xa quê như mình muốn lưu giữ nhiều hơn khoảnh khắc Tết đối với gia đình, Tết là Tết sum vầy.

Mong muốn của mình năm nay là đón Tết nhưng không có bài tập tết vì mình muốn xõa Tết, xõa hết mình chứ không phải lúc nào cũng phải tràn ngập deadline, bài tập của thầy cô, chỉ muốn chơi cho hết cho đã đến khi hết Tết rồi thì mình lại tập trung vào việc học".

Huyền Trang không thích Tết hết tuổi nhận lì xì
Huyền Trang không thích Tết hết tuổi nhận lì xì

Nếu như cô bạn Mai Hương chỉ mong muốn Tết được nghỉ thật nhiều thì Huyền Trang một bạn trẻ đến từ Vĩnh Phúc lại có những chia sẻ rất riêng về sự yêu ghét ngày Tết của mình. "Mình thích Tết vì thời gian Tết mình có thể nghỉ ngơi, vui chơi giải trí mà không phải lo đến chuyện học hành. Còn mình không thích Tết vì bây giờ mình lớn rồi, mình không được lì xì nữa", Huyền Trang nói.

Những ngày thường, việc dồn toàn bộ thời gian cho học tập, công việc đã cuốn các bạn trẻ vào vòng xoáy bận rộn, nhiều khi chỉ mong một ngày nghỉ cũng khó khăn, chính vì vậy không ai lại từ bỏ một cơ hội "cả năm mới có một lần" để thỏa thuê làm những điều mình thích như ngủ nướng, vui chơi, đi du lịch,... Đặc biệt, một "đặc cách" mà các bạn trẻ nhận được vào dịp này là đi chơi "tẹt ga" mà không sợ phụ huynh la mắng.

Khác với sở thích của hai bạn Hương và Trang, Mai Trần quê Hà Giang lại muốn trở về với tuổi thơ để được ở bên gia đình. "Mình thích không khí đoàn tụ ngày Tết, cả nhà cùng nhau chuẩn bị mọi thứ, thích cảm giác mình vẫn còn bé, chỉ là người phụ bố mẹ và nghe người lớn giảng giải về tết. Thích được nhận lì xì", Mai Trần bộc bạch.

Bạn Mai Trần một năm chỉ về quê 2, 3 lần
Bạn Mai Trần một năm chỉ về quê 2, 3 lần

Nhưng cô bạn lo ngại văn hóa lì xì giờ đây đã làm giảm đi cái thú vị của ngày Tết. Mai nói: "Mình rất ghét cảm giác mọi thứ đều bị vật chất hóa khi mọi người coi lì xì như món nợ cần phải trả sòng phẳng. Thậm chí trẻ con cũng bị nhiễm tâm lý này, chỉ thích tiền to trong khi chúng chẳng cần tiêu tiền".

"Cảm giác chênh lệnh giữa tết nhà giàu và tết nhà nghèo càng ngày càng rõ ràng. Nói chung mình ghét Tết ở điểm một số gia đình coi Tết là dịp khoe của", Mai Trần thẳng thắn.

Và lý do "kinh điển" khiến các bạn trẻ "ngán ngẩm" ngày Tết là bị người thân, họ hàng hỏi thăm "có người yêu chưa", "khi nào lấy vợ/chồng",... Đây là tâm sự của bạn Cao Văn Độ (sinh năm 1995), người Hà Nội. Tuy không phải mong ngóng từng ngày về quê nhưng điều khiến anh bạn ghét Tết chính là sự "quan tâm" từ phía người thân, họ hàng.

Cao Văn Độ ngồi trông bánh Tết cùng gia đình
Cao Văn Độ ngồi trông bánh Tết cùng gia đình

Độ bày tỏ, Tết ngày nay không còn giữ được những nét truyền thống như ngày xưa, điều đó thể hiện ở truyền thống gói bánh chưng. "Mình thấy gói bánh chưng trong các dịp Tết là nét đẹp truyền thống, thậm chí nó còn được đưa vào những lời bài hát trong ngày tết, mình nhớ có đoạn bài hát "trông bánh trưng chờ trời sáng đỏ hây hây những đôi má hồng" nhưng giờ ít nhà còn giữ được truyền thống đó", Độ nói.

"Mình may mắn vì gia đình vẫn còn lưu giữ truyền thống này. Tết nhà mình vẫn mua lợn về mổ, rồi gói bánh chưng và luộc bánh, trông bánh đến thâu đêm", Độ kể.

Tuy nhiên, Cao Văn Độ cũng có nhiều điều trăn trở, đó là việc bị tăng cân quá nhanh vì ngày Tết đi đến đâu cũng phải ăn. Đặc biệt là việc bị gia đình giục lấy vợ dù cậu bạn còn khá trẻ.

Kim Bảo Ngân

Ảnh: NVCC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm