1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

TS.Cấn Văn Lực: "Chính phủ có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhưng không chủ quan với lạm phát"

(Dân trí) - “Qua công tác điều hành và một số động thái chính sách gần đây cho thấy, Chính phủ đang hết sức quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp, chú trọng ổn định vĩ mô và không chủ quan với lạm phát”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng đánh giá.

Thưa ông, mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ là kiềm chế lạm phát trong năm 2016 khoảng 4 - 5%. Tuy nhiên, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP và mới đây nhất NHNN cũng đã ban hành Thông tư 06 và Thông tư 07. Rõ ràng, các chính sách này nhằm hướng tới mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ông đánh giá như thế nào về các chính sách này?

Tôi cho rằng hai mục tiêu này không hề mâu thuẫn trong bối cảnh hiện nay. Đúng là lạm phát của chúng ta năm nay có dấu hiệu áp lực khá rõ rệt. Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam trong 5 tháng qua có một số khởi sắc nhất định. Tuy nhiên, vẫn có những khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản, nông nghiệp và xuất khẩu… bởi vì năm nay có nhiều biến cố về biến đổi khí hậu, môi trường, ô nhiễm xảy ra.


TS.Cấn Văn Lực.

TS.Cấn Văn Lực.

Trong bối cảnh đó rõ ràng cần có biện pháp tháo gỡ. Tôi nghĩ rằng, Thông tư 06 và Thông tư 07 ra đời đã đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp, của thị trường và của các tổ chức tín dụng, trong bối cảnh thời gian vừa qua có một số điểm nghẽn. Đặc biệt, Thông tư 07 đã gia hạn thời gian cho vay ngoại tệ, qua đó góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là xuất khẩu, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đỡ khó khăn; đồng thời góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm nay khoảng 6,7% như Quốc hội và Chính phủ quyết tâm đạt được.

Vậy liệu có áp lực lạm phát khi ban hành hai thông tư này không, thưa ông?

Trong bối cảnh nào chúng ta cũng phải hết sức quan tâm đến ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Đặc biệt là đối với hai thông tư này chúng ta không có gì đáng lo ngại, hay nói cách khác đó là sự phản ứng chính sách khá linh hoạt, bởi vì:

Thứ nhất, tín dụng tuy có được nới lỏng nhưng vẫn tiếp tục được nắn mạch đến dòng ưu tiên. Song song với đó, NHNN kiểm soát chặt chẽ việc cho vay đối với các lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản, các dự án BOT…

Thứ hai, tổng lượng vay ngoại tệ của hệ thống tài chính ngân hàng đã tung ra cho nền kinh tế khoảng 10% tổng dư nợ. Nếu như hỗ trợ xuất khẩu thì rõ ràng nó chỉ chiếm khoảng 3 - 5% tổng dư nợ, như vậy cũng không phải là quá nhiều nhưng sức lan tỏa lại rất lớn khi chúng ta hỗ trợ xuất khẩu.

Thứ ba, tôi hiểu rằng Chính phủ cũng đã nhận thức được về áp lực lạm phát. Chính vì thế, Chính phủ đã điều hành quyết liệt trong việc tăng cường phối hợp chính sách, đặc biệt giữa tiền tệ với tài khóa và kiểm soát giá cả để đảm bảo đồng bộ các công cụ và như vậy chúng ta mới đảm bảo kiểm soát được lạm phát dưới 5% như mục tiêu đã đề ra.

Chúng ta không chủ quan với lạm phát và lạm phát hiện vẫn đang trong tầm kiểm soát. Với hai Thông tư 06, 07 đã tháo gỡ về mặt tâm lý cũng như hỗ trợ giải pháp rất cụ thể trong bối cảnh chúng ta vừa ban hành Nghị quyết 35 để hỗ trợ doanh nghiệp, đây là một giải pháp rất cần thiết.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 35, có thể nói chính sách tiền tệ đã có “hồi đáp”, còn các chính sách liên quan khác thì sao, thưa ông?

Tôi thấy rằng cùng với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa cũng có một số động thái.

Thứ nhất, phát hành trái phiếu Chính phủ đã điều chỉnh giảm lãi suất phát hành. Đó là một điều kiện quan trọng để hệ thống ngân hàng giảm lãi suất, giữ ổn định lãi suất cho vay trung, dài hạn cũng như không tạo áp lực cạnh tranh về nguồn vốn trung, dài hạn đối với hệ thống ngân hàng trong bối cảnh lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ được điều chỉnh.

Thứ hai, một số chương trình tiết kiệm, quản lý giá cả đã được Chính phủ triển khai quyết liệt liên quan đến giao thông vận tải như phí BOT, xăng dầu, một số mặt hàng giáo dục, y tế… Chính phủ đã chỉ đạo đồng bộ để đảm bảo giá cả được kiểm soát ở mức hợp lý, đồng thời vẫn đảm bảo yếu tố thị trường.

Theo quan sát của chúng tôi, thời gian tới giá cả thế giới sẽ còn nhiều biến động: giá dầu đã tăng, giá lương thực cũng có xu hướng nhích lên... Đấy là những vấn đề chúng ta không thể nào kiểm soát và có biện pháp kiềm chế được vì chúng ta phải nhập khẩu. Vậy từ nay đến cuối năm, để kiểm soát lạm phát, chúng ta phải có những biện pháp điều chỉnh về mặt chính sách nữa không, thưa ông?

Đây là một câu hỏi rất quan trọng. Bởi vì rõ ràng năm nay các tác động bên ngoài sẽ nhiều hơn so với năm ngoái. Năm ngoái giá dầu giảm mạnh, giá hàng hóa thực phẩm trên thế giới, hàng hóa cơ bản cũng giảm. Năm nay, sau khi giá dầu về đáy, đã bắt đầu quay trở lại.

Nhiều dự báo hiện nay cho rằng có khả năng giá dầu bình quân cả năm sẽ ở mức 50 - 55 USD/thùng, có thể có nhiều thời điểm sẽ cao hơn. Cộng với việc biến đổi khí hậu, thời tiết sẽ khiến cho giá lương thực thực phẩm trên thế giới đã bắt đầu nhích lên. Đây là một áp lực và tôi hiểu rằng Chính phủ đang không hề chủ quan đối với các tác động bên ngoài.

Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt về mặt chính sách, đặc biệt giữa tiền tệ, tài khóa, kiểm soát giá cả cũng như lượng cung tiền ra nền kinh tế, để đảm bảo kinh tế vẫn tăng trưởng được ở mức hợp lý và không bị lạm phát. Với cách làm như vậy, tôi cho rằng, kỳ vọng lạm phát của Việt Nam năm nay có thể đạt được mức dưới 5% hoặc khoảng 5%.

- Xin chân thành cảm ơn ông!

MP (thực hiện)

TS.Cấn Văn Lực: "Chính phủ có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhưng không chủ quan với lạm phát" - 2