1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Trình dự án 5.000 tỷ đồng, Nam Định hứa “tăng thu, tiết kiệm chi”

(Dân trí) - Trình dự án giao thông với tổng nguồn vốn xấp xỉ 5.000 tỷ đồng, riêng giai đoạn 1 là 2.596 tỷ đồng, chủ yếu dùng tiền ngân sách, UBND tỉnh Nam Định dự kiến huy động từ tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách tỉnh và các nguồn hợp pháp khác là 296 tỷ đồng; đồng thời khẳng định thực hiện nguyên tắc tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư dự án.

UBND tỉnh Nam Định vừa có tờ trình về việc phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Đây là dự án cấp tỉnh thuộc dự án nhóm A nằm trên huyện Ý Yên và huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 46 km nhằm nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa Vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Bắc - Nam, kết nối với mạng lưới giao thông trong khu vực và hệ thống đường giao thông quốc gia, phát huy hết vai trò hiệu quả của các dự án trong khu vực đã và đang triển khai.

Dự án cũng được kỳ vọng sẽ tạo bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch của vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định nói riêng, của tỉnh Nam Định và khu vực đồng bằng Sông Hồng nói chung; đảm bảo an ninh quốc phòng, phòng chống lụt bão.

Một đoạn cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình
Một đoạn cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

Báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu: Trường hợp dự án cần phải đầu tư ngay nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo hướng mục tiêu đến năm 2020 thông tuyến đường với quy mô đầu tư 2 làn xe (đoạn Km0+0,0 – km23+200 giao với ĐT490C); 4 làn xe (đoạn km36+400 – km46+00 điểm cuối dự án).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị không đầu tư các hạng mục cầu Đống Cao (do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư) và đoạn km23+200 – km36+400 do sử dụng đường hiện hữu ĐT490C đang khai thác.

UBND tỉnh Nam Định dự kiến sẽ phân kỳ dự án thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2017 đến 2020; giai đoạn 2 sau năm 2020 (sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, trên cơ sở khai thác tuyến đường xác định cụ thể lưu lượng xe thực tế, kết quả đánh giá hiệu quả đầu tư mở rộng hoàn chỉnh dự án).

Tổng mức đầu tư dự án hoàn chỉnh là 4.986 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 có vốn đầu tư 2.596 tỷ đồng, giai đoạn 2 có vốn đầu tư 2.390 tỷ đồng.

Theo dự kiến của UBND tỉnh Nam Định, riêng trong giai đoạn 1, ngân sách trung ương hỗ trợ từ nguồn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 là 1.200 tỷ đồng (bao gồm 10% dự phòng theo quy định là 122,92 tỷ đồng).

Ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác là 1.396 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến nguồn vốn ứng từ Quỹ phát triển đất của tỉnh bố trí cho giải phóng mặt bằng giai đoạn I dự án là 300 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất hai bên đường là 800 tỷ đồng và nguồn vốn từ tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách tỉnh và các nguồn hợp pháp khác là 296 tỷ đồng.

UBND tỉnh Nam Định cũng khẳng định, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, tỉnh sẽ chỉ đạo thực hiện nguyên tắc tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư dự án theo quy định tại Nghị quyết số 89 ngày 10/10/2016 của Chính phủ.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm