1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thương lái Trung Quốc ra sức mua cá tra Việt, đem tăng trọng… rồi xuất khẩu

(Dân trí) - Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã phản ánh tình trạng trên tại hội nghị về thúc đẩy xuất khẩu diễn ra sáng nay (23/4).

Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.
Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị thúc đẩy xuất khẩu sáng nay (ngày 23/4), ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP cho biết, năm 2017, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,28 tỷ USD, tăng tới 48% so với năm trước.

Đáng chú ý, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo VASEP, xuất khẩu sang Trung Quốc còn nhiều bất cập vì quy định doanh nghiệp xuất khẩu và sản phẩm xuất khẩu phải nằm trong danh mục những nhà sản xuất thuỷ sản được Trung Quốc công nhận.

Ngoài ra, trong khi nhu cầu các sản phẩm cá tra chất lượng cao có xu hướng hồi phục tại một số thị trường quan trọng thì nguyên liệu trong nước lại gặp “vấn đề”. Đặc biệt là hiện tượng thương lái Trung Quốc ra sức thu mua cá tra, bất kể chất lượng, đem gia công và tăng trọng… để xuất khẩu qua biên giới.

“Việc không quản lý chặt chẽ chất lượng cá tra xuất khẩu đi Trung Quốc đang được gia công chế biến tràn lan sẽ gây tổn hại đến uy tín chất lượng cá tra Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu khác”, ông Trương Đình Hòe nhận định.

Theo vị này, Trung Quốc không còn là thị trường hàng chất lượng thấp mà là một thị trường phát triển và nhạy cảm với các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Cuối năm 2017, trên một trang báo điện tử chuyên ngành thuỷ sản của Trung Quốc đã đặt ra quan ngại về chất lượng cá tra Việt Nam đồng thời đề cập đến hiện tượng nhiều cá nhân người Trung Quốc liên quan đến hoạt động buôn lậu cá tra.

Qua thống kê, lãnh đạo VASEP cho biết, có hơn 50% là xuất khẩu qua được chính ngạch, còn lại hơn 40% xuất khẩu qua đường tiểu ngạch (đường bộ, đường biên giới). Giá cả đi qua đường tiểu ngạch đang chênh so với đuòng chính ngạch khoảng 1 USD/kg.

Để việc xuất khẩu cá tra ổn định và đạt kim ngạch xuất khẩu dự kiến trên 1,8 tỷ USD, đồng thời tránh những hậu quả như phụ thuộc vào thị trường, VASEP cho rằng, cần các giải pháp quản lý chặt chẽ, đồng bộ.

Theo đó, VASEP kiến nghị Chính phủ xem xét và chỉ đạo thực hiện chất lượng theo chuẩn quốc tế đối với mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu đi Trung Quốc bằng đường bộ thông qua việc cấp và kiểm tra bắt buộc Chứng thư chất lượng ATVSTP trước khi xuất khẩu.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, ngành thuỷ sản Việt Nam nói riêng và thị trường xuất khẩu nói chung đang vấp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là xu hướng bảo hộ.

“Chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng hơn trong những tháng đầu năm 2018. Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, Hoa Kỳ mới lại áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu trong thương mại (đối với máy giặt)”, Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng Công Thương, Hoa Kỳ cũng sẵn sàng mâu thuẫn với chính mình, thay đổi quy tắc xuất xứ đã được Hoa Kỳ công nhận và duy trì nhiều năm để có thể đánh thuế "chống lẩn tránh" vào tôn xuất khẩu của Việt Nam.

“Mức thuế chống bán phá giá cá tra - basa mới được công bố gần đây cũng cao một cách bất thường, có thể nói là bảo hộ quá mức”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Nguyễn Khánh

Thương lái Trung Quốc ra sức mua cá tra Việt, đem tăng trọng… rồi xuất khẩu - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm