450 tỷ đồng giảm thiểu biến đổi khí hậu tại Quảng Bình

(Dân trí) - UBND tỉnh Quảng Bình vừa công bố kế hoạch hành động REDD+ giai đoạn 2016-2020 (PRAP Quảng Bình) với nguồn vốn 450 tỷ đồng nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Kế hoạch hành động REDD+ tỉnh Quảng Bình được phê duyệt và triển khai nhằm phát triển rừng bền vững, đóng góp có hiệu quả vào giảm thiểu biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Kế hoạch được UBND tỉnh này phê duyệt ngày 25/04/2016.

Với nguồn vốn 450 tỷ đồng từ các tổ chức phi chính phủ và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, PRAP Quảng Bình được xây dựng nhằm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng, suy thoái rừng, tăng cường trữ lượng các-bon rừng, bảo tồn trữ lượng các-bon rừng và quản lý rừng bền vững phù hợp với mục tiêu của Chương trình hành động REDD+ quốc gia, đảm bảo phát triển kinh tế, an sinh xã hội gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững của tỉnh.

Buổi lễ công bố kế hoạch hành động REDD+ tại Quảng Bình
Buổi lễ công bố kế hoạch hành động REDD+ tại Quảng Bình

Quảng Bình có gần 545.000 ha rừng, độ che phủ rừng chiếm 67,6% diện tích đất tự nhiên, là một trong những tỉnh có độ che phủ rừng lớn trong toàn quốc và có tiềm năng lớn nhất về REDD+.

PRAP Quảng Bình giai đoạn 2016 - 2020 được tập trung thực hiện tại 19 xã ưu tiên thuộc sáu huyện (Bố Trạch, Lệ Thủy, Minh Hóa, Quảng Ninh, Quảng Trạch, Tuyên Hóa), bao gồm ba hợp phần chính là: Quản lý, phát triển rừng; Xã hội và Môi trường; Các vấn đề liên quan đến quản lý.

Kế hoạch hành động REDD+ tỉnh Quảng Bình được phê duyệt và triển khai nhằm tạo ra những kết quả thiết thực, tiến tới chi trả thí điểm REDD+, phát triển rừng bền vững, đóng góp có hiệu quả vào giảm thiểu biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Sau Lâm Đồng và Điện Biên, Quảng Bình là tỉnh thứ ba phê duyệt Kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh.

REDD+ là sáng kiến nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển để giảm phát thải khí nhà kính thông qua 5 nhóm hoạt động, gồm: Giảm phát thải từ mất rừng; Giảm phát thải từ suy thoái rừng; Bảo tồn trữ lượng các-bon rừng; Quản lý rừng bền vững và Tăng cường trữ lượng các-bon rừng.

Việt Nam là một trong 9 quốc gia đầu tiên được chọn để thí điểm Chương trình UN-REDD và cũng là một trong những nước đầu tiên nhận được phê duyệt cho Ý tưởng đề xuất tham gia Quỹ Các-bon (ER-PIN) thuộc Quỹ đối tác Các-bon trong Lâm nghiệp.

Phạm Thanh