Nữ doanh nhân Việt: Phát huy tinh thần “mẫu Âu Cơ”

(Dân trí) - “Trong thời hội nhập, các nữ doanh nhân hãy giữ vững niềm tin, phát huy tinh thần đùm bọc, đoàn kết. Chỉ như vậy mới vượt sóng ra khơi thành công và đến với những vườn hồng hội nhập tỏa hương mà không làm đứt tay”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nói.

Diễn đàn “Nữ doanh nhân - Sẵn sàng hội nhập” diễn ra tại TPHCM vào chiều 28/8 đã thu hút sự quan tâm tham dự của nhiều diễn giả uy tín, nữ doanh nhân thành đạt…

img-20150828-160228-1440814626328

Các nữ doanh nhân chia sẻ kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp tại diễn đàn

Không “đóng khung” những gì đã làm được

Với chủ đề của phiên thảo luận là “Nữ doanh nhân – Đổi mới tư duy, nâng tầm hội nhập”, các nữ doanh nhân thành công trên thương trường như bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn REE, bà Lê Hồng Thủy Tiên, TGĐ Tập đoàn Imex Pan – Pacific… đã chia sẻ những “bí kíp” để "chèo lái" con thuyền doanh nghiệp mình ra biển lớn.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh cho biết, bà cảm thấy tiếc khi Việt Nam đổi mới từ năm 1986 nhưng nhiều năm sau đó vẫn trì trệ, thậm chí nhiều doanh nghiệp muốn đổi mới cũng không được. Khi Việt Nam cho cổ phần hóa doanh nghiệp (năm 1993) và hiện nay được niêm yết trên sàn chứng khoán… thì doanh nghiệp Việt cũng mới chỉ như là gặp phải liều thuốc để chống cảm.

Trong quản trị doanh nghiệp, bà Thanh cho rằng, vì ngành nghề của bà là kỹ thuật nên khá đơn giản, không có gì phức tạp. “Chúng tôi có tiếng nói chung giữa người đưa ra ý tưởng và đội ngũ thực hiện ý tưởng đó. Ngành chúng tôi làm là kỹ thuật nên khá đơn giản trong quản trị doanh nghiệp: Trắng ra trắng – đen ra đen”, bà Thanh nói.

Nữ doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung thì cho rằng, nhà lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ quan tâm đến vấn đề tài chính mà cần có những tuy dư để luôn thay đổi. Nếu chỉ quan tâm đối thủ thì sẽ đi theo lối mòn, không có tầm nhìn mới. Theo bà Dung, doanh nghiệp phải nhìn vào đối tượng khách hàng mà mình đang phục vụ để đổi mới.

“Tôi luôn đặt nặng vai trò sự đổi mới trong doanh nghiệp. Tôi chưa thất bại trong hoạt động kinh doanh nhưng không đóng khung những gì tôi làm được. Tôi tự hào chứ không tự mãn”, bà Dung nói.

Phát huy tinh thần “mẫu Âu Cơ”

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam (WB) cho rằng, bà có niềm tin vào các nữ doanh nhân Việt Nam sẽ lọt vào những vị trí Topten trong nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, theo đại diện WB, có một thực tế khiến doanh nghiệp Việt Nam không chịu thực hiện đổi mới sáng tạo là tâm lý sợ tốn kém, hạn chế về kỹ thuật… Trước xu thế hội nhập, bà Victoria Kwakwa khuyên các doanh nghiệp Việt phải đổi mới, sáng tạo. Chỉ có đổi mới, sáng tạo thì mới giúp doanh nghiệp luôn luôn ở trong cuộc chơi, tồn tại lâu dài và đáp ứng nhanh chóng nhu cầu, đòi hỏi của người tiêu dùng.

“Đừng quan tâm nhiều đến đối thủ cạnh tranh, hãy tập trung vào phát triển nhu cầu thực sự của thị trường. Nếu chỉ chú ý đến ngắn hạn thì khi có vấn đề gì xảy ra khó phản ứng. Nên lên kế hoạch trung, dài hạn và có sẵn các kịch bản khác nhau để dễ dàng ứng phó”, bà Victoria Kwakwa nói.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp & Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết, nước ta đang đứng trước cuộc hội nhập sâu rộng chưa từng có. Hội nhập không chỉ ở vấn đề thị trường mà là hội nhập cả thể chế, tư duy… Hội nhập là luật chơi, chứ không đơn thuần chỉ là một sân chơi. Khi ta chấp nhận hội nhập, nghĩa là chấp nhận luật chơi toàn cầu, nền kinh tế toàn cầu.

Ông Lộc ví von rằng, hội nhập là "cuộc hôn nhân" giữa những chàng thanh niên FTA (các hiệp định thương mại tự do – PV) xuyên quốc gia với các cô gái thôn quê khu vực kinh tế tư nhân. Những "đứa con" mà chúng ta mong đợi là chuỗi giá trị mang lợi ích toàn cầu. Thời gian qua, những đứa con đó cơ bản chưa hoàn thành. FTA đối với nước ta như ốc đảo, còn lĩnh vực kinh tế tư nhân chưa sẵn sàng hội nhập toàn cầu.

Những hiệp định thương mại là bông hồng đẹp nhưng rất nhiều gai mà những chàng trai đa quốc gia tặng cho các cô gái kinh tế tư nhân Việt. Do đó, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, các nữ doanh nhân Việt là những người đi đầu trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên, các nữ doanh nhân nói riêng cũng như doanh nhân Việt nói chung phải không nhừng cải thiện, thay đổi tích cực thì mới có thể hội nhập trong một tâm thế chủ động, sẵn sàng.

“Đứng trước cuộc hội nhập này, các chị em phải nắm được thông tin về hội nhập, phải biết mình biết ta. Phải xây dựng được kế hoạch kinh doanh trong chuỗi kết nối với các doanh nghiệp khác. Nếu chưa hình thành chuỗi, sẽ khó thành công khi hội nhập”, ông Lộc nói.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, các nữ doanh nhân cũng là những người đang thực hiện vai trò là mẹ, vợ trong gia đình. Trong mỗi nữ doanh nhân đều có tinh thần của mẹ Âu Cơ.

“Chúng ta sinh ra trong bọc trăm trứng. Không chỉ có sợi dây liên kết mà còn đùm bọc nhau. Chị em học được từ mẫu Âu Cơ nhiều nhất chứ không riêng các doanh nhân nam. Vì thế, các chị em hãy đi đầu tinh thần bao bọc nhau trong thời hội nhập. Chỉ như vậy mới vượt sóng ra khơi thành công và đến với những vườn hồng hội nhập tỏa hương mà không làm đứt tay”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Công Quang

 

Nữ doanh nhân Việt: Phát huy tinh thần “mẫu Âu Cơ” - 2