Tăng thuế VAT có thể làm gia tăng thêm 200.000 đến 240.000 người nghèo

(Dân trí) - Nhờ sử dụng các sơ đồ, phân tích định lượng đo lường hai phương án tăng thuế giá trị gia tăng (VAT), nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR) và Đại học Kinh tế Quốc dân đã lượng hoá được sức ảnh hưởng của thuế VAT đối với đời sống kinh tế vĩ mô và vấn đề phát sinh thêm tỷ lệ đói nghèo.

TS. Nguyễn Việt Cường, Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay, theo phương án 1 tăng thuế VAT thêm lên 1,2% ở mỗi hàng hoá, như hàng hoá đang có mức thuế 5% sẽ tăng lên hơn 6%, 10% sẽ tăng lên 12%... tỷ lệ chi tiêu bình quân giảm đi 0,89%, tỷ lệ nghèo tăng lên 0,26 điểm %, tương ứng với khoảng 240.000 người nghèo tăng lên.

Các chuyên gia kinh tế khẳng định, việc tăng thuế VAT theo cả hai phương án đều tác động làm tăng tỷ lệ đói nghèo. Phương án thứ 2, tăng VAT nhóm hàng đang có thuế VAT 5% lên 10% là hợp lý hơn tăng đồng loạt thêm 1,2%.
Các chuyên gia kinh tế khẳng định, việc tăng thuế VAT theo cả hai phương án đều tác động làm tăng tỷ lệ đói nghèo. Phương án thứ 2, tăng VAT nhóm hàng đang có thuế VAT 5% lên 10% là hợp lý hơn tăng đồng loạt thêm 1,2%.

Ảnh hưởng nhiều người giàu nhưng thiệt hại lớn cho người nghèo

Phương án 2 là chỉ tăng thuế VAT ở một số mặt hàng từ 5% lên mức chung 10% thì tác động nhỏ hơn, chủ yếu ở nhóm hộ tiêu dùng nhiều thực phẩm như rau và thịt sẽ bị ảnh hưởng...

Theo ông Cường, hiện chi tiêu bình quân hiện nay của người dân vào khoảng 34,5 triệu/người/năm, trung bình 1 tháng là gần 3 triệu đồng. Nếu áp dụng phương án 1, mức VAT tăng 1,2% thì chi tiêu thực tế hộ gia đình giảm đi tương ứng 0,89%, giá cả tăng lên.

Trường hợp này khiến người dân phải giảm chi tiêu vì phải tiết kiệm để bù đắp hoàn toàn chi phí giá tăng lên. Nếu áp dụng tăng VAT những hàng hóa chịu thuế 5% lên 10%, các hộ chi tiêu nhiều về lương thực, thực phẩm thiết yếu ở mức 5% sẽ chịu ảnh hưởng, nó có thể chiếm 23% tổng chi tiêu, mức ảnh hưởng thấp hơn.

Ông Cường cho rằng, phương án tăng đồng loạt thuế lên 10% cho thấy tác động thu thuế rất cao. Nếu có thể sử dụng hiệu quả tăng thuế này có thể tái đầu tư và có tác dụng trong dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn một năm chưa chắc tái đầu tư được, do vậy trong ngắn hạn tăng đồng loạt thuế VAT lên 10% sẽ tác động rất lớn đến người dân.

"Tỷ lệ nghèo tăng lên và nhóm ảnh hưởng nhiều nhất là hộ cận nghèo. Còn các hộ giàu thì suy giảm chi tiêu chưa đủ để họ bị ảnh hưởng. Chúng tôi có số liệu cụ thể, số lượng người nghèo tăng lên theo các phương án lên 240.000 người, còn phương án 2 là 202.000 người", ông Cường dẫn chứng.

TS Cường khẳng định: Tăng VAT lên tất nhiên ảnh hưởng là các cá nhân, và phương án tăng 1,2% làm chi tiêu giảm mạnh hơn là phương án điều chỉnh thuế VAT cho nhóm mặt hàng từ 5% lên 10%.

Tác động tăng thuế VAT sẽ rõ rệt đối với các hộ nghèo và cận nghèo, bởi họ sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng mạnh nhất. Về phân loại, nhóm yếu thế khi VAT bị tăng là trẻ em, người già, lao động nữ, người làm việc có kỹ năng thấp... sẽ ảnh hưởng nhiều hơn.

Tăng thuế phải sử dụng để sinh lợi, đầu tư hạ tầng

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR: Việc tăng thuế VAT nhìn chung đều ảnh hưởng đến các hộ gia đình, người dân, vì giá cả tăng theo. Sự tổn thương sẽ có mức độ khác nhau giữa các nhóm.

Khi tăng thuế VAT, người có thu nhập cao bị ảnh hưởng hơn một chút so với người nghèo, tuy nhiên người nghèo sẽ bị thiệt hại về thực tế thu nhập nhiều hơn so với người giàu do thu nhập của họ ít hơn. Và về cơ bản, các hộ ở nông thôn, nhiều thành viên, trình độ học vấn thấp… thì ảnh hưởng mạnh hơn do tăng thuế VAT.

Ông Thành nói, vậy nếu không có cải cách đáng kể trong chi tiêu mà chỉ tăng thuế, phúc lợi xã hội sẽ giảm; năng suất cũng như sản lượng tăng không đáng kể. Việc tăng thuế trong bất kỳ trường hợp nào buộc sử dụng nguồn tăng thuế đó để sinh lợi, đầu tư hạ tầng mới tốt hơn.

“Chính phủ chịu sức ép nguồn thu thì luôn phải tìm cách tăng đủ mọi thứ, thuế môi trường xăng dầu, thuế VAT… Lúc đưa ra thì ý tưởng như vậy nhưng tăng bao nhiêu lại là vấn đề; người dân phản đối mạnh mẽ và nhiều chiều. Do vậy, cần phải rút kinh nghiệm khi chuẩn bị các luật thuế này cần công phu và thông tin nhiều hơn, đánh giá tác động nhiều hơn. Khi giải trình với Quốc hội và dân chúng đã có đánh giá rất kỹ, minh bạch, sử dụng làm gì điều đó sẽ tạo sự đồng thuận và hợp tác từ phía người dân”, TS Thành nêu.

"Nếu chi tiêu khôn ngoan hơn, đầu tư hiệu quả sẽ giúp tăng năng suất nền kinh tế trong dài hạn, có hiệu quả. Phân tích của nhóm nghiên cứu chúng tôi cho thấy, các hộ nông thôn chịu ảnh hưởng nhiều và vùng miền, các vùng khu vực phía Nam, các hộ dân tộc miền núi Tây Bắc cũng chịu ảnh hưởng từ các loại thuế này", ông Thành nói.

“Nếu bất đắc dĩ phải tăng thì cần giải pháp khác nữa tính tới các nguồn khác như thuế tài sản người giàu, phân tán nguồn thu ra để tránh tập trung vào đối tượng phổ thông, yếu thế”, TS Thành đề xuất.

Nguyễn Tuyền

Tăng thuế VAT có thể làm gia tăng thêm 200.000 đến 240.000 người nghèo - 2