Tây Bắc vẫn còn là “lõi nghèo” của cả nước

(Dân trí) - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu 4 ngân hàng là Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank đồng hành cùng với Ngân hàng Chính sách tạo đủ nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay của khu vực Tây Bắc trong thời gian tới.

Hôm nay 21/9, Hội nghị tổng kết 5 năm (giai đoạn 2011-2015) thực hiện tín dụng chính sách tại vùng Tây Bắc do Ban chỉ đạo Tây Bắc và Ngân hàng Chính sách Xã hội tổ chức đã diễn ra tại thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai.

Vùng Tây Bắc dưới sự chỉ đạo và giám sát của Ban Chỉ đạo Tây Bắc bao gồm 8 tỉnh phía Đông Bắc, 4 tỉnh phía Tây Bắc và 21 huyện phía Tây của hai tỉnh Thanh Hóa (11 huyện) và Nghệ An (10 huyện) với trên 11,6 triệu người thuộc hơn 30 dân tộc anh em, trong đó có khoảng 63% là đồng bào thiểu số, là vùng được Đảng và Nhà nước xác định có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ.

Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, đồi núi hiểm trở, gặp nhiều khó khăn về giao thông, thường xuyên chịu nhiều tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, như lũ, sạt lở, hạn hán,... Tây Bắc hiện nay là vùng có tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo cao nhất trong cả nước. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đối với Tây Bắc là triển khai thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác xóa đói, giảm nghèo trong thời gian tới.


Ông Nguyễn Văn Bình: Tây Bắc vẫn còn là “lõi nghèo” của cả nước

Ông Nguyễn Văn Bình: Tây Bắc vẫn còn là “lõi nghèo” của cả nước

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho hay: "Trong bối cảnh hiện nay, khi Tây Bắc vẫn còn là “lõi nghèo” của cả nước với tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới là 29,14%, cao gấp 2,95 lần tỷ lệ chung của cả nước, trong đó có nhiều tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 40-50%, đồng thời phương pháp tiếp cận đo lường từ nghèo đơn chiều đã thay đổi sang nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, những điều này đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động tín dụng chính sách cho vùng Tây Bắc trong thời gian tới".

Chia sẻ về tín dụng cho vùng Tây Bắc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Lê Minh Hưng cho biết: Một điểm nổi bật là chất lượng tín dụng không ngừng được nâng cao. Đến nay tỷ lệ nợ quá hạn của Ngân hàng Chính sách nằm ở khoảng 0,45% trên tổng dư nợ, riêng vùng Tây Bắc chỉ còn 0,25%, đây là con số rất ấn tượng, rất yên tâm.

"Đạt được kết quả trên trước hết là do ý thức trách nhiệm, tự giác trả nợ của người vay, họ là những người nghèo nhưng biết chắt chiu từng đồng vốn để trả nợ đúng hạn cho ngân hàng," Thống đốc nhấn mạnh.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết thêm, ngoài Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu 4 ngân hàng Nhà nước là Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank đồng hành cùng với Ngân hàng Chính sách tạo đủ nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay trong thời gian tới.

Thông tin tại hội nghị cũng cho hay, thời gian qua, các chương trình tín dụng chính sách được triển khai tại vùng Tây Bắc đã giúp cho người nghèo, người dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách được vay vốn với lãi suất ưu đãi; thủ tục thuận lợi, đơn giản, không mất chi phí về hồ sơ.

Từ năm 2011 đến nay đã có trên 2,2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn tín dụng ưu đãi, với doanh số cho vay đạt gần 45 nghìn tỷ đồng, hiện có trên 1,2 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn vay vốn ngân hàng; tỷ lệ nợ quá hạn của vùng Tây Bắc chỉ là 0,25% trên tổng dư nợ, thấp hơn bình quân chung của toàn hệ thống.

An Hạ