Xuất khẩu than càng nhiều, càng thiệt hại
Năm ngoái Việt Nam xuất khẩu hơn 32,5 triệu tấn than, thu được 1,018 tỉ USD. Nhưng nếu phải nhập khẩu than để cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, thì tại thời điểm hiện nay, số tiền trên chỉ đủ để mua lại 7,5 triệu tấn.
Trong bốn năm tính từ 2004, lượng than xuất khẩu của Việt Nam đã tăng gấp năm lần và đạt mức 32,535 triệu tấn vào năm ngoái. Đó là chưa tính đến lượng than bị xuất khẩu lậu bình quân đến 10 triệu tấn/năm.
Trước việc xuất khẩu than ồ ạt như vậy, từ năm 2006 Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cảnh báo nếu không có biện pháp hạn chế thì nguồn tài nguyên quan trọng này sẽ sớm bị cạn kiệt, ảnh hưởng xấu đến việc bảo đảm an ninh năng lượng cho nền kinh tế.
Bất chấp lời cảnh báo đó, sản lượng than xuất khẩu trong năm 2007 vẫn tăng thêm 11%. Ông Bùi Xuân Khu, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết năm nay bộ dự kiến cắt giảm lượng than xuất khẩu khoảng năm triệu tấn so với năm ngoái nhằm đáp ứng nhu cầu tăng thêm ở thị trường nội địa. Nhưng cắt giảm chừng ấy cũng chưa đủ.
Ngay một số cán bộ lãnh đạo của tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng cho rằng, chỉ nên xuất khẩu ở mức năm triệu tấn/năm nhằm hạn chế thiệt hại, đồng thời để ngành than có kinh phí đầu tư, chuẩn bị đáp ứng nhu cầu sẽ tăng vọt của nền kinh tế trong tương lai gần.
Năm ngoái, than xuất khẩu bình quân gần 32,2 USD/tấn (giá bán tại cảng Quảng Ninh). Cơn sốt giá dầu thô trên thị trường thế giới trong những tháng qua đã làm cho than xuất khẩu tăng giá đột biến và hiện đã lên đến 60 USD/tấn. Như vậy, chỉ riêng với số than đã xuất đi vào năm ngoái, Việt Nam đã mất gần một tỉ USD do chênh lệch giá.
Nhưng thiệt hại đó vẫn chưa bằng thiệt hại nếu phải nhập khẩu than với giá hiện nay. Theo các chuyên gia của TKV, hiện tại, giá một tấn than nhập về tới Việt Nam khoảng 135 USD (bao gồm phí vận chuyển).
Điều này đồng nghĩa với số tiền thu từ xuất khẩu than hiện nay chưa đủ để mua lại một nửa lượng than tương ứng trong tương lai. Đó là chưa tính đến trường hợp biến động giá cả. Với nhu cầu tiêu thụ điện đang tăng 17-20%/năm, thời điểm Việt Nam phải nhập khẩu than không còn xa.
Theo Bộ Công Thương, để đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế trong giai đoạn từ nay đến 2025, mỗi năm Việt Nam cần thêm 4.000 MW điện. Do tiềm năng thủy điện đã khai thác gần hết, nguồn khí đốt thiên nhiên có thể khai thác không nhiều, nên vấn đề phát triển nguồn điện trong những năm tới sẽ phụ thuộc phần lớn vào các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than.
Theo nhu cầu đó, nếu các nhà máy điện sắp được xây dựng sử dụng than để sản xuất một nửa công suất, thì mỗi năm nhu cầu tiêu thụ than sẽ tăng thêm sáu triệu tấn, đồng nghĩa với Việt Nam phải chi ra trên 800 triệu đô la Mỹ/năm, theo thời giá hiện nay, nếu phải nhập khẩu than.
Trước đây, một số chuyên gia của Bộ Công Thương dự báo từ năm 2015 Việt Nam sẽ phải nhập than, nhưng khả năng này có thể đến sớm hơn nhiều. Một số dự án nhiệt điện lớn ở miền Trung và miền Nam đang được đề xuất xây dựng; các nhà đầu tư, trong đó có tập đoàn Điện lực Việt Nam, đã phải đi tìm nguồn cung cấp than ở nước ngoài.
Hiện nay, mỗi năm TKV khai thác được hơn 50 triệu tấn than, trong đó khoảng 15 - 20 triệu tấn cung cấp cho các khách hàng trong nước, còn lại xuất khẩu hết, chủ yếu là sang Trung Quốc.
Các chuyên gia của ngành than cho biết, sản lượng khai thác đã đạt tới mức giới hạn, do các mỏ than lộ thiên đang cạn dần. Trong những năm tới, việc khai thác than càng ngày càng phải tiến sâu vào lòng đất hơn, nên sản lượng sẽ giảm.
Nguồn cung cấp than chính của Việt Nam là các mỏ ở tỉnh Quảng Ninh. Theo TKV, khu mỏ này có tổng trữ lượng 10,5 tỉ tấn, đủ để cung cấp cho nền kinh tế mỗi năm 50 triệu tấn trong 70 năm nữa.
Nhưng phần có khả năng khai thác với sản lượng lớn, nằm ở độ sâu dưới 300 mét, chỉ có 3,5 tỉ tấn và đã được khai thác từ hơn 100 năm qua, nên còn lại không nhiều.
Mỏ than lớn nhất nước là ở vùng đồng bằng sông Hồng, với tổng trữ lượng đến 210 tỉ tấn, nhưng mỏ này lại nằm sâu dưới lòng đất từ 100 - 3.500 mét. TKV đang tiến hành đầu tư để khai thác mỏ này. Tuy nhiên, do than nằm ở độ sâu quá lớn, nên mỗi năm chỉ có thể sản xuất khoảng 9 - 10 triệu tấn.
Nhu cầu dầu thô trên thị trường thế giới đang tăng mạnh, trong khi nguồn cung cấp giảm, đã đẩy giá dầu vượt qua 135 USD/thùng. Trong tình hình đó, an ninh năng lượng trở thành vấn đề cấp thiết đối với tương lai của nền kinh tế. Việt Nam không có nhiều dầu thô, mà chỉ có than là tương đối đáng kể.
Do vậy, cần hạn chế, hoặc ngưng xuất khẩu than để Việt Nam bớt phụ thuộc nguồn năng lượng nhập khẩu trong tương lai. Một cán bộ lãnh đạo của TKV cho rằng, thay vì sử dụng máy móc, nhân lực khai thác hàng chục triệu tấn than xuất khẩu, thì nên dùng năng lực đó để bóc đất, đá bề mặt mỏ, chuẩn bị hầm lò, chuẩn bị những điều kiện khai thác thuận lợi nhất nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế trong tương lai.
Theo Tấn Đức
Thời báo Kinh Tế Sài Gòn